Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Facebook bị nghi là 'thằn lằn đội lốt người', mưu đồ bá vương

Năm 2016, ông chủ Facebook bị nghi ngờ là người ngoài hành tinh. Đến 2019, đồng Libra của công ty là bằng chứng cho tham vọng bá chủ toàn cầu của Mark Zuckerberg.

  • Zing giới thiệu bài viết trên tờ Wired của Molly Wood.
  • CEO Facebook có thể không là bò sát như đồn đoán, nhưng mộng bá chủ của Mark Zuckerberg là có thực.
  • Facebook, Google, Amazon, Apple đều có vương quốc riêng của mình nhưng chỉ Facebook lộ dã tâm phát hành tiền tệ riêng, chi phối toàn cầu.
  • Đồng Libra của Facebook nếu được thông qua và phổ biến sẽ khiến Mark Zuckerberg trở thành hoàng đế của thế giới mà không cần lãnh thổ.

David Icke, nhà lý thuyết người Anh đưa ra thuyết âm mưu rất nổi tiếng. Ông cho rằng những người quan trọng đang nắm quyền điều khiển xã hội loài người là một giống loài họ hàng gần với bò sát, có khả năng cải trang thành con người.

Một khảo sát năm 2013 cũng cho thấy hơn 12 triệu người Mỹ tin rằng Tổng thống Obama là người ngoài hành tinh. Trong sự kiện Q&A vào năm 2016, một câu hỏi được đặt ra cho ông chủ Facebook: “Này Mark, có phải những cáo buộc cho rằng bạn là loài bò sát ngoài hành tinh là đúng?”.

Trên Reddit, nhiều topic cũng được lập ra chỉ để hỏi "liệu Mark Zuckerberg có phải thằn lằn" không?

Chuyện Mark Zuckerberg có phải giống loài ngoài hành tinh hay không chẳng thể xác thực. Nhưng tham vọng bá chủ toàn cầu của Facebook là có. Ngày 18/6, mạng xã hội này thông báo sẽ phát hành tiền điện tử Libra vào đầu năm 2020. Giới chuyên gia dự đoán điều này sẽ gây tác động nặng nề đến nền tài chính toàn cầu.

Facebook đã không còn là công ty đơn thuần

Tham vọng đang hướng họ đến việc thành lập quốc gia riêng trong thế giới ảo. Không riêng Facebook, nhiều công ty công nghệ lớn nhất thế giới cũng đang xây dựng hệ sinh thái riêng.

Theo Wired, chúng ta đang ở thời điểm các công ty công nghệ đa quốc gia ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu lớn đến mức các ngân hàng trung ương, các nhà quản lý bắt đầu tự hỏi liệu họ có đủ công cụ cần thiết để thiết lập chính sách kinh tế cho những đối tượng này như xưa hay không.

Các công ty công nghệ lớn này khác với những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Exxon Mobile, ConAgra ở chỗ: Tham vọng thực sự của họ là sở hữu tất cả tương tác của bạn chứ không phải nhà, xe hay máy tính.

Mark Zuckerberg thau tom Trai Dat bang Libra anh 1
Tất cả những gì Facebook cần để trở thành quốc gia Internet là đồng tiền riêng. Ảnh: AI Jazeera.

Các thuật toán của Amazon đang định giá cho phần lớn hàng hoá thế giới, nhúng tay vào mọi lĩnh vực. Apple thì không muốn trở thành quốc gia lớn mở cửa cho mọi người bước vào gây lộn xộn, thay vào đó là xây dựng nơi chỉ toàn người ưu tú. Google lại giống như NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ), muốn bạn quên đi sự tồn tại của họ trong khi đang theo dõi mọi thứ bạn làm.

Các công ty này tự hào vì có dân số lớn hơn bất kỳ quốc gia nào, chưa kể đến việc doanh thu hàng năm vượt xa nhiều nước trên thế giới. Giờ là lúc họ muốn tạo ra tiền của riêng mình.

Libra là tiền điện tử được quy giá trị bởi tiền thật, kiểm soát bởi nhóm đối tác độc lập có trụ sở tại Thụy Sĩ. Nghe có vẻ như Facebook không thực sự nắm trong tay loại tiền này. Tuy nhiên, sức mạnh của Libra không nằm ở việc ai kiểm soát cũng như ai sở hữu.

Libra là tiền nội bộ của Facebook, Instagram và WhatsApp với số người dùng toàn cầu là 2,7 tỷ. Nếu nó được phát hành, hãy tưởng tượng chỉ sau một đêm có thể đến hàng trăm triệu, thậm chí một tỷ người dùng cùng nền tảng để giao tiếp, cùng công cụ mua bán, xem quảng cáo, chơi trò chơi, sử dụng cùng hệ thống tiền tệ.

Libra có sức mạnh tái cấu trúc hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu chứ không đơn thuần là một loại tiền. Nó là công cụ để tạo ra quốc gia khổng lồ có dân số 2,7 tỷ người.

Cho dù Libra được kiểm soát bởi tập đoàn trung lập trụ sở ở Thụy Sỹ, cũng chỉ có Facebook thực sự khai thác sức mạnh nó.

Mark Zuckerberg thau tom Trai Dat bang Libra anh 2
Tham vọng của Mark Zuckerberg sẽ còn đi đến đâu? Ảnh: AP.

Tuy nhiên, Facebook cũng có thể thất bại trong việc phát hành Libra. Theo Wired, hiện họ mới có sự đồng ý của 27 đối tác trong mục tiêu 100 đề ra. Xét đến lịch sử thất bại của Facebook trong những năm qua, 73 cái tên còn lại là con số khá lớn. Chắc chắn đây sẽ là cuộc chiến lớn của công ty.

Song Facebook cũng nổi tiếng cứng đầu. Công ty này ít khi nhận sai, chỉ xin lỗi nếu quyết định đưa ra là "quá sai lầm".

Ranh giới giữa quốc gia và công ty

Cái gì đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Libra? Chắc chắn không phải là Bitcoin.

Hãy bắt đầu phân tích USD, đồng tiền được cho là mạnh nhất thế giới. Theo Molly Wood, khoảng 350 triệu người sử dụng USD trên toàn cầu như tiền tệ chính, chiếm chưa tới 13% trong số 2,7 tỷ người dùng Facebook (trên cả ba nền tảng).

Ngay cả khi trừ hao tài khoản giả, số người dùng Libra vẫn hơn rất nhiều so với đồng USD. Facebook đã có sẵn mọi thứ để biến Libra thành bá chủ. (Cần lưu ý số lượng người sử dụng USD như loại tiền tệ thứ 2 là chưa thể đo đếm, và Libra cũng có thể là loại tiền tệ thứ 2 chứ không thể thay được USD một sớm một chiều).

Khả năng nhiều người sử dụng Libra còn được đẩy lên bởi nó có thể hữu ích ở các quốc gia đồng nội tệ bị mất giá hoặc ngân hàng không được tin cậy. Nhiều người trong số 170 triệu người dùng Facebook ở châu Phi đã từng giao dịch trên điện thoại di động.

Một khi Libra đủ phổ biến, hiệu ứng lan truyền của Facebook sẽ khiến sức mạnh của nó tiếp tục lớn hơn.

Dần dần, thanh toán bằng Libra sẽ dễ hơn mọi phương thức. Việc trao đổi Libra với các loại tiền tệ khác sẽ xảy ra. Từ đây, rào cản giao dịch giữa các quốc gia sẽ bị xóa bỏ.

Tất nhiên, Facebook rồi sẽ thu lợi nhuận cao, các đối tác lớn của công ty như Visa, MasterCard, PayPal, Spotify và Uber cũng vậy. Tuy nhiên, phần lớn người dùng Libra sẽ ở trong mạng lưới khép kín dưới sự kiểm soát hoàn toàn của hoàng đế duy nhất: CEO Facebook.

Khi đó Google, Amazon, thậm chí Apple buộc phải có đồng tiền riêng để cạnh tranh. Đó cũng là lúc các quốc gia với loại tiền tệ riêng hình thành trên Internet, điều sẽ gây rối loạn nền kinh tế toàn cầu.

Mark Zuckerberg thau tom Trai Dat bang Libra anh 3
Nhiều người tại Mỹ nghi ngờ Mark Zuckerber là một loài thằn lằn, ôm mộng bá chủ thế giới.

Có vẻ ngây thơ khi tự hỏi liệu công ty có mạnh như quốc gia hay không (tất nhiên là trừ vũ khí). Tuy nhiên với Facebook, trở thành "quốc gia Internet" thực sự là mục tiêu của họ.

Đồng sáng lập Facebook Chris Hughes đưa ra dự báo Libra sẽ gây bất ổn cho đồng tiền chính phủ, khiến các ngân hàng trung ương bất lực trong việc thiết lập chính sách tiền tệ. Hughes là người hiểu tham vọng Mark Zuckerberg hơn bất kỳ ai.

Vậy Facebook đã có những gì? Họ có lượng người dùng lớn ở đa quốc gia, một bộ luật nho nhỏ của riêng mình, có khả năng mở rộng cơ sở hạ tầng nhanh chóng. Bây giờ họ muốn có loại tiền tệ thống nhất.

Zuckerberg nổi tiếng yêu thích Augustus Caesar (hoàng đế đầu tiên của Đế quốc La Mã) và Libra rõ ràng là bằng chứng cho thấy tham vọng thống trị toàn cầu của ông. Mảng duy nhất công ty không nhúng vào có lẽ là không gian.

Hoặc cũng có thể CEO của Facebook đã thực hiện giao kèo với Jeff Bezos nên không cần quan tâm tới lĩnh vực không gian. Ngày 9/5, tại Washington DC, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos công bố kế hoạch chinh phục Mặt trăng và giới thiệu tàu đổ bộ Blue Moon. Phải chăng khi ngã ngũ, Zuckerberg có được Trái Đất còn Mặt trăng thuộc về Bezos?

Sẽ ra sao nếu cả thế giới đều mất Internet? Sẽ ra sao nếu bạn thức dậy vào một ngày mà mạng Internet bị sập? Tất nhiên, bạn không thể truy cập được mạng xã hội vào buổi sáng và không có Google Maps để tìm đường.

Facebook còn chặng đường dài với Libra

Còn rất nhiều rào cản về mặt pháp lý để Libra trở nên phổ biến.

Đại Việt

Wired

Bạn có thể quan tâm