Trong sự tĩnh lặng của Real Madrid, sự thờ ơ của PSG, sự sa sút tài chính của các CLB Serie A và cuộc khủng hoảng tài chính Barcelona chịu đựng, những bản hợp đồng đáng chú ý nhất mùa hè qua có vẻ đến từ Anh. Nhìn lướt qua, trong 5 bản hợp đồng lớn nhất, tất cả đều dính đến các đội ở Premier League, với 2 người đi và 3 kẻ đến.
Nước Anh không còn là kinh đô mua sắm cầu thủ
Lớn nhất là Man City bán chân sút Julian Alvarez cho Atletico Madrid giá 75 triệu euro (chưa tính phụ phí). Tiếp theo là Tottenham mua trung phong Dominic Solanke từ Bournemouth với giá 64,3 triệu euro; Man Utd chiêu mộ trung vệ Leny Yoro từ Lille với giá 62 triệu euro; Chelsea mua tiền đạo Pedro Neto từ Wolves với giá 60 triệu euro, ngang với bản hợp đồng mà Aston Villa bán tiền vệ Moussa Diaby cho Al Ittihad của Saudi Arabia.
Cộng với những vụ việc Chelsea giải cứu Sandro Sancho từ Man Utd hay Arsenal chiêu mộ Raheem Sterling từ Chelsea xuất hiện dày đặc trên báo Anh, người ta cảm tưởng Premier League là trung tâm các vụ chuyển nhượng, giải Ngoại hạng Anh là nơi thu hút các ngôi sao sáng nhất trong mùa hè này.
10 bản hợp đồng lớn nhất mùa hè này. |
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra thì có lẽ tình hình không hẳn thế. Trong 10 vụ chuyển nhượng lớn nhất hè này, chỉ có 4 vụ mà người mua là các CLB Anh. Đáng chú ý trong số đó chỉ có 1 vụ là CLB của Anh nhập cầu thủ từ bên ngoài (vụ Man Utd mua Yoro), còn 3 vụ kia chỉ là giao dịch trong nước.
Ngược lại, trong 10 vụ chuyển nhượng lớn nhất có 3 vụ Anh xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài. Ngoài vụ Man City bán Alvarez cho Atletico, Aston Villa bán Diaby cho Al Ittihad còn có vụ Crystal Palace bán Michael Olise cho Bayern Munich với giá 53 triệu euro.
Trong khi đó, các vụ của Sterling, Sancho chỉ là luân chuyển cầu thủ giữa các đội bóng ở giải Ngoại hạng theo kiểu cũ người mới ta. Như vậy, về cơ bản Prermier League mùa giải này cũng không có nhân tố mới làm bùng sức ảnh hưởng.
Bản hợp đồng nhập khẩu lớn nhất giải Ngoại hạng Anh là Yoro của Man Utd, nhưng mấy ai biết đến tên tuổi hậu vệ này trước đây. Năm ngoái, Yoro còn chơi ở đội B của Lille và đến giờ vẫn chưa được thi đấu cho tuyển Pháp.
Cầu thủ giỏi rời khỏi nước Anh
Không chỉ Yoro mà gần như tất cả ngôi sao được nhập khẩu tại Premier League mùa này đều không sáng. Không ai có được sự lấp lánh như Real Madrid chiêu mộ Kylian Mbappe từ PSG dù giá 0 đồng.
Nếu bỏ qua tiêu chí giá trị chuyển nhượng được giao dịch mà tính theo định giá thực tế cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng, Premier League càng đuối. Theo tiêu chí 11 cầu thủ giá trị nhất được mua bán mùa này (số 1 là Mbappe được định giá 180 triệu euro), chỉ có 2 vụ chuyển nhượng mà đích đến là giải Ngoại hạng Anh. Không tính vụ Neto từ Wolves đến Chelsea, chỉ còn 1 vụ Premier League nhập khẩu cầu thủ là Man Utd mua De Ligt từ Bayern Munich.
Tại sao các CLB Anh không còn tham gia vào các vụ chuyển nhượng bom tấn, dù là mua cầu thủ theo số tiền chuyển nhượng hay thu hút cầu thủ được định giá cao?
Vấn đề là các CLB lớn đã ổn định nhân sự. Man City, Arsenal và Liverpool là 3 đội bóng chơi thành công nhất 2 mùa gần đây đều gần như tĩnh lặng trên thị trường chuyển nhượng.
11 cầu thủ giá trị thực tế cao nhất chuyển nhượng trong mùa hè này |
Liverpool hài lòng khi mua Federico Chiesa từ Juventus giá 11,8 triệu euro và thủ môn Giorgi Mamardashvili từ Valencia với giá 29 triệu euro. Arsenal đóng két sau khi mua Mikel Merino từ Sociedad với giá hơn 32 triệu euro và hậu vệ Riccardo Calafiori hơn 39 triệu euro từ Bologna.
Man City ngoài mua Savinho 25 triệu euro từ Troyes chỉ đón lại Ilkay Gundogan giá 0 đồng. Thậm chí, Man City còn kiếm về 187 triệu euro từ bán cầu thủ trong hè này, lãi ròng hơn 162 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng.
Động thái của Man City còn thể hiện những lo ngại trước luật công bằng tài chính đang treo lơ lửng. Từ tấm gương của Man City, các đội Arsenal và Liverpool cũng tiết chế trong việc mua bán.
Nhiều cầu thủ từng tới nước Anh vì mức lương cao nhưng giờ lại có nơi khác đáp ứng tốt hơn. Ngoài Diaby chia tay Aston Villa, rời Champions League sang Al Ittihad lại có thêm Ivan Toney không tha thiết đến Man Utd hay Arsenal để chuyển tới Al Ahli, Joao Cancelo rời Man City đến Al Hilal...
Chỉ riêng Man Utd và Chelsea vẫn còn nhiệt huyết trong việc mua bán cầu thủ do thành tích gần đây không tương xứng với vị thế của họ. Nếu không có hai đội bóng này chịu chi nhiều tiền và xả hàng giá rẻ, thị trường mua bán cầu thủ Anh sẽ còn ảm đạm hơn nữa.
Cuốn sách “Leading: Learning from Life and My Years at Manchester United” được Sir Alex Ferguson viết chung với Michael Moritz xuất bản năm 2015 đem tới kinh nghiệm sống quý báu cho bất kỳ ai.