CEO mới của Nhóm Mua trần tình việc 'thay tướng'
Ông Kyle Phạm - tân CEO Nhóm Mua phản pháo những cáo buộc của "người cũ" (Tom Trần) về thay tướng, trấn áp nhân viên, cũng như niêm phong tài sản công ty.
- Công ty Nhóm Mua thay CEO đi kèm với hàng loạt các rắc rối phát sinh, và tin đồn về một cuộc thâu tóm thù địch. Ông nghĩ gì về điều này?
- Hoạt động thay đổi lãnh đạo điều hành ở Nhóm Mua được thực hiện đúng quy định. Hoàn toàn không có chuyện “thâu tóm” hay đánh úp. Thứ nhất, theo điểm a, khoản 2, điều 52, Luật Doanh nghiệp 2005, nhà đầu tư đại diện cho 72,73% vốn điều lệ của Nhóm Mua có quyền quyết định CEO.
Thứ hai, ông Tom Trần – cựu CEO của Nhóm Mua vắng mặt trong hai cuộc họp Hội đồng thành viên vào ngày 7/11 và 12/11 dù được thành viên góp vốn lớn nhất (72,73%) thông báo mời họp.
Thứ ba, là nhà đầu tư, chúng tôi phải đảm bảo tài chính công ty minh bạch, đội ngũ lãnh đạo, nhân viên trong sạch, tuân thủ quy định của công ty và pháp luật Việt Nam.
Ông Kyle Phạm - Giám đốc điều hành mới của Nhóm Mua cho biết cựu CEO là ông Tom Trần có những không minh bạch về tài chính, xuất xứ hàng hóa |
- Vậy tại sao những nhà đầu tư lại dùng nhiều biện pháp mạnh để vào trụ sở của Nhóm Mua, cũng như thay thế các nhân sự chủ chốt của công ty?
- Đứng trước nguy cơ một CEO thao túng mọi việc, thiếu minh bạch, chúng tôi buộc phải hành động nhanh do tính chất nghiêm trọng của sự việc. Ông Tom cũng đã thừa nhận về khoản cho vay với lãi suất bất thường 13%/tháng của cá nhân mình với Nhóm Mua. Dù ông này cho rằng đây là sự “nhầm lẫn”, nhưng với số tiền lớn như thế, khó lòng có thể nhầm lẫn như vậy trong một thời gian dài.
Ngoài ra chúng tôi đang có trong tay những bằng chứng về sự không minh bạch trong tiền bạc của ông Tom… Cơ quan chức năng đang điều tra Tom vì những hàng hóa cho bán trên mạng công khai không có xuất xứ và có hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, chúng tôi bắt buộc phải hành động kịp thời để bảo vệ tài sản và uy tín của công ty cũng như lợi ích của khách hàng. Hành động “niêm phong” công ty cũng chỉ nhằm cô lập các thông tin về tài chính, kế toán của công ty để phục vụ điều tra.
Chúng tôi xin được đính chính, cho đến thời điểm này, duy nhất có vị trí CEO được thay đổi còn lại tất cả nhân viên đều được chúng tôi trọng dụng và khuyến khích họ làm việc bình thường sau những cú sốc tâm lý vì biến động của công ty.
- Vị trí của ông Tom Trần ở Nhóm Mua sau này ra sao?
- Nhà đầu tư đã nhiều lần yêu cầu ông Tom chuyển làm vị trí cố vấn thay vì giám đốc điều hành, ông Tom không đồng ý.
- Trên clip, những người mặc đồng phục Nhóm Mua có các hành động bạo lực ngay tại trụ sở của mình. Đó có phải là nhân viên của Nhóm Mua không?
- Đây cũng là một trong những nguyên nhân chúng tôi cần chỉnh đốn lại công ty, vì trước đó chúng tôi nhận được rất nhiều khiếu nại của nhân viên trong nội bộ cũng như dư luận khách hàng. Cho đến khi tôi được chứng kiến, thật sự tôi cũng kinh ngạc vì những người mặc đồng phục của một công ty lớn lại có những hành xử như vậy.
Diễn biến vụ 'lùm xùm' tại Nhóm Mua
Sự việc tại Nhóm Mua bắt đầu xuất hiện từ ngày 13/11, khi trụ sở tại Hà Nội ngừng hoạt động. Website của công ty này cũng không truy cập được trong 4 ngày, từ 13 đến 17/11, trong khi Tổng giám đốc là ông Tom Trần bị đồn đoán “ôm tiền bỏ trốn”. Ngay sau đó, Nhóm Mua đã họp và bầu ra Tổng giám đốc mới là ông Kyle Phạm (Phạm Anh Tuấn). Sau đó, trên mạng Youtube xuất hiện một clip nội dung “Nhà đầu tư đàn áp nhân viên Nhóm Mua” trong đó có hình ảnh bảo vệ tại trụ sở Nhóm Mua cầm dùi cui trấn áp những người mặc áo xanh in hình logo của mạng mua sắm cộng đồng này. Sự việc càng rối ren khi cựu CEO của Nhóm Mua là ông Tom Trần xuất hiện trên trang cá nhân và lên tiếng phản đối việc “ôm tiền bỏ trốn”, đồng thời cho biết việc ra nước ngoài của mình chỉ là đi thăm gia đình. Trên trang cá nhân được cho là của cựu CEO Nhóm Mua cũng cho hay, việc chuyển đổi CEO tại Nhóm mua là hành vi “thâu tóm thù địch” (hostile takeover). Tại Nhóm Mua, ông Tom Trần đang nắm giữ 27,73% cổ phần. |
Nguyễn Giang
Theo Infonet