Tháng 8/2016, hai nam thanh niên ăn vận bóng bẩy đi xe đạp đến trước cổng Học viện Báo chí và Tuyền truyền, cầm tấm biển mời gọi các bạn trẻ tham gia kiếm tiền. Tấm bảng có nội dung: “Viết bài gãy tay, nhuận bút 200.000 đồng. Tham gia mạng lưới sinh viên chuẩn, một tháng có 200 triệu đồng. Sinh viên chuẩn, học làm giàu. Chỉ việc chơi, tiền bay tới”.
Thực chất, đây là bài kiểm tra để xem sinh viên có dễ bị dụ dỗ và lôi kéo tham gia vào mô hình kinh doanh đa cấp hay không. Ông Nguyễn Ngọc Long - trưởng nhóm hoạt động cho hay: “Những hình ảnh này khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã ngay lập tức gây xôn xao dư luận”. Sau 20h đăng tải bài test, website đã thu hút gần 50.000 người truy cập, với hơn 11.000 đơn đăng ký nhận tài liệu “làm giàu chân chính”. Khoảng 40% dữ liệu trong đó là rác, tức là có gần 7.000 đơn đăng ký là dữ liệu thật.
“Đây là một con số rất đáng giật mình. Trong khi bí quyết làm giàu chân chính hoàn toàn không có gì ghê gớm, tất cả chỉ tóm gọn trong 6 chữ - hãy thôi ảo tưởng làm giàu”, ông Nguyễn Ngọc Long cho biết thêm.
Trong một lần chia sẻ kỹ năng tự vệ trước nạn đa cấp và lừa đảo, thầy Nguyễn Hữu Trí - người sáng lập học viện AYP, một trong những cộng đồng sinh viên lớn nhất TP.HCM với hơn 1,1 triệu bạn trẻ follow trên fanpage Awake Your Power đã dành lời khuyên chân thành cho các bạn sinh viên, đó là phải biết kiểm soát lòng tham để tự vệ trước đa cấp, lừa đảo.
Đối tượng làm đa cấp không chân chính sẽ sử dụng rất nhiều tiểu xảo để kích động lòng tham: quần áo, hàng hiệu, xe hơi, nhà lầu, buổi lễ phát thưởng với số tiền lớn hay những chuyến đi du lịch nước ngoài… Cách thức cơ bản nhất để kích động lòng tham chính là những kết quả đầy hấp dẫn, tuy nhiên, để đạt được kết quả ấy lại không hề tốn công sức chút nào. Đây là chiêu bài quan trọng nhất thường được dùng để lừa đảo.
Người lừa đảo chứ không phải đa cấp lừa đảo
Đa cấp là mô hình kinh doanh được pháp luật của hầu hết quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam công nhận. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng người sử dụng công cụ đa cấp để lừa đảo ngày càng tăng.
Một phần nguyên nhân do nước ta còn nghèo, dân trí thấp, việc phổ biến kiến thức còn hạn chế. Đây là môi trường rất tốt cho lừa đảo trong kinh doanh hoạt động. Nguyên nhân thứ 2 là hệ thống đa cấp khuyến khích việc sao chép thói quen, hành động, thái độ giữa người vào sau và người vào trước. Vì vậy thói quen và hành vi lừa đảo nếu có, sẽ rất dễ lây lan trong hệ thống.
Ông Nguyễn Hữu Trí, CEO Học viện Awake Your Power.
|
Sinh viên phải bình tĩnh để nhận ra những đối tượng có xu hướng lừa đảo, bao gồm: sử dụng hình thức hào nhoáng để gây chú ý, kích thích sự tò mò (còn trẻ nhưng mặc áo vest, đi giày tây, bước ra từ xe hơi, dùng hàng hiệu…); kích động những cảm xúc tiêu cực của sinh viên (hoàn cảnh gia đình, lòng tham, sự giận dữ, căm ghét…); sử dụng sự tin tưởng, mối quan hệ cá nhân để thúc ép các quyết định (sự tin tưởng giữa bạn bè thân, người đồng hương, gia đình…).
Vượt qua sự lười biếng
Hành vi lừa đảo cũng giống như vi khuẩn, chúng có mặt ở khắp nơi. Cách hay nhất để chống chọi vi khuẩn là tăng sức đề kháng cá nhân.
Theo anh Nguyễn Hữu Trí, chỉ có kẻ lười biếng, kém cỏi và mất phương hướng mới dễ bị kích động lòng tham và bị “xỏ mũi” dẫn đi.
Cũng theo CEO Học viện Awake Your Power, sinh viên cần tăng cường nội lực bằng cách trau dồi kiến thức, kỹ năng toàn diện; xác định định hướng, đam mê nghề nghiệp của mình. Sinh viên nếu xác định phát triển theo hướng kinh doanh, hãy bắt đầu sớm từ những dự án, sản phẩm đơn giản, làm trong thời gian ngắn và vốn ít. Việc này sẽ giúp các bạn trẻ hiểu về năng lực kinh doanh và thị trường sâu sắc hơn.
Anh Nguyễn Hữu Trí nhiều lần chia sẻ về cách phòng chống đa cấp cho sinh viên Việt Nam.
|
Ngoài ra, các bạn trẻ cần củng cố các mối quan hệ xã hội, bao gồm: bạn bè thân, gia đình, thầy cô và các chuyên gia cố vấn về sự nghiệp, định hướng… Đây sẽ là “vũ khí” quan trọng khi bạn đối diện với những quyết định và cuộc chơi thử thách.
Chúng ta không chối bỏ sự thật là người Mỹ, người Nhật đã duy trì và phát triển mô hình đa cấp này trong suốt hơn 70 năm. Vì vậy, trong tương lai, nếu người Việt Nam muốn tận dụng mô hình này đúng đắn, chúng ta phải mạnh mẽ hơn và vượt qua được sự tham lam, yếu đuối và lười biếng.