Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Shin Cà phê: ‘Cần giữ giá trị thật cho cà phê’

Shin Cà phê là tâm huyết của Nguyễn Hữu Long - CEO Shin Cà phê, sau hơn 20 năm trăn trở với nghề.

Địa điểm trò chuyện yêu thích của Nguyễn Hữu Long luôn là Shin Cà phê - nơi hội ngộ của những người đam mê và am tường về cà phê. Họ thường lui tới nơi này để thả hồn, chìm đắm trong không gian cảm xúc và trong hương vị cà phê nguyên chất nồng nàn, thơm ngon, hảo hạng, độc đáo. Tới đây, người ta còn gặp gỡ, trao đổi, bàn luận các kiến thức, trải nghiệm về cà phê…

Duyên nợ với cà phê

- Shin Cà phê trên đường Nguyễn Thiệp là quán cà phê đầu tiên anh lập ra vào năm 2015, khi vừa từ Nhật trở về. Thật ra, duyên nợ của anh với cà phê còn lâu hơn thế?

- Nếu tính cả quãng thời gian tôi ở Gia Lai phụ người cô trông coi rẫy cà phê thì lâu hơn nhiều. Khi đó, tôi mới 12 tuổi. Ngày ấy, nhà nghèo quá, chỉ có một mình mẹ gồng gánh, làm không đủ ăn nên tôi đành rời Hà Tĩnh vào Gia Lai giúp việc cho cô. Cả quãng đời niên thiếu của tôi, hơn 5 năm sau đó đều ăn ngủ trong rẫy cà phê, chăm sóc vun xới cho cà phê. Bởi thế mà từng nhịp sống, nhịp thở, vẻ đẹp, sự tinh túy và cả giá trị thật của cà phê, tôi đều biết rất rõ.

ong Nguyen Huu Long anh 1
Dù thất bại nhiều, anh Long vẫn giữ niềm tin và đam mê với cà phê.

- Vào đời sớm, con đường học hành của anh có suôn sẻ?

- Tôi học hết lớp 5 thì nghỉ vì không có điều kiện. 17 tuổi, tôi xuống Sài Gòn phụ giao hàng và làm các việc lặt vặt cho người bác đang mở đại lý nước giải khát. Được khoảng một năm, tôi nghỉ do đại lý ế ẩm. Bác tìm cho tôi việc khác - một chân chạy bàn trong nhà hàng mà tôi từng giao đá.

Ở đó, tôi đã may mắn gặp được ân nhân - một người Nhật hay ghé quán. Thấy tôi có nét giống con trai ông, ông chú ý và hỏi han. Sau đó khi biết hoàn cảnh của tôi, ông nhận làm con nuôi và cho tiền đi học. Ngoài khuyến khích học văn hóa, ông còn động viên và tạo điều kiện cho tôi học tiếng Nhật. Hết cấp 3, vốn liếng tiếng Nhật đã tăng lên, tôi chuyển qua làm ở cửa hàng mỹ phẩm cho người Nhật, đi làm thông dịch viên, hướng dẫn viên du lịch… Thực sự ba nuôi là người đã đưa tay kéo cuộc đời tôi ra khỏi bùn lầy.

- Anh bắt đầu kinh doanh cà phê từ khi nào?

- Vì yêu thích và hiểu rõ giá trị cây cà phê nên đầu óc tôi lúc nào cũng ước mong được làm gì đó với cây cà phê. Trong thời gian đi học từ năm 2000, tôi đã cùng một người bạn dành tiền tự mua cà phê về rang xay, đóng bịch, bỏ mối. Chúng tôi lựa cà phê ngon, chào hàng ở các quán tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Nhưng do thời ấy gout cà phê phải tẩm và chỉ cần đen - đậm - đắng, không cần nguyên chất, nên sản phẩm chào bán ít người mua. Làm được 2 năm, chúng tôi… dẹp tiệm. Sau này, tôi đến với Cà phê Bonsai và phát triển tốt, nhưng vì vẫn cảm tính, làm vì yêu thích hơn là nghiên cứu, không có kiến thức F&B nên cuối cùng tôi quyết định bỏ ngang, chủ động rút lui.

Bài học thất bại đó làm tôi tỉnh ngộ: Trước khi bắt tay làm cũng phải đưa lên bàn cân, tính toán, suy xét kỹ lưỡng. Nhưng tôi luôn có niềm tin vào cà phê và chờ cơ hội quay lại.

Giấc mơ nâng tầm cà phê Việt

- Nếu nói về cà phê thì Nhật không phải cái nôi. Sao anh không đến Brazil hay qua Italy để học hỏi nghiên cứu?

- Nhật không phải là xứ sở nổi tiếng về trồng cà phê, nhưng lại là một trong 3 quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Ở những nước phát triển, gout tiêu thụ cà phê giống nhau. Họ tiêu thụ, thưởng thức đúng với những gì mà giá trị hạt cà phê mang lại. Thưởng thức cà phê là thưởng thức vị thơm ngon mà bản thân trời đất đã trao tặng

Cà phê không phải là bí kíp. Đó là khoa học. Khoa học về nông nghiệp, về phân tích, thưởng thức cái ngon, cái hay của lương thực thực phẩm. Ở Nhật, Mỹ, họ phân tích cà phê, chỉ ra chỗ ngon và đưa ra xã hội. Sau này, tôi về Việt Nam lập Shin Cà phê, cũng tâm niệm đi theo cách thức như vậy. Cà phê là nông sản, tự bản chất đã ngon.

- 5 năm ở Nhật, anh đi làm cho một hãng ôtô là chủ yếu. Thời gian đâu để anh nghiên cứu, tìm hiểu về cà phê?

- Thực sự 5 năm ở Nhật mới đúng là thời gian tôi đắm chìm trong thế giới cà phê. Tôi tìm mua sách về cà phê và đọc ngấu nghiến như dâu ăn tằm. Tôi tham gia các khóa học lấy chứng chỉ về cà phê tại Nhật, có 2 chứng chỉ chính, về kiểm định chất lượng cà phê robusta và cà phê arabica.

Ngoài ra, để tìm hiểu thêm về thị trường, 1-2 năm trước khi về lại Việt Nam, tôi xin làm mảng bán hàng xuất khẩu cho công ty cà phê Nhật. Tôi bán cà phê đi các nước, trong đó có Việt Nam. Năm 2013, tôi đã lấy tên Shin Cà phê để đặt tên cho fanpage của mình. Shin là tên ba nuôi tôi.

Từ đây, tôi đã tạo ra tệp khách hàng và tạo được uy tín, thương hiệu cá nhân. Sau này về Việt Nam mở cơ sở sản xuất và quán, ngay buổi ban đầu, Shin Cà phê đã có được lượng khách ổn định và tạo ấn tượng. 50% thành công và sức hút của quán Shin Cà phê giai đoạn đầu là nhờ quá trình chuẩn bị, dọn đường từ những ngày còn bên Nhật.

ong Nguyen Huu Long anh 2
CEO Shin cà phê muốn đưa cà phê Việt ra thế giới.

- Trở thành chuyên gia, thiết lập nhiều mối quan hệ trong ngành cà phê và liên tục tăng trưởng trên 100% mỗi năm, vì sao đến giờ Shin Cà phê cũng chỉ có 2 quán, như thời điểm cách đây 4 năm?

- Tôi làm cà phê theo kiểu khác, phương pháp khác, không gian trải nghiệm khác, gout cà phê cũng khác với ngoài thị trường đang bán. Quán cà phê chỉ là nơi để chúng tôi giới thiệu đến công chúng yêu thích cà phê những loại chất lượng cao của Shin Cà phê, là nơi giao lưu trao đổi. Chúng tôi không đặt nặng mục tiêu kiếm tiền tại đây. Tuy nhiên, quán là linh hồn, nơi xuất phát và đem lại mọi thứ cho Shin Cà phê nên chúng tôi rất chăm chút.

Định hướng của Shin Cà phê là tập trung cho sản xuất, kiểm soát vùng nguyên liệu và gia tăng nghiên cứu sản phẩm, để phục vụ cho nhu cầu cà phê sạch và ngon. Chúng tôi đang kiểm soát chất lượng tại 2 nhà máy sơ chế hợp tác liên doanh với đối tác, một nhà máy rang xay do Shin Cà phê tự đầu tư.

Ưu tiên cho sản xuất nhưng trong thời gian tới, chúng tôi cũng dự tính mở thêm các quán cà phê mới, ở những thành phố lớn. Đó sẽ là nơi để người dân đến trải nghiệm, thưởng thức, gia tăng hiểu biết về cà phê.

- Với kế hoạch này, Shin Cà phê sẽ cần gọi thêm vốn chứ?

- Hiện tại công ty tự cố gắng. Tuy nhiên, nếu lựa chọn, tôi sẽ tìm đối tác phù hợp với chí hướng của mình, để cùng nhau phát triển, tăng giá trị của Shin Cà phê. Cách thức chúng tôi hướng đến là hợp tác dựa trên phát huy các thế mạnh của nhau.

Với cá nhân tôi, trong hợp tác làm ăn, quan trọng là làm sao tổng hòa được những mảng ghép của nhau. Ai phụ trách mảng nào, làm tốt mảng đó thì tiếng nói sẽ giá trị, được lắng nghe. Tôikhông khăng khăng với việc sở hữu chi phối hay không chi phối. Miễn Shin Cà phê đi khắp Việt Nam và ra thế giới.

- Anh định nghĩa thế nào về cà phê thuần tự nhiên chất lượng?

- Đành rằng cà phê là tài nguyên, nông sản, có sẵn trong tự nhiên, nhưng cũng phải biết cách trồng và chăm sóc. Sở dĩ cà phê khác nhau về chất lượng vì khác nhau về giống, vùng đất, con người sản xuất, cơ sở vật chất tạo ra. Tôi muốn đưa các hiểu biết này vào trồng trọt, sản xuất cà phê, muốn những vùng cà phê đặc sản ở Sơn La, Đà Lạt, Gia Lai, Đăk Lak, Khe Sanh, Kontum... đều trở thành vùng nguyên liệu cà phê chất lượng theo chuẩn thế giới.

Shin Cà phê mới đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật, Thái Lan và sẽ còn tiếp tục. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội bao la cho xuất khẩu từ thị trường 7 tỷ dân khắp thế giới.

- Nếu vậy, chiến lược mở rộng sản xuất phải tăng lên rất nhiều?

- Ở những vùng cà phê đặc sản của Việt Nam, Shin Cà phê đều có mặt. Tại đó, chúng tôi nghiên cứu địa lý, thổ nhưỡng, chất lượng trồng, tạo những mẫu cà phê phù hợp... Hiện Shin Cà phê liên doanh liên kết để có vùng cà phê chủ động, khoảng 1.000 ha. Về lâu dài, Shin Cà phê cần mở rộng diện tích lên gấp nhiều lần, mới có thể nâng công suất sản xuất, cung cấp ra thị trường sản lượng 10.000-20.000 tấn/năm, từ con số 400-500 tấn/năm hiện nay.

- Tại sao Shin Cà phê lại có chiến lược tăng tốc như thế?

- Chiến lược của Shin Cà phê là đi theo con đường sản xuất. 4 năm qua là thời gian để chúng tôi chuẩn bị cho trồng trọt, sản xuất cà phê thật tốt. Thực ra, mọi thứ cho cà phê chất lượng cao ở Việt Nam đều có. Việc của chúng ta là tạo ra môi trường tốt, cải tạo, nhân rộng nó lên, giữ đúng giá trị cho hạt cà phê.

Mấu chốt trong giữ vững và kiểm soát chất lượng như buổi ban đầu, khi đã mở rộng vẫn là ở con người. Shin Cà phê đã xây dựng bộ máy nhân sự chủ lực để họ có thể sao chép bản sắc đó. Tôi đặc biệt coi trọng việc kiểm soát chặt chẽ vùng nguyên liệu và công tác nghiên cứu sản xuất sản phẩm. Nông dân chỉ cần theo đó áp dụng. Việc nhân rộng diện tích trồng cà phê lên gấp đôi, gấp ba hay nhiều lần là không quá khó. Khâu chế biến cũng tương tự.

ong Nguyen Huu Long anh 3
Ông Long nhận định việc nhân rộng cà phê là không khó.

- Thị trường cà phê tuy có quy mô phục vụ cho 7 tỷ người nhưng lại đông đúc đơn vị tham gia. Anh tìm cơ hội cho mình bằng cách nào?

- Chúng tôi bán cà phê cho những người đã biết cà phê. Ngách đó nhỏ nhưng xu hướng thị trường đang thay đổi, khi cà phê truyền thống dần mất đi, thay bằng cà phê sạch, cà phê tốt. Shin Cà phê ngay từ đầu đã đi theo xu hướng này, là đơn vị có uy tín, đạt thương hiệu và quy mô trong phân khúc này nên rất có lợi thế. Chúng tôi muốn tận dụng lợi thế đã có, phục vụ những người am hiểu cà phê, những người muốn trải nghiệm văn hóa bản địa.

- Có phải phân khúc của Shin Cà phê chỉ chiếm khoảng 1% thị trường?

- Đó là nói riêng về quán Shin Cà phê, còn cà phê do chúng tôi sản xuất thì hướng đến thị trường rất rộng lớn. Ở đó, chúng tôi có thể mở rộng vùng trồng lên gấp nhiều lần, 5.000-10.000 hay 20.000 ha. Công ty đang kinh doanh tăng trưởng hơn 100% mỗi năm, nhưng so với nguồn lực thì chưa như mong muốn.

Sát cánh cùng người nông dân

- Là doanh nhân xuất thân nghèo khổ, anh đồng cảm và chia sẻ thế nào với người nông dân?

- Shin Cà phê hướng dẫn cách làm, hỗ trợ, bao tiêu, thu mua với giá cao cho người nông dân, giúp họ có cơ hội kinh tế, cải thiện đời sống, có thu nhập ổn định và đảm bảo. Trên hết, chúng tôi kiên nhẫn với người nông dân, chỉ dẫn họ tự tin tham gia. Bởi những thay đổi trong cách thức trồng trọt, thu hoạch cà phê theo chuẩn mực quốc tế không đòi hỏi đầu tư gì hơn, ngoài thay đổi tư duy. Khi thay đổi tư duy, người nông dân hoàn toàn làm được.

ong Nguyen Huu Long anh 4
Shin cà phê đặt mục tiêu giúp nông dân Việt trồng cà phê theo chuẩn quốc tế.

- Chắc anh đã rất vất vả để tìm kiếm người cùng chí hướng cũng như thuyết phục người dân Việt Nam có cùng lựa chọn?

- Tìm người cùng chung chí hướng cũng như tìm người yêu vậy.

Ban đầu tôi cũng thực hiện câu chuyện thay đổi thị hiếu, lựa chọn của người dân về hạt cà phê. Nhưng càng về sau, tôi càng thấy không cần thiết phải tranh luận hay ra sức thuyết phục ai. Tất cả là ở ý thức mỗi người.

- Nếu phát triển ở quy mô lớn, liệu có mâu thuẫn với định hướng chuyên chú vào cà phê chất lượng cao của Shin Cà phê?

- Không có gì mâu thuẫn. Nếu làm tốt cho xã hội, cho gia đình, thì càng mở rộng càng tốt.

- Anh có mong muốn gì về bức tranh Shin Cà phê trong 3-5 năm tới?

- Chúng tôi sẽ phát triển cả 4 mảng: Cà phê nguyên liệu, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và chuỗi cà phê. Tôi mong thấy các quán cà phê độc đáo của Shin Cà phê hiện diện rộng khắp Việt Nam, tại các thành phố lớn. Còn cà phê rang xay, hòa tan của Shin Cà phê có mặt tại 64 tỉnh thành cả nước.

Shin Cà phê sẽ đi ra thế giới, tới những nước phát triển, với chất lượng cà phê cao cấp, loại tốt nhất. Chúng tôi muốn nâng tầm cà phê Việt, muốn giúp người nông dân trồng cà phê đỡ nhọc nhằn và cũng vì người Việt xứng đáng được thưởng thức những loại cà phê hảo hạng trên chính quê hương.



Giang Di Linh

Bạn có thể quan tâm