Đến nay, theo ước tính của ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục trồng trọt, có tới hơn 50% diện tích mắc ca sử dụng giống cây thực sinh và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất mắc ca trong những năm tới.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Mắc ca, từ vì sao đến như thế nào” do BizLIVE tổ chức sáng nay 14/4, ông Ngọc cho hay, để phát triển cây mắc ca, việc quan trọng nhất là phải quản lý giống thật hiệu quả. Hiện nay giống cây mắc ca trôi nổi trên thị trường rất nhiều, nhiều nông dân đã mua phải giống kém chất lượng.
Theo ước tính của ông Ngọc, có tới hơn 50% diện tích cây mắc ca sử dụng giống cây thực sinh, còn lại là cây ghép. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng cây sau này.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Nguyên Cục trưởng Cục trồng trọt phát biểu trong buổi tọa đàm. |
Ông Bùi Hữu Hòa, nông dân huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, một trong những nông dân thành công trồng cây mắc ca cho hay: gia đình ông trồng từ năm 2009, đến nay đã thu hoạch được với doanh thu năm 2014 là 295 triệu đồng. “Đây là một canh bạc thắng lớn của gia đình chúng tôi” – ông Hòa nói.
Nhưng ông Hòa thuộc một trong những hộ may mắn khi mua được giống có chất lượng. Nhiều nông dân đã mua phải giống, mắt ghép giả. Theo ông Hòa, bà con nông dân không để ý về giống, không nghiên cứu rất có thể sẽ mua phải cây mắt ghép giả.
Trên thị trường, do nhu cầu trồng mắc ca lớn nên xuất hiện rất nhiều đơn vị bán mắt ghép giả cho bà con, cây mắt ghép giả nhân rất nhỏ có giá khoảng 30.000 đồng/mắt ghép, mắt ghép thật có giá 70.000 đồng một mắt ghép. Nhưng mắt ghép thật chỉ 3 năm là cho trái trong khi mắt ghép giả 5-7 năm mới cho trái.
“Nhiều hộ dân trồng tới 5-7 năm không có trái, vốn lại vay ngân hàng, 5 năm không có thu nhập. Như vậy là coi như mất trắng. Cần phải khuyến cáo bà con về cây giống” – ông Hòa nói.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho hay, để có được sản phẩm mắc ca đồng đều, đạt chuẩn quốc tế, phải sử dụng giống đã được quốc tế nghiên cứu và đánh giá là giống có năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Theo ông Ninh, để sử dụng giống cho hiệu quả, bắt buộc phải quản lý giống chính cho chặt chẽ. Mắc ca được nhân giống vô tính từ các cây đầu dòng, do đó cơ quan quản lý phải quản từ các vườn cây đầu dòng. Chỉ những vườn được phê duyệt mới được dùng để lấy hom, ghép và sử dụng để sản xuất cây giống.
Những cây con khi lấy từ nguồn giống được công nhận, cũng phải được cơ quan chức năng đến thẩm định và cấp chứng nhận, rồi mới được lưu thông trên thị trường và đều phải được gắn nhãn mác.
Theo ông Ninh, những cây đầu dòng không được cấp chứng chỉ, cây con không được chứng nhận, sẽ không được đưa vào sản xuất. Những ai cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt. Cá nhân bị phạt thấp nhất 10 triệu đồng. Đồng thời toàn bộ cây và giống chưa hợp lệ sẽ bị tiêu hủy.
Ông Ninh cũng thừa nhận, việc hơn một nửa diện tích mắc ca sử dụng giống thực sinh thì là “một nguy cơ”. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ phải đi kiểm tra việc cấp chứng chỉ nguồn giống.
Ông Ninh khuyến cáo, những người mua giống có nguồn gốc không rõ ràng, sau 6-7 năm với chế độ chăm sóc tốt mà cây không kết trái nên cân nhắc có nên duy trì tiếp vườn cây này hay không?
“Nếu trót mua phải cây thực sinh, nông dân nên chuyển hóa những cây đã trồng sang cây trồng mắc ca rõ nguồn gốc bằng cách ghép cây, cành ghép, mắt ghép từ cây đầu dòng được cấp chứng chỉ công nhận” – ông Ninh nói.