Trước thực trạng một số quận, huyện tại Hà Nội yêu cầu xét nghiệm diện rộng đối với cả trẻ em dưới 5 tuổi những ngày qua, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã có ý kiến về vấn đề này.
Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết chủ trương của TP là xét nghiệm diện rộng, có trọng điểm để phát hiện F0, đánh giá chính xác mức độ nguy cơ, từ đó có cơ sở nới lỏng từng vùng, khu vực sau ngày 21/9.
Một số nơi làm "cứng nhắc"
Tuy nhiên, ông Tuấn nói việc huyện ngoại thành ở vùng xanh, hay một số phường tại các quận có nguy cơ dịch không lớn mà vẫn yêu cầu trẻ em dưới 5 tuổi xét nghiệm là "cứng nhắc".
"Việc xét nghiệm chỉ nên thực hiện đối với trẻ em trên 5 tuổi, bởi đây là độ tuổi hiếu động, có thể ra ngoài chơi, tiếp xúc với người khác nên có nguy cơ. Còn dưới 5 tuổi, các cháu nhỏ chủ yếu ở nhà với gia đình, nên xét nghiệm người lớn trong nhà là đủ", ông Tuấn nói với Zing.
Ông lấy ví dụ như phường Thanh Xuân Trung trong vùng đỏ, vẫn có ca cộng đồng thì xét nghiệm với cả trẻ em là cần thiết. Còn đối với khu vực vùng xanh, nhiều ngày qua không có ca nhiễm mới thì chỉ cần lấy mẫu đại diện hộ gia đình, không cần lấy mẫu cho trẻ nhỏ.
Lực lượng y tế lấy mẫu test nhanh cho trẻ em ở sân bay Nội Bài năm 2021. Ảnh: Việt Linh. |
Theo báo cáo của CDC Hà Nội tối 12/9 về kết quả xét nghiệm diện rộng, tiến độ của TP đang khá chậm so với kế hoạch đặt ra. Về xét nghiệm mẫu gộp RT-PCR, toàn TP mới lấy được 1,47 triệu mẫu trên tổng số 3,31 triệu kế hoạch đặt ra, đạt tỷ lệ 44%. Số trường hợp dương tính là 10, âm tính là gần 335.000. Khoảng hơn 1 triệu mẫu RT-PCR đã lấy từ ngày 8/9 đến nay chưa có kết quả.
Ngoài ra, tương quan về công suất lấy mẫu và năng lực xét nghiệm cũng chưa đảm bảo. Nhiều quận, huyện lấy được rất nhiều nhưng việc xét nghiệm lại đang chậm. Ba Đình đã lấy hơn 84.000 mẫu, Tây Hồ lấy được 66.000 mẫu, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Hà Đông cùng lấy được trên 40.000 mẫu nhưng đều chưa có kết quả.
Lý giải về việc này, ông Tuấn cho rằng đây là thực trạng khó tránh khi TP xét nghiệm hàng triệu mẫu trong thời gian ngắn. "Với sự hỗ trợ của 11 địa phương lân cận, TP đã đảm bảo tương đối trong công tác lấy mẫu. Song, việc xét nghiệm còn chậm do số lượng mẫu quá lớn, mà các địa phương cũng khó hỗ trợ TP trong công đoạn này", ông Tuấn nói.
Sẵn sàng phương án nới lỏng
Tại giao ban trực tuyến với sở, ngành, quận, huyện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều 12/9, vấn đề xét nghiệm trẻ em cũng được đưa ra thảo luận. Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu địa phương điều chỉnh ngay việc lựa chọn đối tượng xét nghiệm chưa phù hợp.
Theo ông Quyền, trong quá trình mời người dân đi xét nghiệm phải xem xét cụ thể, bởi hiện vẫn có thông tin phản ánh "có nơi mời các cháu nhỏ tuổi ra xét nghiệm".
"Phải rà soát lại đối tượng để đảm bảo đúng đối tượng theo hướng dẫn của Sở Y tế, để đảm bảo không bỏ sót F0 trong cộng đồng, nhưng cũng không tạo ra bức xúc trong dư luận", ông Quyền yêu cầu.
Một buổi xét nghiệm sàng lọc được tổ chức tại quận Đống Đa hồi cuối tháng 8. Ảnh: Đức Anh. |
Lãnh đạo Hà Nội giao sở, ngành TP và các địa phương rà soát, nghiên cứu, xây dựng ngay các phương án sau ngày 21/9, trong trường hợp TP nới lỏng một số hoạt động, nhằm đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế. "Các ngành kinh tế, dịch vụ phải sẵn sàng phương án, kịch bản chi tiết từ bây giờ", Phó chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu.
Theo kế hoạch xét nghiệm diện rộng được UBND Hà Nội ban hành ngày 8/9, dự kiến đến ngày 15/9, khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (2-3 ngày/lần). Khu vực có nguy cơ và các khu vực khác xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần).
Như vậy, Hà Nội còn 3 ngày nữa để hoàn thành 56% khối lượng công việc lấy mẫu RT-PCR và hàng triệu mẫu gộp đang chờ được xét nghiệm, chưa kể đến 66% lượng test nhanh chưa được thực hiện theo kế hoạch.