Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cầu vượt xây sau bức tâm thư bị người dân phớt lờ

Nhiều người dân, bệnh nhân Viện K (Tân Triều, HN) len lỏi giữa dòng phương tiện để tiết kiệm vài giây và phớt lờ cầu bộ hành Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo làm ngay cạnh đó.

Cây cầu bộ hành phục vụ bệnh nhân Viện K, cơ sở Tân Triều, Hà Nội vừa khánh thành và đưa vào sử dụng hôm 23/7.
Tuy nhiên, rất nhiều người dân và bệnh nhân sinh hoạt tại khu vực này đã phớt lờ công trình tốn nhiều tiền của và tâm huyết của những người xây dựng bằng cách đi bộ qua đường ngay sát chân cầu giữa dòng phương tiện đông như mắc cửi.
Vào giờ cao điểm, bệnh nhân và người nhà đi ăn, uống trà đá bên đường tấp nập, lưu lượng xe qua lại tại quốc lộ 70 luôn ùn ứ. Các ôtô phải giảm tốc độ đột ngột khi có nhiều người đi bộ vượt qua đầu xe.
Một phụ nữ cho biết, việc leo bộ mất thời gian nên chị băng qua đường để được nhanh hơn.
Khi được hỏi lý do, một người nhà bệnh nhân tâm sự, biết là nguy hiểm nhưng do vội, phải vào viện gấp để làm thủ tục hoặc điều trị cho kịp giờ.
Sáng 13/8, đại úy Nguyễn Tuấn Anh, cảnh sát Cầu Bươu (Công an huyện Thanh Trì) có mặt từ 6h30 để hỗ trợ phân luồng giao thông, tránh ách tắc trước cổng bệnh viện.
Anh cho biết, dù có cây cầu, tình trạng người dân phớt lờ, đi bộ qua đường cách đó chưa đầy 20 mét vẫn diễn ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ.
"Mặc dù thường xuyên nhắc nhở người đi đường nhưng không phải ai cũng nghe. Do vậy tôi chỉ còn cách tạm dừng các phương tiện ở cả hai chiều để giúp người dân sang đường được an toàn", đại úy chia sẻ.
Người cảnh sát vừa nhắc nhở người đi bộ ở phía trước mặt thì ngay phía sau lưng anh một bệnh nhân khác đã nhanh chân băng qua giữa các làn xe tấp nập.
Ông Đỗ Văn Gương (62 tuổi, bệnh nhân ung thư phổi) cho biết, lúc đông xe cộ ông đi lại bằng cầu vượt, khi vắng vẻ ông chạy ngang qua đường cho nhanh.
Rất ít người có ý thức sử dụng cầu bộ hành thường xuyên. "Cây cầu là món quà lớn cho người dân cũng như bệnh nhân ở khu vực này, xây dựng tốn nguồn kinh phí lớn của nhà nước để đảm bảo an toàn thì tại sao tôi lại không sử dụng. Chúng tôi có bệnh còn đang phải tốn công tốn của đi chữa chạy thì tội gì lại phải băng ngang đường mang thêm hiểm họa thêm vào thân", ông Phạm Minh Khoa (67 tuổi, quê ở Đông Hưng, Thái Bình) tâm sự.

Tháng 12/2014, cư dân mạng xôn xao với bức thư phản ánh tình trạng hàng ngày bệnh nhân và người nhà đang điều trị tại viện K rất khó khăn khi phải sang đường vì xe cộ đi lại rất đông, tốc độ cao trong khi không hề có phần đường dành cho người đi bộ. 

Tác giả bức tâm thư khẩn thiết mong Bộ trưởng Thăng nắm được tình hình này và "ứng" trước một cây cầu để làm ấm lòng những bệnh nhân đang từng ngày từng giờ phải chống chọi lại với những cơn đau do bệnh tật hành hạ.

Sau nửa năm nghiên cứu, khảo sát và lập dự án, thi công, ngày 23/7, cây cầu vượt bộ hành chính thức khánh thành đưa vào sử dụng trong niềm vui của nhiều người dân quanh vùng.

Cây cầu Bộ trưởng Thăng chỉ đạo làm sau bức tâm thư

Cuối năm 2014, người nhà bệnh nhân viện K (Tân Triều, Hà Nội) gửi bức tâm thư cho Bộ trưởng Thăng "xin" một cây cầu qua đường. 8 tháng sau cầu vượt bộ hành ra đời.

Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm