Theo ông Andrei Kostin - CEO ngân hàng quốc doanh VTB, kỷ nguyên của đồng bạc xanh sẽ kết thúc khi nhân dân tệ mạnh lên và phần còn lại của thế giới giảm phụ thuộc vào USD sau những thay đổi vì xung đột Nga - Ukraine.
Tỷ lệ USD được dùng trong xuất khẩu của Nga sang các nước thành viên BRICS (PV: khối nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã giảm từ 85% trong năm 2019 xuống 36% năm 2022.
Ông Kostin cho biết cuộc khủng hoảng đã mở ra những thay đổi lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa đang suy yếu, và Trung Quốc tiến gần hơn đến vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế thế giới.
Nhiều nước đang tìm cách giảm phụ thuộc vào USD, trong khi Bắc Kinh muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ thông qua việc thúc đẩy sử dụng đồng tiền này trong thương mại và đầu tư. Ảnh: Bloomberg. |
Những thay đổi lớn
Theo ông, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ gánh chịu hậu quả vì đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Nga. Bởi các nước khác sẽ chuyển sang thanh toán bằng những tiền tệ khác ngoài USD và euro. Trong khi đó, Bắc Kinh đang dần loại bỏ các hạn chế về tiền tệ.
"Kỷ nguyên thống trị kéo dài của USD sắp kết thúc", ông Kostin nhấn mạnh với Reuters.
Trong khi đó, theo ông, Bắc Kinh hiểu rằng họ sẽ không thể trở thành nền kinh tế hàng đầu "nếu nhân dân tệ vẫn là đồng tiền không được tự do chuyển đổi".
Kỷ nguyên thống trị kéo dài của USD sắp kết thúc
Ông Andrei Kostin - CEO ngân hàng quốc doanh VTB của Nga
USD giữ vị thế thống trị kể từ đầu thế kỷ XX sau khi vượt bảng Anh để trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Nhưng trong thời gian qua, các dấu hiệu phi USD hóa đã xuất hiện.
Trong quý II năm ngoái, USD chỉ chiếm dưới 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu chính thức, giảm từ 72% cách đây hai thập kỷ.
Dù vậy, Mỹ chỉ chiếm khoảng 25% sản lượng kinh tế và hơn 10% thương mại toàn cầu. Nhưng gần 50% thương mại toàn cầu sử dụng đồng bạc xanh, và đồng tiền này chiếm tới 90% giao dịch ngoại hối trên khắp thế giới trong năm ngoái.
Khoảng 50% chứng khoán nợ và khoản vay xuyên biên giới được phát hành bằng đồng USD.
Trong khi đó, nhân dân tệ chỉ chiếm khoảng 3% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Mỗi ngày, khối lượng giao dịch bằng đồng tiền Trung Quốc trên thế giới đạt hơn 520 tỷ USD.
Với vị thế ngày càng gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đang tìm cách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ thông qua việc thúc đẩy sử dụng đồng tiền này trong thương mại và đầu tư.
Khoảng 8 quốc gia đang cân nhắc giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì USD.
Hoài nghi về USD
Người ta bắt đầu hoài nghi về sức mạnh của USD sau xung đột ở Ukraine, sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc trong vòng 40 năm qua, và những tranh cãi xoay quanh trần nợ của Mỹ.
Ông Kostin cho biết VTB cũng đang đàm phán việc sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán với các nước thứ ba.
Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, phương Tây đã triển khai những biện pháp được cho là cứng rắn nhất từ trước đến nay, nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga.
Nhưng ông Kostin khẳng định nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ vì các động thái của phương Tây. Vào tháng 4, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Nga từ 0,3% lên 0,7%, nhưng hạ dự báo năm 2024 từ 2,1% xuống 1,3%.
"Các biện pháp trừng phạt là tồi tệ, và dĩ nhiên chúng tôi phải chịu đựng chúng. Nhưng cùng lúc đó, chúng tôi sẽ tìm thấy những cơ hội mới khi một số cánh cửa đóng lại", ông nói thêm.
Về phía VTB, ông dự báo VTB sẽ đạt lợi nhuận 400 tỷ ruble (4,9 tỷ USD) trong năm 2023 sau khi ghi nhận mức lỗ kỷ lục vào năm ngoái.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.