Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cây lộc vừng 300 tuổi, cao 22 m ở miền Tây

Nằm khuất trong vườn nhà dân, lộc vừng cổ thụ khoảng 300 năm tuổi ở Hậu Giang đang thay lá để đâm chồi mới, chuẩn bị ra hoa.

Chiều 26/2, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang cùng chính quyền sở tại đến tìm hiểu về lộc vừng cổ thụ ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang). Nhiều cụ cao niên trong vùng cho biết cây này tự mọc trong vườn nhà dân, khoảng 300 tuổi.

1
Thân cây chính ở giữa đã mục, còn lại 2 nhánh phụ phát triển mạnh.

Cây mọc cách rạch Cây Vừng khoảng 150 m, trên đất của ông Lê Bé Ba. Theo cán bộ địa phương, cây cao khoảng 22 m, đường kính gốc khoảng 8 m. Thân cây chính đã mục từ lâu, hiện chỉ còn 2 nhánh phụ đang thay lá, đâm chồi mới, chuẩn bị ra hoa.

Bà Bùi Thị Ương (53 tuổi, vợ ông Bé Ba) cho biết từ nhỏ đã thấy thân cây chính rất to, cao sừng sững. Sau ngày 30/4/1975, thân cây chính ngã xuống vì gió bão, mục dần và 2 cây phụ cạnh bên tiếp tục phát triển xanh tốt.

"Trước đây khu vực này cỏ mọc um tùm, có ngôi miếu nhỏ để bà con trong vùng đến thắp hương vào 16/3 âm lịch hàng năm nhằm tạ ơn tiền nhân. Lúc đó dưới gốc cổ thụ có cặp rắn to làm hang ở, hay bò ra tắm nắng nhưng giờ không còn", bà Ương kể và cho biết hơn 10 năm trước chính quyền địa phương cho phép dân trong ấp xây miếu lớn hơn để thờ cúng.

2
Lộc vừng cổ thụ cao hơn 20 m.

Qua chuyến khảo sát chiều qua, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đánh giá lộc vừng này là cổ thụ quý hiếm, tuổi đời gắn với lịch sử khẩn hoang, khai phá vùng đất Long Thạnh.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương với người dân phải có biện pháp bảo vệ, chăm sóc để lộc vừng phát triển tốt. Tỉnh sẽ cùng cơ quan chức năng tiến hành các bước đề nghị công nhận cổ thụ này là Cây Di sản Việt Nam.

Gốc gừa cổ thụ gần 160 năm tuổi ở Cần Thơ

Nhiều du khách thật sự xúc động khi thấy trong khuôn viên Giàn Gừa hơn trăm tuổi còn có Đền thờ Bác Hồ và bàn thờ 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm