Giáo dục sau phổ thông giờ đây như một lỗi hẹp chỉ dành cho những người có điều kiện kinh tế. Ảnh: Pexels. |
Hannah Simmons (18 tuổi) đã rất phấn khích khi được nhận vào khoa Tiếng Anh của Đại học Manchester. Giờ đây, cô phải cân nhắc lại quyết định học đại học của mình vì chi phí học đại học đang đội lên chóng mặt. Vẫn quyết định sẽ đi học đại học, Hannah cũng đang có kế hoạch làm song song một số công việc bán thời gian để kiếm tiền đi học.
Bên cạnh học phí, sinh hoạt phí ngày một tăng, lãi suất nợ sinh viên ngày một cao cũng tạo nên cuộc khủng hoảng chi phí không nhỏ tại Anh, theo Vice.
Khủng hoảng sinh hoạt phí
Một cuộc khảo sát hồi tháng 2 tại Anh cho biết 80% sinh viên được hỏi đều lo lắng về chi phí năng lượng khi thuê nhà. Ước tính, 62% sinh viên cho biết mình gặp vấn đề tâm lý vì lo lắng về chi phí sinh hoạt. Trong khi đó, 32% học sinh tốt nghiệp cấp 3 cho biết muốn đi làm thay vì học đại học do lo ngại chi phí, theo một cuộc thăm dò của Indeed.
Nhiều người không muốn học cao hơn chỉ vì lo ngại chi phí. Ảnh: Wall Street Journal. |
Alice (25 tuổi, chuẩn bị bước vào năm cuối chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ Khoa học Xã hội) cũng không chắc mình có đủ tài chính cho tương lai lâu dài sắp tới hay không. Dù chỉ còn một năm nữa là hoàn thành chương trình học, Alice cũng không chắc liệu mình có thể làm được hay không, khi chi phí sinh hoạt gây ra áp lực không nhỏ lên cô.
"Luôn mơ được làm tiến sĩ nhưng áp lực từ khủng hoảng chi phí khiến tôi tự hỏi rằng liệu nó có thực sự đáng hay không, khi mà bây giờ, tôi phải cắt giảm quá nhiều thứ cho cuộc sống của mình. Thậm chí tôi còn phải kiếm tiền và không có thời gian cho việc học tiến sĩ", Alice nói.
Lucy Yates (sinh viên năm cuối ngành Địa lý tại Đại học Sussex) cho biết cô phải chuyển về sống cùng bố mẹ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Nghĩ về tiền lương sau khi tốt nghiệp, Lucy từng lạc quan bao nhiêu thì giờ đây, cô chán nản bấy nhiều vì cảm thấy số tiền nhận lại không đáng với công sức bỏ ra.
"Nếu 2 năm trước chi phí học đại học đắt đỏ như bây giờ, chắc chắn tôi đã không thể vào đại học và có thể nộp đơn đi làm gì đó. Học đại học với tôi mất nhiều thời gian hơn và cũng không mang lại cho tôi sự khác biệt lắm, ít nhất là ở thời điểm hiện tại", Lucy bày tỏ.
Beth Gibbs (18 tuổi, đến từ một gia đình không mấy khá giả) sẽ học việc tại một công ty truyền thông thay vì học đại học. Bỏ qua sự ghen tỵ với bạn bè được học đại học, Beth tự nhủ rằng mình đang kiếm được số tiền tương tự các sinh viên đã tốt nghiệp nhưng không cần trải qua quá trình đào tạo quá dài hơi.
Đường học ngày càng hẹp
Hiệu ứng lan truyền của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt lên đối tượng sinh viên không chỉ nằm trong lý thuyết hay tưởng tượng. Theo số liệu của Liên minh Sinh viên Anh quốc (NUS) và tổ chức tài trợ nhà ở Unipol, giá thuê nhà cho sinh viên đã tăng tới 61% trong năm 2011-2012 và 16% trong năm 2018-2019. Mặc dù vậy, rất nhiều sinh viên vẫn có thể bị cấm vay các khoản vay sinh viên nếu không đạt điểm Toán và tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học (GCSE).
Các khoản vay sinh viên hiện nay ưu tiên dành cho đối tượng sinh viên không khá giả, tuy nhiên nó không đủ. Theo Tom Allingham, Trưởng ban biên tập của trang Save the Student, các khoản vay chỉ đủ chi trả học phí, sinh hoạt phí thì không đủ. Ngoài ra, những khoản thiếu hụt sinh viên phải bù vào hàng tháng đã tăng gần gấp đôi trong vòng 2 năm qua. Vì vậy, ông cho rằng chính phủ cũng như các trường đại học cần có những kế hoạch cụ thể để hỗ trợ cho sinh viên.
Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo. Nó còn là nơi mọi người gặp gỡ bạn mới, học cách trưởng thành và chuẩn bị cho cuộc sống tương lai. Đó không phải là nơi để sinh viên phải lo lắng và làm thêm quần quật vì không có gia đình hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, giờ đây, có vẻ trường đại học đang dần trở thành một con đường hẹp chỉ dành cho số ít những học sinh khá giả.