Bố già không chỉ là bộ phim tình cảm gia đình mang đến nhiều tiếng cười lẫn nước mắt, mà còn gieo vào lòng người xem nhiều trăn trở.
Là một người bố, Ba Sang (Trấn Thành) sớm nhìn ra những hệ quả không hay trong cuộc sống của Quắn - con trai mình. Bộ phim chỉ ra lỗ hổng lớn trong tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của Ba Sang cũng như không ít gia đình. Thay vì để con tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình, sự hy sinh của Ba Sang đã vô tình khiến Quắn trở thành một đứa con bất hiếu.
Ba Sang chấp nhận điều tiếng, cực khổ vì con. |
Nhìn xa hơn, sự hy sinh ấy chẳng những không “củng cố” được điều gì, trái lại còn đánh mất ý chí đối mặt và khả năng tự vệ của Quắn trước những thử thách khắc nghiệt trong cuộc đời. Sự hy sinh từ bố mẹ vốn thiêng liêng, nhưng khi không được đặt đúng nơi, đúng việc, phải chăng cũng sẽ trở thành một loại độc dược hủy hoại “sức đề kháng”, thậm chí chính cuộc đời những đứa con của mình?
Giống như một chiếc kính vạn hoa, các khía cạnh của sự hy sinh được đan cài khéo léo trong phim, không chỉ dừng lại ở riêng bố con Ba Sang mà còn len lỏi trong nhiều nhân vật và các mối quan hệ khác nhau.
Cuộc đời Ba Sang luôn hy sinh vì con cái, sống vì người xung quanh. |
Trong tình yêu của Ba Sang và Cẩm Lệ, sự hy sinh chính là một con dao hai lưỡi, giết chết một khoảng thời gian dài lẽ ra được vô tư và hạnh phúc bên nhau. Ở Cẩm Lệ, sự hy sinh như một món quà đính kèm của lòng chung thủy, khi cô không màng danh phận hay điều tiếng để chăm sóc gia đình ông Sang từng cái quần, tấm áo.
Thế nhưng, dường như món quà đính kèm này cũng đã lấy đi ở Cẩm Lệ thời gian cho bản thân cùng những mong ước yêu đương vô cùng đơn giản, khi Ba Sang hết lần này đến lần khác đều tìm cách chối từ tình cảm chân thành của cô.
Cẩm Lệ cũng đã hy sinh rất nhiều. |
Như vậy, chẳng nhẽ Ba Sang không thương Cẩm Lệ? Thương nhiều là đằng khác. Nhưng vì cái “máu hy sinh”, ông tự nguyện chôn vùi những cảm xúc yêu thương lẽ ra nên sớm được tỏ bày, với một lý do chẳng biết nên thương hay trách: “Tui biết thằng con tui nó nói đúng, tui không muốn ai phải chịu đựng vì mình”.
Vô tình, sự hy sinh của Ba Sang đã cướp đi quyền yêu và được yêu của Cẩm Lệ (Lê Giang) - người phụ nữ vốn đã luôn sẵn lòng đồng cam cộng khổ cùng ông.
Thế nhưng, phim cũng có những sự hy sinh rất đẹp. Đó là cái quỳ gối của Quắn trước bà Hai Giàu. Trước đó, bà là một trong những người thân mà Quắn luôn tỏ ra căm ghét nhất bởi những ký ức tuổi thơ không mấy vui vẻ. Thế nên, khoảnh khắc một người đàn ông quyết đoán, cá tính mạnh như Quắn chấp nhận hy sinh lòng tự trọng của mình, quỳ gối cầu xin bà Hai Giàu cứu lấy ông Sang, đã để lại nhiều rung cảm.
Có thể thấy, dường như bất cứ ai trong Bố già đều tình nguyện uống độc dược mang tên hy sinh ấy, từ ông Sang, đến Quắn, rồi cả Cẩm Lệ. Vì đơn giản, chất độc ấy được “nung nấu” từ chính tình yêu thương sâu đậm mà các nhân vật dành cho nhau. Hẳn điều đó cũng là lẽ thường tình. Bởi khi chúng ta càng yêu thương nhiều sẽ càng có xu hướng sẵn sàng hy sinh tất cả những gì tốt đẹp nhất của bản thân cho họ.
Bố già phiên bản điện ảnh đang khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc. |
Từ tiền đề ấy, Bố già mang đến nhiều điều hơn thế khi đã nhìn sự hy sinh dưới nhiều góc cạnh, trong nhiều hệ quy chiếu. Hóa ra, sự hy sinh không còn gói gọn trong những ý nghĩa mang tính tích cực mà dần dần mở ra nhiều mảng màu có phần tối.
Để từ đó, bộ phim khiến nhiều người, với nhiều vai trò khác nhau trong gia đình, có cơ hội đứng ở những góc khác nhau, nhìn vào các mối quan hệ và suy ngẫm: Với những người đang làm bố, làm mẹ, liệu chúng ta có đang hy sinh sai cách? Và những người con, phải chăng nên biết cách từ chối sự hy sinh từ bố mẹ để học cách sống cuộc đời của chính mình?
Bình luận