Thông tin cầu Mỹ Lợi (sông Vàm Cỏ, nối hai tỉnh Long An - Tiền Giang) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29/8 khiến người dân miền Tây háo hức, vui mừng vì không còn cảnh “qua sông lụy phà”.
Theo dữ liệu bản đồ, người dân khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang đi lên TP HCM và ngược lại rút ngắn được khoảng cách đáng kể.
Sơ đồ minh họa tuyến đường TP HCM - Gò Công theo 2 hướng: quốc lộ 1A và quốc lộ 50. |
Nếu tính từ các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang như Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Tân Phú Đông… thì theo quốc lộ 50, người dân chỉ mất khoảng từ 25 km đến khoảng 50 km (tùy huyện) để đến địa phận TP HCM (cầu Ông Thìn - xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM).
Sơ đồ cầu Mỹ Lợi. |
Từ trung tâm TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đi TP HCM, ngoài hai tuyến đường chính trước nay người dân vẫn thường đi là quốc lộ 1 và đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, nay có thể đi theo quốc lộ 50 (tỉnh Tiền Giang), qua cầu Mỹ Lợi và đi tiếp theo quốc lộ 50 qua địa phận tỉnh Long An (khoảng 25 km) để vào TP HCM.
Ngược lại, người dân từ TP HCM (đặc biệt là người dân ở các quận, huyện phía Nam TP HCM như Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7) muốn đi về Tiền Giang cũng có thể đi theo quốc lộ 50, qua cầu Mỹ Lợi này để tiết kiệm thời gian.
Hiện nay, quốc lộ 50 đoạn qua Tiền Giang hiện đã được mở rộng nên đi lại rất thuận lợi.
Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) - chủ đầu tư dự án, cầu Mỹ Lợi có chiều dài tổng cộng hơn 2,6 km bắc qua sông Vàm Cỏ (phần cầu dài hơn 1,4 km).
Cầu Mỹ Lợi được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 1.438 tỷ đồng. Bề ngang cầu rộng 12 m với 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Toàn cảnh cầu Mỹ Lợi nhìn từ sông Vàm Cỏ. |
Thông tin thông cầu Mỹ Lợi cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhóm “phượt” trẻ từ TP HCM đi về các tỉnh miền Tây.
Theo quốc lộ 50 từ TP HCM tới Tiền Giang, các nhóm phượt có thể ghé thăm Lăng Hoàng Gia được xây dựng trên gò Sơn Quy (thị xã Gò Công) nơi thờ dòng họ Phạm Đăng, trong đó có mộ ông Phạm Đăng Hưng (cha của hoàng thái hậu Từ Dũ, ông ngoại vua Tự Đức), thăm vùng trồng sơ ri Gò Công hay ghé thăm bãi biển Tân Thành (Gò Công).