Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cây sưa tiền tỷ bị xà xẻo trong siêu bão

Sưa tặc đã lợi dụng đêm mưa bão và cưa trộm một cành của cây sưa 400 năm tuổi thuộc khuôn viên di tích quốc gia của đình Đông Cốc, Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Ngày 11/11, ông Nguyễn Văn Hiến (Chủ tịch UBND xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết, đêm 10/11 kẻ gian đã cưa trộm một cành của cây sưa có niên đại hơn 400 năm tuổi trong quần thể di tích đình làng Đông Cốc.

Ông Hiến cho biết thêm: “Lợi dụng đêm mưa bão, kẻ gian đã đột nhập cưa mất một cành của cây sưa 400 năm tuổi, tán rộng xum xuê ôm kín một phần mái đình, thân cây cao, đường kính thân phải đến 3 người ôm mới kín. Trong khuôn viên đình có 3 cây sưa cổ thụ trị giá hàng trăm tỷ đồng. Trong đó có một cây 400 năm tuổi, một cây sưa khoảng 50 năm tuổi và cây sưa 200 tuổi từng được rao bán 50 tỷ".

Cây sưa 400 năm tuổi bị trộm chặt cành trong đêm mưa bão.

Theo tìm hiểu, trong khu di tích đình Đông Cốc, năm 2007 dân làng thống nhất bán bớt 1 cây sưa và 1 nhánh cây sưa 400 tuổi được hơn 1 tỷ đồng lấy tiền trùng tu đình. Ngoài ra, đình Đông Cốc còn có 1 cây sưa 200 tuổi từng bị rao bán với giá 50 tỷ đồng vào cuối năm 2012.

Mới đây, một cây sưa ngoài cổng đình bị cưa trộm, người dân kịp thời phát hiện nên cây sưa chưa bị đốn hạ. Sau đó, BQL di tích cho đào cây sưa này lên, bán được 350 triệu đồng.

Trước đó, dư luận đã từng xôn xao về việc một cây sưa hơn 200 năm tuổi (đình Đông Cốc, xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) được rao bán với giá 50 tỷ đồng. Cũng có những người đã đánh tiếng hỏi mua, thậm chí, có người đặt cọc ngay 200 triệu đồng giữ chỗ.

Những người dân sống quanh khu vực cho rằng BQL di tích đã lén lút rao bán cây, vì họ thấy nhiều đoàn khách vẫn âm thầm vào xem cây, định giá.

Tuy nhiên trao đổi với PV,  ông Nguyễn Văn Ngư (trưởng thôn Đông Cốc) cho biết: "Từng có chuyện rao bán cây sưa cổ thụ, việc đó đã được các vị bô lão trong thôn đồng ý, BQL đình Đông Cốc thực hiện. Nhưng hiện giờ do có nhiều vấn đề nên đã không còn rao bán nữa và cây sưa vẫn nguyên vẹn". Về số tiền 200 triệu đồng đặt cọc, ông cho hay đã trả lại cho người đặt cọc.

Được biết khuôn viên đình Đông Cốc là di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia đã được xếp hạng từ năm 1992. Trong khuôn viên đình có 3 cây sưa cổ thụ trị giá hàng trăm tỷ đồng. Trong đó có một cây 400 năm tuổi có tán rộng ôm kín một phần mái đình, đường kính 3 người ôm; một cây sưa khoảng 50 năm tuổi, và cây sưa 200 tuổi từng được rao bán 50 tỷ.

Một số người dân thôn Đông Cốc  cho biết: "Cách đây chưa lâu, một cây sưa ở đình cũng bị kẻ gian cưa trộm. Song, quần chúng nhân dân kịp thời phát hiện nên cây chưa bị đốn hạ. Tuy vậy, kẻ trộm cũng đã kịp cưa trụi cành lá. Được thể, BQL di tích đã cho đào cây sưa này lên, sau khi bàn tán, BQL quyết định đem bán với giá 350 triệu đồng. Số tiền này được BQL đưa vào để tu sửa lại đình.

Một người dân lo lắng nhận định có lẽ chính vì “tiền lệ hợp lý” này mà người ta có ý tưởng lớn hơn là bán cây sưa 200 tuổi để sửa đình.

 

Lê Tú - Nhất Nam

Bạn có thể quan tâm