Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm dành cả tuổi xuân gắn bó với Sacombank, chứng kiến sự chuyển giao của 4 đời chủ tịch với cả những đắng cay lẫn ngọt bùi.
Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm tiếp phóng viên Zing trong văn phòng của mình với rất nhiều giải thưởng doanh nghiệp, giải thưởng cá nhân và huy chương các giải chạy. Bà Diễm là người đề ra ý tưởng tổ chức câu lạc bộ chạy để gắn kết nội bộ Sacombank - một trong 4 mục tiêu quan trọng khi ngồi vào ghế tổng giám đốc ngân hàng - trong giai đoạn chuyển đổi, tháng 7/2017.
Nữ CEO chia sẻ với Zing về quá trình tái cơ cấu Sacombank, khó khăn, áp lực của vị trí điều hành, kế hoạch trở lại nhóm đầu trong các ngân hàng ngoài quốc doanh.
- Tính đến nay bà nhậm chức CEO Sacombank đã được hơn 3 năm. Theo bà, tại sao mình lại là người được chọn tại thời điểm chuyển giao và chắc hẳn đó là một quyết định dũng cảm?
- Theo tôi, các lãnh đạo chọn tổng giám đốc dựa trên nhiều yếu tố. Tôi cho rằng, tại thời điểm chuyển giao, tôi đã thể hiện được mình là nhân tố có nghiệp vụ, tự tin, lăn xả, trách nhiệm, tâm sáng và hiểu Sacombank.
Trước khi đảm nhiệm vị trí CEO, tôi là phó tổng giám đốc phụ trách mảng xử lý nợ, đây cũng chính là vấn đề trọng tâm của đề án tái cơ cấu. Trước đó nữa, tôi là phó tổng giám đốc phụ trách khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên của ngân hàng và đã dẫn dắt khu vực này đạt được nhiều thành tích ấn tượng liên tục nhiều năm liền.
Trong những nhiệm vụ này, tôi đã thể hiện được sự dám thay đổi, dám thoát ra khỏi những tư duy thông thường, dám đề xuất những phương án đột phá nhưng vẫn dung hòa được mức độ hiệu quả và đảm bảo đúng pháp luật.
Khi Sacombank đang đứng trước rất nhiều thử thách thì chỉ có người Sacombank mới có thể thấu hiểu và vực dậy ngân hàng. Tôi biết chắc nếu dùng đúng cái tâm của người lãnh đạo, có sự thấu hiểu sâu sắc về ngân hàng, có quyết tâm, có phương pháp đúng, nắm rõ nội tại thì sẽ làm được.
Và một yếu tố rất quan trọng giúp tôi tự tin đảm nhận vị trí này đó là có sự dẫn dắt, giao quyền của chủ tịch Dương Công Minh cũng như các lãnh đạo thuộc Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Trở thành CEO của một ngân hàng cũng chính là mục tiêu thời tuổi trẻ của tôi. Khi tham gia các khóa học quy hoạch cán bộ kế thừa ở Sacombank trước đây, tôi cũng đã từng chia sẻ về mục tiêu này. Đến nay, tôi đã đạt được điều mình mong muốn, cả về năng lực, trách nhiệm và sự tự tin.
Nhưng quá trình đó cũng có những giai đoạn trăn trở, khó khăn và đôi khi khá đơn độc. May mắn là tôi luôn nhận được sự ủng hộ, thấu hiểu của anh Minh.
- Khi trở thành tổng giám đốc, có những người từng là sếp trực tiếp giờ lại dưới quyền điều hành. Bà xử lý các mối quan hệ này thế nào?
- Trong hàng ngũ phó tổng giám đốc trước đây, tôi là người được bổ nhiệm sau cùng nên trước đó nhiều anh chị phó tổng giám đốc đã là sếp của tôi, một số anh chị còn là lãnh đạo trực tiếp.
Nếu nói khi tôi mới nhậm chức mà không có trở ngại là không đúng. Nhưng có lẽ sự ủng hộ của HĐQT cộng với niềm tin của các anh chị cấp quản lý và hơn 18.000 cán bộ nhân viên đặt vào một người dám đương đầu, dám vượt lên khó khăn, dám thay đổi, dám đấu tranh để mang lại lợi ích cho tổ chức chính là động lực để tôi sớm thích ứng nhanh với vai trò mới.
Và chỉ sau vài tháng, tôi đã hướng các anh chị ban điều hành đến những mục tiêu chung. Tôi cho rằng khi biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân thì mọi việc sẽ tốt đẹp và thành công. Cộng với cái tâm sáng, cách hành xử công bằng, sự thấu hiểu nội tại thì không có lý do gì các anh chị không đồng hành để giúp Sacombank chuyển mình và bứt phá.
- Bà hài lòng nhất về điều gì trong 3 năm làm CEO Sacombank?
- Khi nhận nhiệm vụ CEO, tôi chịu áp lực rất lớn từ tài sản tồn đọng, nợ xấu quá lớn, nội tại Sacombank còn nhiều vấn đề và mức độ gắn kết nhân sự không cao, đặc biệt là uy tín của thương hiệu đang giảm.
Để lấy lại uy tín, vị thế của Sacombank, tôi tập trung vào 4 vấn đề. Một là tái cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại toàn bộ nhân sự, cải thiện năng suất lao động, tăng cường kết nối; hai là minh bạch tình hình tài chính, xử lý các tài sản tồn đọng; ba là phát triển công nghệ số; và bốn là đột phá về truyền thông, thương hiệu.
Sau hơn 3 năm điều hành, điều tôi hài lòng nhất là đã dẫn dắt Sacombank lấy lại vị thế của mình, có lượng khách hàng lớn, quy mô tài sản tăng trưởng và đặc biệt xử lý được nhiều nợ xấu. Đây là mấu chốt để ngân hàng tái cơ cấu thành công.
- Kết quả hiện tại đã vượt kỳ vọng của HĐQT và của cá nhân bà hay chưa?
- Người trả lời chính xác nhất câu hỏi này là lãnh đạo HĐQT Sacombank. Còn cá nhân tôi tự tin kết quả đã vượt kỳ vọng của HĐQT giao phó khi bổ nhiệm tổng giám đốc.
So với kỳ vọng của bản thân, tôi cũng hài lòng nhưng còn một vấn đề phải làm tốt hơn. Đó là làm sao để tăng năng suất lao động của nhân viên. Sau khi sáp nhập, đội ngũ nhân sự và mạng lưới tăng lên, công tác tái đào tạo và tái cấu trúc bộ máy cần phải thực hiện hiệu quả hơn nữa.
Tôi còn có kỳ vọng cao hơn vào quá trình chuyển đổi số để phục vụ khách hàng tốt hơn, đồng thời cải thiện hơn nữa các chỉ số tài chính, đặc biệt là giảm khối lượng tài sản tồn đọng.
- Cứ đến mùa đại hội thường niên, cổ đông Sacombank lại chất vấn về việc chia cổ tức. Đây có phải là một áp lực?
- Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập yêu cầu phải tăng nội lực, trích lập dự phòng, củng cố tài chính, chưa được chia cổ tức khi tái cơ cấu chưa xong.
Về góc độ tâm lý của nhà đầu tư, việc mong mỏi chia cổ tức là điều bình thường trong bối cảnh thị giá cổ phiếu Sacombank không tăng đột biến và đáng kể như một số ngân hàng khác. Trăn trở của nhà đầu tư là đúng.
Tại các phiên họp đại hội đồng cổ đông, chủ tịch Dương Công Minh cũng đã nói rõ về nguyên nhân ngân hàng chưa thể chia cổ tức và đang trình Ngân hàng Nhà nước đề xuất chia cổ tức.
Tuy nhiên, sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận lũy kế để tăng vốn, chia cổ tức của Sacombank đến nay đã đạt hơn 6.500 tỷ đồng. Khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép, chúng tôi đã có sẵn nguồn lực để chia cổ tức cho cổ đông.
- Thời gian Sacombank tái cơ cấu cũng là lúc một số ngân hàng tư nhân tách tốp, bỏ xa mặt bằng chung về doanh số, lợi nhuận. Liệu bao giờ Sacombank mới có thể trở lại nhóm đầu thị trường để tương xứng với quy mô, vị thế trước đây?
- Với sự dẫn dắt của chủ tịch Dương Công Minh và sự lèo lái của ban điều hành, theo tôi trong 2-3 năm nữa, Sacombank sẽ lấy lại vị thế của mình rất ngoạn mục khi đề án cho phép chúng tôi tái cơ cấu tới 10 năm.
Các ngân hàng khác hiện nay có thể gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ đồng, phát triển nhiều lĩnh vực như tín dụng tiêu dùng hay ngân hàng số. Riêng Sacombank đang dẫn đầu trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần cùng quy mô về tổng thu nhập (37.000 tỷ đồng/năm) và thu dịch vụ (4.500 tỷ đồng/năm). Chúng tôi có nền tảng vững chắc, có hệ khách hàng ổn định, chính là những lợi thế cạnh tranh bền vững.
Việc xử lý, đấu giá các tài sản thế chấp sẽ đem về dòng tiền rất lớn cho Sacombank trong tương lai để đưa vào hoạt động kinh doanh sinh lời. Nhưng theo quy định, ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này, do đó kết quả kinh doanh chưa như kỳ vọng.
Một nền tảng khác giúp chúng tôi tự tin là ngân hàng số. Sacombank chưa truyền thông nhiều nhưng chúng tôi chuyển đổi số từ sớm và đã làm được rất nhiều việc.
- Cụ thể Sacombank đã đầu tư gì trong cuộc đua ngân hàng số, lĩnh vực mà rất nhiều nhà băng đang đầu tư quyết liệt?
- Chúng tôi đã bắt đầu chuyển đổi số từ 5 năm trước. Rất nhiều hệ thống được Sacombank tiên phong triển khai.
Đối với khách hàng, từ năm 2010 Sacombank đã ứng dụng công nghệ số để tạo ra các kênh giao dịch hiện đại như trung tâm dịch vụ khách hàng; ứng dụng mô hình ngân hàng hợp nhất các kênh giao dịch trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam (Internet Banking và Mobile Banking), đồng thời là ngân hàng đầu tiên đạt chứng nhận bảo mật PCI DSS và ứng dụng 3D secure trong giao dịch thanh toán thương mại điện tử vào năm 2013; năm 2017 phát hành thẻ thanh toán không tiếp xúc đầu tiên trên thị trường và triển khai phương thức thanh toán QR chuẩn EMV toàn cầu; ra mắt ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay trên smartphone năm 2018.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn chú trọng chuyển đổi số các hoạt động bên trong. Năm 2018 số hoá quy trình bán hàng, dịch vụ khách hàng và marketing (CRM), ứng dụng môi trường làm việc số, số hoá quy trình tác nghiệp và phê duyệt online hướng đến văn phòng không giấy, ứng dụng điện toán đám mây. Năm 2019, chúng tôi số hoá quy trình phê duyệt tín dụng (LOS), triển khai đào tạo trực tuyến, nâng cấp ngân hàng lõi T24-R17, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (chatbot), công nghệ robot.
Đặc biệt, năm 2020 Sacombank là ngân hàng đầu tiên chuyển đổi thành công phương thức tổ chức đại hội đồng cổ đông sang hình thức trực tuyến và bỏ phiếu điện tử. Đây cũng là năm chúng tôi bước đầu vận hành Trung tâm Điều hành An ninh mạng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là điểm sáng trong hành trình chuyển đổi số vì không nhiều ngân hàng Việt vận hành trung tâm này một cách đúng nghĩa.
- Dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến kết quả kinh doanh của Sacombank?
- Năm nay, chúng tôi không xây dựng kế hoạch tăng trưởng. Mục tiêu đặt ra đã tính tới vấn đề ảnh hưởng của dịch bệnh. Chúng tôi tin chắc sẽ hoàn thành mục tiêu 2020. Sacombank cũng xác định đây là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển trong những giai đoạn tiếp theo.
Chúng tôi đã thực thi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc cơ cấu khoản vay, giảm lãi suất cho hàng nghìn cá nhân và doanh nghiệp, miễn giảm phí dịch vụ trực tuyến và nhiều chính sách ưu đãi khác.
Trong giai đoạn tái cơ cấu, chúng tôi còn phải ưu tiên nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro. Từ đầu năm, Sacombank đã trích lập gần 3.300 tỷ đồng chi phí cho các tài sản tồn đọng thuộc đề án.
Sau 9 tháng, Sacombank đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch lợi nhuận đại hội đồng cổ đông giao phó. Tại đại hội, tôi có nói rõ ngân hàng phải hy sinh gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng.
Đây là điều phù hợp khi Sacombank đồng hành cùng nền kinh tế đang khó khăn. Chúng tôi không thể tạo ra quá nhiều lợi nhuận khi xã hội khó khăn.
- Ngoài lợi nhuận giảm nhẹ, nợ xấu của ngân hàng tăng thêm đáng kể. Đây sẽ là áp lực lớn khi Sacombank vẫn trong quá trình ráo riết xử lý nợ xấu từ giai đoạn trước?
- Nợ xấu so với đầu năm nay tăng trên 800 tỷ đồng. Đây là những khách hàng đã suy giảm năng lực trước khi dịch Covid-19 bùng phát và có nhiều vấn đề vướng mắc. Chúng tôi phải chấp nhận để những hồ sơ này đúng bản chất. Còn với những khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi đã cơ cấu nợ theo đúng tinh thần Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.
So với kế hoạch, nợ xấu của chúng tôi có tăng nhưng tổng nợ xử lý được trên 12.000 tỷ đồng. Do dịch Covid-19, thay vì có thể thu được tiền ngay khi đấu giá xong, khách hàng cần thời gian sắp xếp nguồn tiền, hoàn thiện pháp lý. Do đó, doanh số xử lý nợ thực thu hiện tại được hơn 4.500 tỷ đồng.
Với kế hoạch xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu năm 2020, có thể nói Sacombank đã vượt mục tiêu. Trong 3 tháng còn lại, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục xử lý tài sản tồn đọng.
- Bà đã làm việc tại Sacombank gần 20 năm, trải qua những giai đoạn biến động nhất. Sacombank dưới thời Chủ tịch Dương Công Minh có gì khác và giống Sacombank của ông Đặng Văn Thành?
- Anh Thành là một người thầy, một người anh đã xây dựng nền móng cho Sacombank. Cả anh Minh và anh Thành giống nhau ở chỗ các anh đều rất thông minh, chuyên nghiệp và tâm huyết với Sacombank. Các anh đều là những ông chủ lớn, có nghệ thuật quản trị, điều hành riêng của mình. Mỗi người có một cá tính riêng.
Ở anh Minh, tôi học được tinh thần công tâm, minh bạch, quyết liệt và trách nhiệm. Anh Minh tin tưởng vào sự dẫn dắt ngân hàng của ban điều hành. Đó chính là động lực để chúng tôi điều hành thành công.
- Sacombank thay đổi nhiều trong 3 năm qua. Còn CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm khác gì so với chính bản thân 3 năm trước?
- Tôi cũng thay đổi cho phù hợp với chuyển động của ngân hàng. Tôi đã trưởng thành hơn, chững chạc hơn, thật sự bản lĩnh hơn so với 3 năm trước. Bản thân tôi đôi khi khá nóng tính nhưng có thể kiểm soát và cân bằng lại nhanh chóng. Hơn nữa tôi có một cái đầu “lạnh” và một trái tim “nóng”.
- Trong ngành ngân hàng, tỷ lệ nhân sự nữ không hề thua kém nam giới. Nhưng lãnh đạo ngân hàng là nữ giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đâu là lý do?
- Thật ra nam hay nữ đều có thể làm lãnh đạo như nhau. Nhưng có thể do áp lực của ngành tài chính rất lớn và đôi khi nữ giới còn có gia đình, con cái và những mục tiêu riêng. Họ không thể lăn xả hết sức vào công việc nếu như không phải là chủ thật sự.
Tôi xác định mình là người làm công chuyên nghiệp, cứ làm đúng trách nhiệm của mình. Tôi làm được vì có sự đồng thuận của gia đình, bạn bè, học hỏi từ các người thầy như anh Thành, anh Minh cũng như các anh chị lãnh đạo tiền nhiệm.
Tôi đã dành cả tuổi thanh xuân cho Sacombank, ít vướng bận gia đình nên có thể dành gần như 100% năng lượng cho ngân hàng.
- Nhiều doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ giới có cách làm việc mềm mại, uyển chuyển. Sacombank có như vậy sau khi bà làm CEO?
- Ngược lại mới đúng. Điều này anh chị em cán bộ nhân viên sẽ rõ nhất. Tôi điều hành theo hướng nguyên tắc, mạnh mẽ, quyết liệt và trách nhiệm. Điều này tôi học từ anh Minh.
Người ta bảo tôi sắt đá là không sai nhưng tôi còn có sự thấu hiểu. Như một huấn luyện viên bóng đá thì luôn muốn cầu thủ ghi bàn nhưng phải hiểu rằng việc có ghi bàn hay không còn phụ thuộc vào khả năng, thời cơ, thể lực và cần cả sự may mắn.
- Số lượng nhân viên Sacombank đến cuối tháng 9 giảm hơn 600 người so với đầu năm, về mức thấp hơn cả cuối năm 2018. Bà có thể cho biết đâu là lý do?
- Như đã nói ở trên thì vấn đề mà tôi rất trăn trở đó là vấn đề năng suất lao động. Việc tái cấu trúc trong giai đoạn Covid-19 thì ngân hàng nào cũng làm. Chúng tôi cũng đang sắp xếp lại đội ngũ nhân sự của mình, tái cấu trúc hội sở, chi nhánh để tăng cường đội ngũ bán hàng, tái đào tạo một số nhân sự.
Chúng tôi là ngân hàng bán lẻ với hệ thống mạng lưới gần 570 điểm giao dịch, có gần 6,4 triệu khách hàng. Có rất nhiều vấn đề phải giải quyết khi tái cấu trúc bộ máy.
Sacombank đang định biên lại nhân sự, xây dựng lại hệ thống chỉ tiêu đánh giá năng suất lao động cho nhân viên phù hợp với tình hình ngân hàng hiện nay. Theo tôi, con số 600 nhân sự nghỉ việc vẫn còn khiêm tốn so với các ngân hàng khác.
Ở Sacombank, nhân sự ra đi có 2 nguyên nhân. Đầu tiên, do chúng tôi tái cấu trúc, định biên lại. Chắc chắn chúng tôi sẽ còn mạnh tay hơn trong việc này nhưng tất nhiên phải có cái tình, cái lý. Thứ hai là Sacombank không còn ghế trống cho các bạn thăng chức. Trong khi đó, các ngân hàng khác có thể thiếu vị trí lãnh đạo, mở rộng mạng lưới.
- Bà nhìn nhận việc nhân sự rời đi để làm lãnh đạo ngân hàng khác thế nào?
- Hiện nay rất nhiều nhân sự từ Sacombank qua các ngân hàng khác vẫn là những người bạn với tôi. Chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ và trao đổi. Việc nhân sự Sacombank rời đi để làm lãnh đạo ngân hàng khác là sự hãnh diện chứ không phải trăn trở.
Người giỏi này đi sẽ có người giỏi khác thay thế. Nếu sống vì tập thể, đặt lợi ích tập thể, mục tiêu chung lên trên, làm việc thật sự trách nhiệm, lành mạnh, nhân sự đó có thể làm việc ở bất kỳ đâu chứ không phải chỉ Sacombank.
- Nhưng liệu có ai rời đi làm bà phải tiếc nuối, nhất là trong giai đoạn hậu sáp nhập khi Sacombank đang khó khăn?
- Với tôi, tôi chắc chắn không một nhân sự nào rời Sacombank khiến chúng tôi tiếc nuối. Tuy nhiên, có thể quan điểm của HĐQT thì khác. Giới tài chính thường nói đùa Sacombank là nơi đào tạo nhân sự cấp cao cho các tổ chức tín dụng khác.
Ví dụ như vị trí tổng giám đốc chỉ có một. Các anh chị muốn làm CEO thì một là tôi phải rời đi, hai là phải sang ngân hàng khác. Mà tôi thì chưa rời đi, nên nhiều người được mời sang nơi khác làm lãnh đạo và họ đón nhận cơ hội đó.
Chúng tôi hãnh diện về một cái nôi đào tạo trên thị trường tài chính rất cạnh tranh. Có nhiều nhân sự đã rời Sacombank, sau đó quay trở lại làm các lãnh đạo khá chủ chốt. Cũng có nhân sự đang xin về lại Sacombank nhưng rất tiếc chúng tôi không còn vị trí để đón nhận các bạn.
- Có tế nhị không nếu tôi muốn hỏi liệu bà có nhận được một lời đề nghị nào đó trong thời gian làm CEO Sacombank, khi thời gian qua có nhiều ngân hàng thay lãnh đạo?
- Nói không có là không đúng. Nhưng tôi chưa có ý định rời Sacombank. Tôi có niềm tin, trách nhiệm và tâm huyết với Sacombank. Nơi này sẽ là điểm kết thúc của tôi với ngành tài chính ngân hàng.
- Một ngày bình thường của CEO Sacombank như thế nào?
- Một ngày làm việc của tôi kéo dài 10-12 tiếng hoặc hơn tùy vào từng thời điểm và khối lượng công việc. Buổi sáng, tôi dành một ít thời gian cho thể thao. Tôi rất thích nghe tin tức đầu ngày. Sau đó, ngày làm việc trải qua rất nhiều cuộc họp, tiếp đối tác, giải quyết công việc, duyệt hồ sơ
Nếu thư thả, tôi sẽ chạy bộ một vài km, sinh hoạt với gia đình và kết thúc một ngày bằng vài trang sách. Dù bận rộn thì tôi vẫn cố gắng ăn tối với gia đình 1-2 buổi mỗi tuần. Nghe thì đơn giản nhưng để duy trì được mọi thứ thật sự rất khó vì mỗi ngày công việc lại thay đổi và phát sinh nhiều chuyến công tác.
- Phòng làm việc của bà có rất nhiều huy chương của các giải chạy. Chạy bộ là sở thích của bà?
- Thật sự tôi không phải là người đam mê chạy bộ. Khi trở thành CEO, tôi thấy nhân viên còn thiếu sự kết nối nên muốn khơi dậy tinh thần đoàn kết trong ngân hàng.Tôi hình thành ý tưởng “Sức trẻ Sacombank”. Hoạt động kết nối nhiều nhất và nhanh nhất chính là chạy bộ. Ngoài ra, chúng tôi còn có câu lạc bộ yoga, tennis và khiêu vũ.
Đến nay, trên 10.000 cán bộ nhân viên Sacombank đã tham gia chạy bộ. Đây là điều đáng tự hào vì việc dậy sớm, chạy 1 km thôi cũng không hề đơn giản nếu không có ý chí.
Sacombank đã tổ chức một số giải chạy phòng trào, không chuyên nghiệp nhưng thu hút được trên 20.000 người tham gia. Trong phòng tôi có nhiều huy chương vì tôi cũng phải theo các bạn, nỗ lực vượt qua áp lực công việc để hoàn thành giải chạy.
- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.
Sau 3 năm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm làm Tổng giám đốc Sacombank, số lượng khách hàng của ngân hàng tăng thêm 2,5 triệu, tổng tài sản tăng hơn 36%, lợi nhuận trở lại với con số hàng nghìn tỷ đồng, năng suất lợi nhuận trên nhân viên tăng 18 lần. Sacombank đã thu hồi, xử lý được gần 50% tài sản tồn đọng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống dưới 2%. Triển vọng tín nhiệm cải thiện từ “tiêu cực” sang “ổn định”.