Chiều 30/5, cây phượng cổ thụ tại khuôn viên trường tiểu học Nguyễn Du, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, bật gốc.
Vụ việc xảy ra vào chiều cuối tuần, không có học sinh đi học nên không gây ra thương vong về người.
Cây phượng cổ thụ ngã trong sân trường tiểu học. Ảnh: Khang Vo. |
Gốc cây phượng có đường kính gần 1 m và chia thành 2 nhánh lớn. Cây cao hơn 12 m đang nở hoa đỏ rực. Sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo trường tiểu học đã cắt cành và thu dọn.
Ngày 31/5, bà Bùi Thị Vinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), cho biết thời điểm xảy ra cây bật gốc có xảy ra mưa lớn.
“Sau vụ cây đổ ở quận 3, TP.HCM, khiến một em tử vong và nhiều em khác bị thương, lãnh đạo trường tiểu học Nguyễn Du kiểm tra phát hiện cây phượng trên có dấu hiệu bất thường nên kiến nghị chặt bỏ. Tuy nhiên, nhà trường chưa kịp chặt thì cây bật gốc, tự đổ”, bà Ninh cho biết.
Trước đó, sáng 26/5, cây phượng cổ thụ trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng, quận 3 (TP.HCM) trốc gốc đè 18 em học sinh chuẩn bị vào lớp. Vụ việc khiến một em tử vong và 17 em bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Sáng và chiều 28/5, cây phượng đường kính khoảng 1 m, trong khuôn viên trường Cao đẳng công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và cây phượng cao khoảng 20 m bên cạnh trường đại học Văn Hóa TP.HCM (quận 9) đổ.
Trưa 29/5, cây phượng trong khuôn viên trường tiểu học Thái Hòa A, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, cũng bất ngờ trốc gốc. Cả 3 vụ cây đổ liên tiếp trong hai ngày trên may mắn không gây ra thương vong về người.
Trước tình hình trên, lãnh đạo nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt kiểm tra cắt tỉa cây xanh, thậm chí đốn hạ những cây có nguy cơ đổ để đề phòng tai nạn.