Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

CEO Standard Chartered: Tài chính xanh Việt Nam tăng trưởng khả quan

CEO ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Michele Wee nhận định thị trường tài chính xanh Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng khả quan vào năm 2022.

Trao đổi với Zing, bà Michele Wee, Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho biết ngành ngân hàng và tài chính tại Việt Nam đã đạt những kết quả tốt sau khi trải qua giai đoạn đại dịch. Trong đó, tổng giá trị giao dịch tài chính bền vững, hay tài chính xanh, cho thấy mức tăng trưởng gần 13% vào năm 2022.

Tuy nhiên, các tác động của kinh tế toàn cầu nói chung là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới các triển vọng tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

- Bà định nghĩa thế nào là một ngân hàng xanh? Và vai trò của Standard Chartered Bank khi là một ngân hàng xanh?

- Ngân hàng xanh là ngân hàng cam kết thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

Standard Chartered cam kết giảm lượng phát thải cacbon từ hoạt động cấp vốn xuống không vào năm 2050. Chúng tôi đặt ra các tiêu chuẩn, khuôn khổ và nguyên tắc đánh giá, phục vụ khách hàng, kiểm toán và báo cáo, cũng như đảm bảo các nguồn lực cần thiết, xây dựng khung pháp lý và tuyển dụng nhân sự nhằm đảm bảo tạo dựng một ngân hàng tốt hơn và phát triển xanh.

Tôi cho rằng phát triển xanh là một lộ trình kéo dài nhiều năm và doanh nghiệp cần có một hướng đi đúng. Điều đó rất quan trọng.

- Bà đánh giá thế nào về tình hình và tiềm năng phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam?

- Trước tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết của Việt Nam tại COP26 và đây là một bước tiến rất lớn. Việt Nam đã vạch ra lộ trình về tăng trưởng xanh. Theo một số thống kê, vào năm 2022, tổng giá trị giao dịch tài chính bền vững, hay tài chính xanh, được thực hiện trên thị trường là khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ trên thị trường, cho thấy mức tăng trưởng gần 13% so với cùng kỳ năm trước đó.

tai chinh xanh viet nam anh 1

Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam trong buổi phỏng vấn với Zing ngày 13/3. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chúng ta có nhiều cơ hội và tiềm năng để thúc đẩy tài chính xanh, và còn nhiều việc phải làm ở phía trước.

- Việc là một ngân hàng nước ngoài mang đến cho Standard Chartered những lợi thế gì?

- Chúng tôi đã xây dựng khuôn khổ ESG (về môi trường, xã hội và quản trị) từ năm 1997. Chúng tôi đã có 119 năm hoạt động tại thị trường nơi đây và là một trong những ngân hàng đầu tiên được cấp phép đầy đủ tại Việt Nam.

Trong quá trình phát triển của Việt Nam, Standard Chartered mong muốn đóng góp ngày càng nhiều cho thị trường trong nước bằng cách chia sẻ kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực tài chính xanh, hay cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với các nhóm khách hàng.

Chúng tôi đào tạo và chia sẻ kiến thức với giới trẻ về các sản phẩm và dịch vụ tài chính thông qua chương trình “Đào tạo Tài chính” đồng thời, chia sẻ những xu hướng mới trên thị trường về tài chính xanh, ESG cho khách hàng, doanh nghiệp và các bên liên quan.

Trong lĩnh vực tài chính xanh, chúng tôi chia sẻ các kiến thức cho giới trẻ về tài chính xanh và tầm quan trọng của ESG. Ở khía cạnh doanh nghiệp, khi trao đổi với các khách hàng, kể cả khi họ có nhu cầu xây dựng một tòa nhà hay một nhà máy, chúng tôi luôn cố gắng thúc đẩy các yếu tố xanh.

- Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2022 sau cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với COP26, bà nhận định ngày càng có nhiều người tìm đến lĩnh vực kinh doanh bền vững. Liệu điều này có tiếp diễn trong năm nay, khi nhiều doanh nghiệp đang ưu tiên sống sót qua suy thoái kinh tế?

- Đại dịch Covid-19 từ năm 2020 khiến mọi người đều tập trung vào những vấn đề sống còn. Tới nay, Việt Nam đã vượt qua “cơn bão”, với vị thế tốt hơn nhờ những nỗ lực kiểm soát lạm phát, đảm bảo các hoạt động kinh tế hồi phục mạnh mẽ như năm 2022 và mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023.

Để đạt được mục tiêu này, tôi nghĩ rằng (Việt Nam) cần chú ý đến các ngành sản xuất, giải quyết vấn đề ở lĩnh vực bất động sản và tác động của vĩ mô toàn cầu. Chúng ta đều biết (nền kinh tế) đang chậm lại ở phương Tây - những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vừa dỡ bỏ lệnh hạn chế Covid-19. Việc nhập khẩu và xuất khẩu sẽ mất một thời gian để phục hồi trở lại. Nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nay.

tai chinh xanh viet nam anh 2

CEO của Standard Chartered Việt Nam cho biết tổng giá trị giao dịch tài chính xanh tại ngân hàng đã tăng gần 13% trong năm 2022. Ảnh: Standard Chartered.

Rõ ràng chúng ta đang gặp những khó khăn. Tôi được biết nhiều công ty không nhận được đơn đặt hàng. Đồng thời, đối với khu vực FDI, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc liệu đây có phải thời điểm đầu tư thích hợp hay không.

Về tầm nhìn trung và dài hạn, câu chuyện về tăng trưởng và chiến lược Trung Quốc +1 còn phụ thuộc vào sự thay đổi của nền kinh tế, cũng như cách quản lý và củng cố, duy trì niềm tin của nhà đầu tư.

Tính đến cuối năm 2020, 3,2% GDP của Việt Nam được dùng để ứng phó biến đổi khí hậu, ước tính con số này sẽ là 12-14,5% GDP vào năm 2045. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu là vấn đề rất cần được chú ý.

Tôi nghĩ nhiệm vụ lúc này cần làm là thúc đẩy nhận thức về yếu tố “xanh” trong sản xuất, đời sống và tiêu dùng. Ngoài ra chính phủ và các bộ ban ngành cần phối hợp hài hòa để đưa ra thông điệp nhất quán đến toàn bộ thị trường.

Chúng ta có thể làm việc với các tập đoàn lớn để có thể tác động đến những doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của họ. Cần có khung pháp lý để các doanh nghiệp tuân theo, các báo cáo cần minh bạch. Bên cạnh đó, cần có những chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ước tính đến năm 2045, 12-14,5% GDP Việt Nam được dùng để ứng phó biến đổi khí hậu.

CEO Standard Chartered Việt Nam Michele Wee

- Bà đánh giá thế nào về những gì Việt Nam đã làm để phát triển ngành ngân hàng những năm gần đây?

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã trải qua 2 năm với nhiều thách thức, và họ đã làm rất tốt, cụ thể ở khía cạnh hỗ trợ hoạt động kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ tỷ giá VND ở mức ổn định, và kiểm soát dự trữ ngoại hối.

Standard Chartered luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu cho các kế hoạch trung và dài hạn đến năm 2030 hay 2050. Chúng tôi tin vào những nỗ lực mà chính phủ đã và đang thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu này.

- Theo bà, những thách thức nào mà ngành tài chính và ngân hàng phải đối mặt, và chúng ta sẽ thích nghi với điều đó như thế nào?

- Chúng ta có những khó khăn về thị trường vốn và lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, kiểm soát lạm phát cũng là vấn đề cần ưu tiên.

NHNN Việt Nam có 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, và chúng tôi sẽ điều chỉnh và cân đối phù hợp để hỗ trợ những lĩnh vực đó.

Các ngân hàng lúc này cũng sẽ phải cân đối để hỗ trợ các mục tiêu của Việt Nam, như phát thải ròng bằng không, công nghệ cao, thu nhập cao, song song với giải quyết thách thức.

Chúng tôi cũng chú trọng vào khía cạnh này, tập trung hỗ trợ khách hàng, từ khách hàng bán lẻ cho đến khách hàng doanh nghiệp. Nếu khách hàng phải đối mặt với những khó khăn và thách thức, chúng tôi sẽ làm việc với họ để tìm ra giải pháp. Chúng tôi biết rằng những kế hoạch trung và dài hạn của Việt Nam rất vững mạnh.

- Ở vị trí lãnh đạo, theo bà, điều gì khó khăn nhất khi bà vận hành doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng vào lúc này?

- Với tôi, đó là sự cân bằng, về cả trái tim và khối óc. Lúc này chúng ta phải đối mặt với những thách thức, do đó, chúng tôi phải đưa ra quyết định đúng đắn về những gì sẽ làm, như sẽ hỗ trợ ai, hỗ trợ ra sao, và làm thế nào để đưa ra những sản phẩm và dịch vụ phù hợp với thị trường vào thời điểm này.

Với hơn 1.500 nhân viên tại Việt Nam, chúng tôi luôn nỗ lực hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như giúp mọi người luôn giữ sự tích cực và hoàn thành tốt công việc. Việc chăm sóc nhân viên là tiền đề để họ hỗ trợ tốt khách hàng của chúng tôi.

Điều cuối cùng là chúng tôi rất tin tưởng vào những chiến lược trung và dài hạn của Việt Nam. Với những biến động không ngừng trên thị trường, chúng tôi luôn vững vàng và tránh để không bị chệch hướng khỏi những chiến lược dài hạn.

Tôi thường nhắc nhở nhân viên việc cân đối và cân bằng trước những biến động, chúng ta cần đầu tư hướng đến những mục tiêu dài hạn của ngân hàng. Đó là ưu tiên của những nhà lãnh đạo ngày nay. Nếu bạn nói chuyện với ai ở vị trí như tôi, họ có thể đều cho rằng đây là ưu tiên lớn nhất: “Đâu là điểm cân bằng? Nên đầu tư vào cái gì? Phân bổ nguồn lực như thế nào cho những chiến lược hiện tại và đạt được kết quả tích cực trong trung và dài hạn?”.

Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu

“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Thế mạnh thu hút các công ty quốc tế của Việt Nam

Tham tán nông nghiệp Hà Lan cho biết Việt Nam và Hà Lan có thể cùng nhau phối hợp để giải quyết những thách thức chung về biến đổi khí hậu với nông nghiệp.

Chủ tịch hội nghị bật khóc khi Liên Hợp Quốc đạt thỏa thuận lịch sử

Từ hội nghị đa dạng sinh học COP15 đến thỏa thuận lịch sử của Liên Hợp Quốc về vùng biển quốc tế, thế giới đang nhận thức và có những bước đi rõ rệt hơn để bảo vệ đại dương.

Trần Hoàng, Hải Linh

Ảnh: Quỳnh Danh

Bạn có thể quan tâm