Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Đức Thành: Áp lực từ 2 người tiền nhiệm

Là người kế vị của 2 CEO nổi trội ở Đức Thành, ông Lê Hồng Thắng cảm thấy có nhiều áp lực từ những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông không ngại đối diện với những thách thức trước mắt.

CEO Đức Thành: Áp lực từ 2 người tiền nhiệm

Là người kế vị của 2 CEO nổi trội ở Đức Thành, ông Lê Hồng Thắng cảm thấy có nhiều áp lực từ những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông không ngại đối diện với những thách thức trước mắt.

Chính thức được giới thiệu là Tổng Giám đốc của công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành trong đại hội cổ đông vào tháng 4/2012, ông Lê Hồng Thắng – em ruột bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị – không phải là một người xa lạ. Từ nhiều năm trước, ông Lê Hồng Thắng đã là Giám đốc điều hành trực tiếp các nhà máy sản xuất của Đức Thành và trở thành Phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng Quản trị công ty từ năm 2009.

 
Ông Lê Hồng Thắng.

Áp lực từ hai người tiền nhiệm

- Là người thứ ba của dòng họ Lê điều hành công ty, ông thấy mình đã có những thuận lợi hay khó khăn gì?

- Thuận lợi đầu tiên là tôi đã làm việc ở đây từ khi tốt nghiệp đại học. Công ty thành lập được 22 năm thì tôi đã có thâm niên 17 năm.

Ngay từ đầu, ba tôi (ông Lê Ba) và chị tôi (bà Lê Hải Liễu) đã tạo điều kiện cho tôi tiếp xúc với tất cả các quy trình công việc ở công ty, từ sản xuất đến quản lý điều hành. Từ đó tôi nắm bắt được thế mạnh của các nhân sự chủ chốt. Vì vậy, khi tiếp nhận chức vụ CEO, tôi dễ dàng chuyển giao công việc mình từng làm cho họ để bản thân tập trung vào việc điều hành chung.

Một thuận lợi khác, do là “người cũ”, tôi không nhất thiết phải thể hiện hay chứng tỏ “cái tôi” như các CEO khác khi mới lên nắm quyền. Tôi chỉ cần duy trì đường lối của CEO cũ chừng nào cách điều hành đó vẫn tỏ ra hiệu quả. Chính vì vậy, tôi đã giúp người lao động an tâm làm việc và guồng máy vận hành suôn sẻ….

Áp lực chính từ hai người tiền nhiệm. Người thứ nhất là ba tôi. Ông đối xử với mọi người rất chu toàn. Hiện nay Gỗ Đức Thành có khoảng 1.000 nhân viên, trong đó có hơn 100 người gắn bó với công ty từ 10 đến 20 năm. Cái khó là làm sao dung hòa giữa truyền thống gia đình (cách ba và chị đối xử với nhân viên) với việc duy trì lợi ích cho công ty, cho cổ đông… Làm sao dung hòa được tình nghĩa mà vẫn giữ được cái uy để điều hành công việc hiệu quả.

Người thứ hai là chị gái. Chị tôi đã điều hành công ty quá tốt, quá hiệu quả, năm nào cũng lãi cao. Thật sự áp lực này rất nặng, nhất là trong năm 2012. May mà trong giai đoạn đầu chuyển giao, chị Liễu luôn hỗ trợ sát sao, giúp tôi định hướng được việc mình cần phải làm. Vào cuối năm 2012, chị kiên quyết rút dần, tôi phải tự mình quyết định và xử lý mọi công việc, nên bây giờ đã tự tin hơn nhiều rồi.

- Trong 17 năm làm việc, anh đã làm gì để chứng tỏ mình không phải là công tử?

- Năm đầu tiên về công ty, ba phân bổ tôi làm nhân viên phòng xuất nhập khẩu. Khi ba tôi đầu tư nhà máy liên doanh với một công ty ở Đắk Lắk, ông bảo tôi đi Đắk Lắc thay mặt cho Đức Thành quản lý quy trình xử lý gỗ.

Thật tình, lúc đầu tôi băn khoăn, thậm chí tủi thân vì không hiểu tại sao ba lại giao tôi đi xa nhà và phải làm công việc chưa từng làm: từ việc chặt cây trên rừng đến cưa xẻ, ngâm tẩm, bào ghép… Tất cả đều quá mới lạ với một cậu ấm và út ít như tôi. Tuy nhiên, sau ba năm làm việc ở đó, tôi đã hiểu ra ý định của ba là rèn luyện cho tôi tính làm việc độc lập và tự quyết trong những tình huống khó khăn. Từ công việc này, tôi đã trưởng thành hơn vì tự trải nghiệm, học hỏi thực tế, không thể ỷ lại.

Chẳng hạn, trong thời gian đó có một lô cây cao su đem về sấy tự nhiên bị rạn nứt rất nhiều mà không ai tìm ra nguyên nhân. Tôi liền đi xin những cây gỗ cao su của những doanh nghiệp khác (có lô cao su ở gần lô của mình) để xem, mới thấy lô của mình ngậm nước nhiều hơn, xốp hơn. Thế là tôi vào trong lò sấy đang hoạt động để tìm hiểu. Mất nửa tháng, tôi mới tìm ra nguyên nhân và quyết định cải tiến quạt của lò sấy. Cuối cùng, cây sấy xong không bị nứt nữa.

Tôi nhớ mãi, ba tôi đã rất vui sau thành công này của tôi. Qua việc này, tôi còn thu phục được tình cảm của anh em làm chung và sau đó, họ hỗ trợ tôi rất tốt trong công việc.

- Anh học được điều gì ở cha anh và chị anh?

- Tôi học được ở ba tôi tính không đầu hàng. Khi gặp trở ngại, ông có quyết tâm tìm hiểu để làm cho được. Phẩm chất thứ hai của ông mà tôi luôn học hỏi là cách đối nhân xử thế. Ông luôn có một mong muốn tự nhiên là giúp cho người đối diện tốt hơn. Ông là người luôn biết lắng nghe và có tính giúp đỡ.

Tôi học được ở chị Liễu tính quyết đoán. Mặt khác, chị cũng rất linh hoạt, vấn đề nào chị cũng đưa ra nhiều hướng giải quyết và luôn chọn giải pháp phù hợp tình hình nhất. Khi chọn rồi, chị luôn đeo đuổi đến nơi, đến chốn.

- Vậy thế mạnh của anh là gì?

- So với cha và chị, tôi có thế mạnh là hiểu biết về quy trình sản xuất, về kỹ thuật nên dễ tạo được sự đồng thuận của đại đa số anh em. Tôi lại có một lợi thế mà hai vị tiền bối không có là được học và được hành những bài học cả từ cha và từ chị khi điều hành công ty.

Tôi cũng nắm bắt công nghệ tốt hơn, nhất là những phần mềm mới dành cho quản lý, điều hành, vì thế công việc được xử lý nhanh hơn. Một ví dụ rõ nhất là việc tính giá cho khách hay tính lương cho toàn công ty hiện nay đã rút ngắn chỉ còn phân nửa thời gian so với trước.

Những bước đi riêng…

- Có khi nào anh thấy mình đang nhận một việc quá sức?

- Khi mình thích và đam mê điều gì thì sẽ không thấy quá sức nữa mà sẽ luôn cố gắng vượt qua nếu có trở ngại. Lúc mới nhận trách nhiệm, thật tình tôi cũng có bỡ ngỡ, thậm chí ngại ngần, thế nhưng nhờ chị Liễu giúp đỡ, định hướng… tôi thấy không có gì quá sức khi mình quyết tâm muốn làm.

Quá trình chuyển giao cũng diễn ra dần dần, không quá đột ngột. Hiện giờ, chị Liễu trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ đưa ra những định hướng chiến lược. Có những việc tuy biết tôi làm chưa tốt bằng chị, nhưng chị vẫn tôn trọng quyết định của tôi. Vì chỉ khi tự làm, người ta mới hiểu ra cái mạnh, cái yếu của mình để rồi sau đó rút kinh nghiệm làm tốt hơn.

Mặt khác, trong gia đình, tôi còn có người anh ruột là anh Thành luôn sát cánh kề vai, giúp đỡ tôi mọi mặt tại Đức Thành từ những ngày đầu, nên tôi luôn cảm thấy vững vàng.

- Anh đã có thay đổi gì trong việc điều hành?

- Tôi muốn thay đổi suy nghĩ của anh em cấp quản lý: không phải cái gì các anh chị cũng đưa lên tổng giám đốc giải quyết mà phải đề xuất giải pháp của chính mình. Có như vậy họ mới chia sẻ và gánh vác với mình mọi việc. Tôi chấp nhận chờ để anh em chủ động, nhiều lúc chấp nhận cả quyết định của họ, mặc dù có thể không đúng ý mình, nhưng như vậy họ sẽ thấy được đóng góp. Để kích thích tinh thần sáng tạo, tôi luôn kêu gọi anh em đề xuất cải tiến trong công việc và thưởng nóng luôn!

Bên cạnh đó, tôi cũng quyết định chia sẻ khó khăn với khách hàng khi cả năm 2012 đã không tăng giá bất cứ sản phẩm nào. Chúng tôi quyết định gánh phần khó khăn về mình và tìm mọi cách để tăng năng suất, giảm giá thành…

- Anh tự nhận thấy sản phẩm của Đức Thành ra sao?

- Đồ nhà bếp tuy không đòi hỏi mẫu mã mới liên tục như đồ chơi trẻ em, nhưng chúng tôi cũng cố gắng tạo ra những điểm nhấn trên sản phẩm để các bà nội trợ cảm thấy thư giãn khi vào bếp.Chẳng hạn, chúng tôi tạo ra những cái thớt có hình dáng đa dạng, sơn thêm màu ở tay cầm, đường viền… hoặc tăng thêm tiện ích như loại thớt có chân đế có thể luồn cái đĩa bên dưới, khi xắt thực phẩm xong có thể lùa xuống đĩa, hứng luôn cả nước như khi bạn xắt cà chua hoặc thịt bò mà không cần phải nhấc cái thớt lên.

Còn mặt hàng đồ chơi gỗ thì để thuyết phục khách hàng dùng thử, trên nhãn sản phẩm, chúng tôi in chi tiết công dụng và cách chơi của từng loại, chưa kể có trang web riêng hướng dẫn cách lựa chọn đồ chơi theo lứa tuổi, theo tính cách trẻ.

Chúng tôi không in tiếng Anh trên nhãn sản phẩm như một kiểu sản phẩm thừa sau xuất khẩu và có riêng một bộ phận nghiên cứu mẫu dành cho thị trường nội địa, phù hợp với văn hóa Việt Nam như lồng những câu chuyện cổ tích Việt vào đồ chơi xếp hình…

- Có dự án gì mà anh muốn làm cho Gỗ Đức Thành, như chị Hải Liễu đã ghi dấu ấn với đồ chơi gỗ Winwintoys?

- Gỗ Đức Thành đang phát triển tốt, nhưng nếu cứ mãi hài lòng như vậy thì công ty sẽ đứng lại. Tôi đang nghĩ đến việc phát triển thêm dòng sản phẩm đồ dùng cho trẻ em và tìm thêm những dòng nguyên liệu khác ngoài gỗ cao su để khai phá dòng sản phẩm mới nhằm giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn.

- Nhưng trong bản báo cáo tài chính trước đại hội cổ đông vừa rồi, doanh số nội địa trong năm 2012 của công ty bị giảm so với năm 2011. Anh nói sao về điều này?

- Đúng là việc phân phối nội địa năm qua chưa hiệu quả như mong muốn. Cũng dễ hiểu thôi, vì hầu như đa số người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, quý I/2013 đã tăng trưởng trở lại: số điểm bán hàng tăng, doanh số bán ra có tăng so với cùng kỳ năm trước. Để tốt hơn nữa, chúng tôi sẽ thay đổi chính sách marketing.

- Điều gì anh hay nói hoặc anh thường làm để truyền cảm hứng cho nhân viên?

- À, đó là muốn biết điều gì, các anh chị phải làm thì mới rút được kinh nghiệm. Vì thế, trong công việc, tôi cho họ quyền quyết định để họ tự rút kinh nghiệm, tự có bài học thực tế. Điều này lấy kinh nghiệm từ bản thân tôi, những gì tôi tự làm, 10 năm sau tôi vẫn nhớ; còn điều gì tôi làm theo ý tưởng của người khác thì vài tháng sau tôi đã quên.

Người đàn ông hiện đại

- Anh thường làm gì mỗi khi căng thẳng?

- Nấu ăn! Có lẽ chị ngạc nhiên chứ, con tôi thường nói vui: có nhiều món ba nấu ngon hơn mẹ. Khi về nhà, tôi thường phụ vợ công việc nhà, ngoài sửa chữa linh tinh thì còn nấu ăn, rửa chén… vì nhà chúng tôi không có người giúp việc.

Vào cuối tuần, gia đình tôi thường tổ chức nấu ăn chung, lúc bên nhà nội, lúc bên nhà ngoại, có khi nấu ở nhà mình, mời ông bà sang ăn. Truyền thống nhà tôi là vào cuối tuần, gia đình tập họp để cùng ăn uống chung, điều đó thắt chặt tình gia đình.

- Còn giải trí?

- Sáng nào tôi cũng đi bộ, chạy bộ. Ngày nghỉ có thời gian đưa con đi học bơi, tôi cũng tranh thủ bơi cùng con.

- Những thứ nào anh không thể bỏ quên ở nhà mỗi khi đến công ty?

- Laptop và hồ sơ chưa giải quyết xong.

- Cái gì anh muốn để lại công ty khi về nhà?

- Cũng là laptop và hồ sơ. Cái ghét nhất là phải mang cái cặp về nhà tranh thủ làm việc, vì tôi luôn có cảm giác đang “ăn bớt” thời gian dành cho con, thế nhưng có những lúc không bỏ được. Từng có những buổi tôi không thèm mang cặp về nhà, nhưng khi chơi với con xong thấy còn thời gian rảnh thì lại…tiếc. Rồi khi mang cặp về nhà, không có thời gian chơi với con, lại áy náy. Một cái vòng luẩn quẩn.

- Câu hỏi cuối: cuốn sách nào gây được ảnh hưởng lên cuộc đời của anh?

- Đó là ba tôi. Ông chính là cuốn sách sống. Có rất nhiều điều về ông mà tôi chưa học hết, cũng như có nhiều điều tôi phục ông mà… vẫn chưa làm được.

Theo Doanh Nhân

Theo Doanh Nhân

Bạn có thể quan tâm