Sáng 24/3, thi thể các lao động Việt tử vong tại Thái Lan vẫn chưa được đưa về quê mai táng. Người thân, hàng xóm quê nghèo Hà Tĩnh đứng ngồi không yên, mong ngóng tin tức và thời khắc nạn nhân được đưa về với đất mẹ.
Từ đầu làng, nơi nạn nhân Nguyễn Thị Thu sinh sống, người dân thôn Dư Nại, xã Xuân Lộc đã tập trung đông đủ, phụ giúp gia đình dựng rạp, chuẩn bị những thứ cần thiết cho việc đón thi thể người xấu sổ về mai táng.
Bà Tam ôm đứa cháu 5 tuổi kể về người con dâu gặp nạn. Ảnh: Phạm Trường. |
"Mẹ ơi mẹ ở đâu?"
Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, mái ngói chỗ mất chỗ còn, bà Nguyễn Thị Tam (67 tuổi, mẹ chồng chị Thu) ôm chặt cháu gái 5 tuổi vào lòng, không nói được lời nào. Người phụ nữ qua tuổi lục tuần với đôi mắt đỏ hoe, cứ ngóng ra ngoài ngõ.
Trong vòng tay bà nội, thấy sự có mặt của nhiều người lạ ở nhà, Lê Nguyễn Thanh Ngân, đứa cháu gái 5 tuổi của bà Tam, tỏ ra rụt rè.
Hôm trước cô bé còn ríu rít khoe mẹ những chiếc bé ngoan cô giáo tặng và bảo mẹ sinh thêm em bé, thì nay em sẽ mãi không còn được nói chuyện với mẹ, không thể thấy mẹ cười nói với em mà chỉ lặng nhìn mẹ qua tấm di ảnh trên ban thờ.
Chị Thu là người thôn bên, 5 năm trước cô kết duyên với anh Lê Đình Kiên, con trai thứ 3 của bà Tam ở thôn Dư Nại. Lấy nhau, cặp vợ chồng về sống cùng bố mẹ, rồi có cô con gái đầu lòng. Người dân thôn quê đánh giá Thu là người ngoan hiền, chịu khó, chưa mất lòng ai. Cuộc sống khó khăn, người chồng để vợ và con gái ở nhà rồi qua Thái Lan lao động thời vụ kiếm thêm tiền thu nhập.
Người dân phụ giúp gia đình dựng rạp và chuẩn bị đón thi thể nạn nhân về quê mai táng. Ảnh: Phạm Trường. |
Thấy chồng vất vả, cô gái sinh năm 1990 xin qua Thái Lan làm nhà hàng để có thêm thu nhập phụ giúp chồng. Trước khi đi, nữ nạn nhân mang thai tháng thứ 2. Một tháng đi làm xa, hộ chiếu theo hình thức du lịch hết thời hạn, nữ nạn nhân cùng nhiều lao động người Việt khác đi làm thủ tục xuất nhập cảnh để tiếp tục ở lại Thái Lan.
Trước khi khởi hành, cô gọi cho mẹ chồng và con gái thông báo về chuyến đi và sẽ gọi lại khi trở về. Đó là lần cuối mẹ con Thu trò chuyện cùng nhau.
Chiều hôm 23/3, bà Tam đang cùng cháu gái ngồi chơi với giữa sân, nghe tin con dâu gặp nạn, bà quỵ xuống giữa sân, ôm chặt cháu gái. Người thân, hàng xóm tới dìu bà vào nhà động viên, phụ lo đón thi thể về mai táng.
“Ngày thường, vợ chồng nó vẫn gọi điện nói chuyện với con gái và động viên bố mẹ ở nhà giữ sức khỏe và nói khoản nợ 200 triệu vay xây nhà sẽ sớm gom góp đủ. Còn con bé cứ gặp mẹ là lại đòi mẹ sinh em bé. Tối hôm qua không thấy mẹ gọi về, nó khóc và cứ hỏi mẹ ở đâu, sao không gọi điện về...”, bà Tam nghẹn ngào.
Chỉ biết ôm nhau khóc, đợi thi thể người thân
Tại thôn Chùa, xã Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh) hôm nay u ám hơn ngày thường. Căn nhà chị Tô Thị Hợi (34 tuổi, vợ nạn nhân Trần Văn Nhật) cạnh con đường liên thôn vừa được xây mới, xuất hiện nhiều người.
Từ ngoài cổng, vài nhóm người tập trung lại, câu chuyện của họ không gì khác ngoài vụ tai nạn ở Thái Lan khiến 5 lao động Việt tử vong, thi thể chưa đưa về quê nhà.
Vợ nạn nhân Trần Văn Nhật gào khóc gọi tên chồng. Ảnh: Phạm Trường. |
Ngồi bệt bên góc tường căn nhà được xây nhiều năm, chị Hợi nấc nghẹn từng hồi. Người vợ vừa mất chồng cho biết chị gái chồng cùng người thân đang trên đường sang tỉnh Kanchanaburi (Thái Lan), làm thủ tục để nhận thi thể. Dự kiến chiều mai, 25/3, lực lượng chức năng mới cho phép đưa về quê mai táng.
Anh Nhật là con thứ trong gia đình có 5 anh chị em, hiện có con gái đầu 6 tuổi và con trai út 3 tuổi. Cuộc sống khó khăn, mẹ già đau yếu, để có tiền lo cho gia đình, 3 năm trước, anh Nhật rời quê hương, sang Thái Lan làm thuê.
Người vợ nói chồng qua Thái Lan làm tự do hoặc rửa bát cho các nhà hàng với mức lương khoảng 7 triệu đồng/ tháng. Mỗi năm, người chồng chỉ về hai lần vào dịp giỗ bố và Tết.
“Anh ấy làm được bao nhiêu cũng chi tiêu ít rồi gửi hết về cho gia đình. Ngày nào cũng thế, anh ấy làm xong rồi gọi về động viên vợ con ăn uống đầy đủ, không được suy nghĩ nhiều về chuyện kinh tế…”, chị Hợi kể.
Chị Trần Thị Hiếu (36 tuổi, chị gái nạn nhân) cho biết từ chiều qua nhiều người trong gia đình đọc thông tin trên mạng thấy việc nhóm người lao động Việt bị tai nạn rơi xuống kênh, lo sợ có em trai mình nên chị gọi sang cho bạn bè, nhờ họ chụp hình nhận dạng.
Người dân thôn Chùa bàng hoàng trước cái chết những lao động Việt ở Thái Lan. Ảnh: Phạm Trường. |
“Tôi không nghĩ sẽ có nó, thấy bạn bè gửi hình về nhận dang, cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc. Giờ chỉ chờ đưa thi thể em nó về an táng cho đỡ lạnh lẽo”, chị Hiếu nói.
Ngoài hai nạn nhân ở Hà Tĩnh, cơ quan chức năng xác định có nạn nhân Phan Văn Sơn (SN 1992, chưa rõ quê quán) và Phạm Thị Thùy Dung (SN 1997, quê Quảng Bình), 2 nạn nhân Đoàn Thị Bích (số hộ chiếu: C6686337, chưa rõ quê quán).
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã liên hệ với các cơ quan chức năng tỉnh Kanchanaburi thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam và sở tại chuẩn bị thủ tục giải quyết hậu sự cho các nạn nhân, đưa thi hài về nước. Đại sứ quán cũng làm việc với công ty vận tải trong vụ tai nạn, yêu cầu có biện pháp hỗ trợ tài chính cho các gia đình nạn nhân.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tiếp tục theo sát vụ việc. Bộ Ngoại giao cũng đã yêu cầu Bộ Công an thực hiện công tác xác minh nhân thân các nạn nhân và sẽ thông tin ngay cho địa phương liên quan, gia đình nạn nhân, để phối hợp giải quyết hậu sự cho các nạn nhân.Đường dây nóng trợ giúp của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan: +66 89 896 6653 hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ Công dân: +84 981 84 84 84.
Trưa 23/3, ôtô khách 16 chỗ chở theo nhóm lao động nước ngoài của công ty CPS đi về từ cửa khẩu Phunamron, biên giới Myanmar để đóng dấu nhập cảnh mới cho hộ chiếu. Khi xe đi đến ngã tư huyện Tha Muang, tỉnh Kanchanaburi (Thái Lan) thì bất ngờ bị container đâm từ phía sau.
Vụ va chạm khiến cả hai xe và 16 hành khách rơi xuống kênh nước sâu bên đường làm 8 người chết, 6 người bị thương, 2 người còn mất tích. Trong số 5 nạn nhân là người Việt được xác định tử vong có 2 người quê Hà Tĩnh.
Thi thể nạn nhân hiện ở bệnh viện Tha Muang (Thái Lan) chờ hoàn tất thủ tục để đưa về nước mai táng.