- Acwa vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư vào dự án điện than cuối cùng của Việt Nam trong quy hoạch điện VII của Chính phủ, dự án Nam Định 1, sau 4 năm từ khi công ty mở văn phòng đại diện và ngỏ ý tìm cơ hội đầu tư vào dự án này. 4 năm theo ông có phải là quá dài?
Ông Paddy Padmanathan, CEO Acwa Power, cho rằng Việt Nam có nhiều thay đổi trong tiếp cận về thủ tục cấp phép, phê duyệt dự án hạ tầng lớn thời gian gần đây. Ảnh: Ngọc Linh. |
- Như bạn biết, Nhiệt điện Nam Định 1 là dự án lớn, trị giá 2,3 tỷ USD. Nhà máy sẽ vận hành trong vòng 40-50 năm. Đây cũng là dự án đầu tiên của chúng tôi ở khu vực châu Á. Chúng tôi quan niệm phải chuẩn bị kỹ lưỡng: khâu thẩm tra, thiết kế, giải pháp tài chính... đảm bảo dự án phát triển tốt và bền vững thay vì vội vàng.
Một dự án lớn sẽ cần đủ thời gian, nhất là khi chúng tôi là người mới gia nhập thị trường.
Là doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi vốn không kiên nhẫn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng Chính phủ Việt Nam cần cân bằng giữa nhu cầu kiểm tra, giám sát và việc thu hút, khuyến khích đầu tư.
"Chúng tôi không quan tâm nhiều tới chính sách bảo hộ của Chính phủ với người dân, mà nhìn vào bức tranh lớn hơn về thị trường của Việt Nam"
Ông Paddy Padmanathan
Kể từ thời điểm chính thức được Chính phủ chấp thuận cho tham gia dự án Nam Định 1 cách đây 2 năm, chúng tôi thấy Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận thủ tục với các dự án đầu tư hạ tầng lớn. Các bạn đang cải thiện các quy trình cấp phép, phê duyệt từng ngày, gỡ bỏ các rào cản thủ tục.
Thông tư 23 của Bộ Công Thương năm 2015 là một ví dụ cho việc thay đổi cách tiếp cận này.
- Nhìn vào danh sách các dự án lớn của Acwa trên thế giới thì thấy đa phần là các dự án năng lượng tái tạo. Tại sao với Việt Nam lại khác, khi Acwa chọn dự án nhiệt điện than Nam Định 1?
- Thực ra chúng tôi không chỉ đầu tư vào năng lượng tái tạo. Điện là một sản phẩm cơ bản, mang tính nền tảng trong nền kinh tế. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp năng lượng đáp ứng nhu cầu của người dân và các nền kinh tế, không phân biệt loại hình.
Cơ cấu nguồn điện Việt Nam năm 2020. Đồ họa: Phượng Nguyễn - Hiếu Công. |
Khi vào thị trường Việt Nam, chúng tôi căn cứ vào nhu cầu của các bạn. Dự án Nam Định 1 nổi lên như một ưu tiên đầu tư của Việt Nam.
Sau dự án này, chúng tôi sẽ triển khai năng lượng tái tạo. Chúng tôi vừa bắt tay với Fecon để tiến tới nghiên cứu, triển khai dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Giá điện không cản trở quyết định đầu tư
- Giá điện Việt Nam hiện nay ở mức thấp so với các nước khu vực. Điều này có ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài như Acwa?
- Chi phí sản xuất, vận hành và giá bán điện là khác nhau. Theo tôi hiểu, điện của Việt Nam có sự trợ giá từ Chính phủ. Việt Nam cũng đang từng bước áp giá điện bán ra theo giá thị trường.
Với tư cách nhà đầu tư, đương nhiên chúng tôi quan tâm chuyện giá điện chỉ là một yếu tố. Chúng tôi coi trọng hơn sự ổn định, bền vững của dự án để đảm bảo thu lợi từ khoản đầu tư này.
Ở Nam Định 1, chúng tôi chịu trách nhiệm cho dự án 2,3 tỷ USD, và sẽ khai thác thương mại trong 25 năm trước khi chuyển giao. Dự kiến, chúng tôi thu hồi vốn đầu tư sau 17 năm.
Hai bên có hợp đồng thỏa thuận. Thế nhưng, ngay cả khi có hợp đồng, một khi các bạn mà hết tiền thì mọi thỏa thuận đều vô giá trị. Vì thế, khi đầu tư, điều quan trọng nhất là sự thịnh vượng, phồn vinh và năng động của một quốc gia.
Nói cách khác, chúng tôi không quan tâm nhiều tới chính sách bảo hộ của Chính phủ với người dân, mà chúng tôi nhìn vào bức tranh lớn hơn về thị trường năng lượng điện của Việt Nam.
Chúng tôi quan ngại về giá điện, nhưng điều này không cản trở quyết định đầu tư. Chúng tôi có hệ thống tiêu chí nhất định, bao gồm tiềm năng phát triển, hệ thống chính sách, lịch sử khuyến khích đầu tư của nước đó... và Việt Nam là một lựa chọn tốt.
Điều kiện ngặt nghèo về môi trường để huy động vốn cho nhiệt điện
- Thực tế phát triển các dự án điện than ở Việt Nam khiến dư luận lo ngại về tác động môi trường. Dự án Nam Định 1 đã tính tới yếu tố bảo vệ môi trường ra sao?
- Chúng tôi hiểu và chia sẻ mối quan ngại môi trường của các bạn.
Một số dự án điện than lớn đã và đang triển khai ở Việt Nam. Đồ họa: Phượng Nguyễn - Hiếu Công. |
Thực tế, nhu cầu năng lượng của Việt Nam rất lớn. Các bạn phải phát triển nhanh hết sức có thể, khai thác mọi nguồn năng lượng sẵn có, bao gồm cả điện than. Nói không với điện than vẫn là một quyết định quá xa xỉ, đắt đỏ cho hầu hết quốc gia, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam.
Đầu tư dự án điện cần vốn lớn. Với Nam Định 1, chúng tôi góp 25% vốn chủ sở hữu (500 triệu USD), còn 75% còn lại là vốn huy động của các định chế tài chính quốc tế.
Để tiếp cận được vốn này, chúng tôi phải cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện ngặt nghèo về môi trường do Ngân hàng Thế giới xây dựng khung.
Các định chế tài chế quốc tế khi cho vay sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ của chúng tôi trong suốt vòng đời của dự án, một khi vi phạm sẽ chấm dứt cho vay, hoàn trả vốn và chịu các mức phạt. Vì thế, các bạn yên tâm rằng chúng tôi sẽ hạn chế tối đa tác động môi trường theo đúng cam kết.
- Hiện nay nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế hạn chế cho vay với các dự án điện than. Acwa gặp khó khăn gì không trong việc huy động vốn cho Nam Định 1?
- Quan ngại hệ quả môi trường của điện than, điện dầu là vấn đề chung. Một số nước, một số ngân hàng nói không với các dự án điện than. Một số khác thì hỗ trợ nhà đầu tư đi kèm xây dựng bộ quy chuẩn, hướng dẫn chặt chẽ mà nhà đầu tư phải cam kết thực hiện để bảo vệ môi trường. Đây là điều tốt cho các nước như Việt Nam, khi tìm nguồn vốn cho các dự án năng lượng.
"Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng đòi nguồn lực tài chính lớn. Điều quan trọng là thu hút được các nhà đầu tư, tổ chức tài chính nước ngoài cùng tham gia".
CEO Acwa Power Paddy Padmanathan
Với Nam Định 1, ngoài 500 triệu USD vốn chủ sở hữu, chúng tôi vay vốn của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank) và 7-8 ngân hàng thương mại quốc tế khác của Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Đức và Anh.
Cùng với cam kết vốn từ Keximbank, việc xây dựng dự án cũng như thiết bị tổ máy hầu hết từ Hàn Quốc (xây dựng do Posco đảm nhiệm), lò hơi của nhà máy do doanh nghiệp Mỹ cung cấp.
Quan trọng là tạo nên cơ cấu điện hợp lý
- Trong quy hoạch điện 7, Việt Nam cũng xác định nhu cầu điện rất lớn, nhưng vẫn còn băn khoăn trong chiến lược phát triển giữa nhiệt điện than và năng lượng tái tạo. Quan điểm của Acwa trong việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
CEO của Acwa cho rằng Việt Nam cần tạo một cơ cấu điện hợp lý, bao gồm thủy điện, điện than và năng lượng tái tạo. Ảnh: Ngọc Linh. |
- Câu chuyện chuyển từ điện than hay điện dầu sang năng lượng tái tạo là điều thế giới đã trải qua, và Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi. Thế giới đã nhận thức rõ hệ quả của phát triển điện than cùng với phát thải C02 và biến đổi khí hậu toàn cầu, từ đó, các nước xem xét lại chính sách năng lượng của mình, tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế.
Vài năm qua, công nghệ cũng đã cho phép giá năng lượng tái tạo về mức chấp nhận được, cho phép các nước đang phát triển như Việt Nam tiếp cận và khai thác công nghệ này.
Việt Nam đã khai thác được thủy điện, và đến lúc các bạn tính tới khai thác năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, sẽ không có chuyện năng lượng tái tạo và năng lượng điện than loại trừ nhau. Điều quan trọng là các bạn tạo nên một cơ cấu điện hợp lý, bổ sung lẫn nhau, bằng việc đầu tư nhiều hơn cho năng lượng tái tạo.
- Theo ông, làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển nhiều hơn cho các dự án năng lượng tái tạo?
- Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng đòi nguồn lực tài chính lớn. Điều quan trọng là thu hút được các nhà đầu tư, tổ chức tài chính nước ngoài cùng tham gia.
Thế giới rộng lớn, nhiều cơ hội và đồng tiền cũng như nước, sẽ chảy tới chỗ trũng, nơi có chính sách đầu tư thân thiện, dễ dàng. Các bạn có thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tới phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam bằng một khung chính sách rõ ràng, mà Quy hoạch điện 7 là một ví dụ tốt. Các bạn cũng cần thể hiện rõ trong chiến lược ấy sự ưu tiên cho năng lượng tái tạo, cung cấp các ưu đãi cho việc này.
Thông điệp đầu tư cho năng lượng tái tạo của Việt Nam mới được đưa ra một vài năm, và sẽ cần thời gian để thực sự thu hút được nguốn vốn lớn cho nó.
Sau Nhiệt điện Nam Định 1, Acwa cùng Fecon nghiên cứu đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Linh. |
- Năng lượng tái tạo vốn được xem là đắt đỏ, làm sao có thể cạnh tranh được với điện than, thưa ông?
- Đúng là điện gió hay điện mặt trời sẽ chỉ khai thác được ở một khoảng thời gian nhất định trong ngày, nhưng nó lại đáp ứng đúng khoảng thời gian cầu về điện cao nhất. Khác với điện than phải vận hành liên tục, nhà máy điện mặt trời chỉ hoạt động một số giờ nhất định, nên chi phí đắt đỏ.
Tuy nhiên, điện gió hay mặt trời lại rẻ ở chi phí nguyên liệu nếu so với điện than. Đó là chưa tính việc thời gian tới chi phí môi trường cũng nên được tính vào chi phí điện. Thế giới đã bàn nhiều về phí xả thải carbon và vẫn chưa biết định giá thế nào.
Tuy nhiên, nếu tính tổng thể các chi phí, cùng với sự phát triển công nghệ, thì giá thành sản xuất của điện than, điện khí hay năng lượng tái tạo là tương đương. Mỗi nước khi đó đều phải tập trung khai thác nguồn lực tài nguyên sẵn có của mình.
Giấy chứng nhận đầu tư Nhiệt điện Nam Định 1 vừa được trao cho Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ Nhất (liên doanh giữa tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) và Acwa Power (Saudi Arabia). Tổng vốn đầu tư toàn dự án là 2,3 tỷ USD, phát triển trên diện tích 242,71 ha tại xã Hải Châu và Hải Ninh, huyện Hải Hậu, Nam Định.
Chủ đầu tư sẽ thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.109,4 MW, bao gồm hai tổ máy với công suất khoảng 554.7 MW mỗi tổ máy. Ngày vận hành thương mại của Tổ máy 1 không muộn hơn 51 tháng sau ngày khởi công. Tiến độ xây dựng và vận hành thương mại không muộn hơn 57 tháng sau ngày khởi công.
Thời hạn vận hành của Hợp đồng BOT là 25 năm sau ngày vận hành thương mại của nhà máy điện.
Trước khi được trao giấy chứng nhận đầu tư, giữa các bên liên quan đã trải qua 10 năm đàm phán. Trong đó giai đoạn đầu, Taekwang hợp tác với một doanh nghiệp Hàn Quốc khác. Sau khi đơn vị này rút đi năm 2014, Acwa Power ngỏ ý muốn tham gia dự án.