Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cầu dây văng không phép chờ… sập

Hồ sơ đề nghị xây cầu không được duyệt nhưng điều trái khoáy là cầu vẫn được xây xong rồi đưa vào khai thác với trạng thái… lắc lư.

“Tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm tra lại hồ sơ thủ tục, phương án gia cố cầu Chùa Nổi (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng) để đảm bảo an toàn trong khai thác. Tỉnh cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan khi để xây dựng cầu không phép”. Ông Lê Minh Đức, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An cho biết.

Cầu dây văng Chùa Nổi bắc qua sông Vàm Cỏ Tây dài gần 170 m. Đây là một trong những cầu dây văng dài nhất Long An hiện nay. Kinh phí xây cầu là hơn 1,3 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn do ban hộ tự Chùa Nổi vận động người dân địa phương đóng góp. Cầu đã được khai thác khoảng 5 năm.

“Nín thở” qua cầu

Hiện mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe qua lại cây cầu trên, trong đó nhiều người là các em học sinh. Những lúc cao điểm như tết, rằm thì lượng người qua cầu còn tăng cao do khách thập phương đến viếng chùa.

Theo quan sát của PV, cây cầu dài, cao nhưng khá mảnh mai. Nhiều vị trí trên trụ cầu sắt lồi ra, các móc nối dây văng với cầu rất tạm bợ. Ở phía dưới chân cầu thì không có các trụ chống va mà chỉ có vài cọc xi măng cắm tạm... Mỗi lần có nhiều xe đi qua là chiếc cầu rung lên.

Thật khó tưởng tượng cây cầu này được xây dựng “chui”.
Thật khó tưởng tượng cây cầu này được xây dựng “chui”.
Thật khó tưởng tượng cây cầu này được xây dựng “chui”.
Thật khó tưởng tượng cây cầu này được xây dựng “chui”.

“Lúc đó, khi có người đến vận động xây cầu, người dân chúng tôi mừng lắm. Nếu xây cầu thì chúng tôi không phải qua sông bằng đò vừa nguy hiểm, lại bất tiện. 

Vì vậy, chúng tôi đã đóng góp ngay, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ai dè cầu gì mới xây xong đã xuống cấp, đi qua nó rung như cầu… khỉ. Nhiều người dân sợ lắm nhưng chỉ có mỗi cầu này nên đành phải “nín thở” qua cầu” - bà Bùi Thị Cúc, một người dân địa phương, cho biết.

Theo ông Tô Văn Đẹp - Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình, sợ cầu không đảm bảo an toàn, những lúc cao điểm xã phải cử người canh gác để điều tiết xe qua cầu. Xã còn điều thêm sà lan để tránh quá tải cho cầu. 

“Tôi mới đi khảo sát ở cầu này và thấy sợ thì nói gì người dân” - ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, nói với PV.

“Tưởng cầu được phép xây”

Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Hưng, công trình cầu Chùa Nổi do nhà chùa làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiện Tâm (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM). Đơn vị lập hồ sơ thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Chứng khoán Kinh doanh Địa ốc Đại Kiến Nam.

Theo ông Thích An Phát - trưởng ban hộ tự Chùa Nổi (Cổ Sơn tự), năm 2010, Công ty Thiện Tâm gặp ông ngỏ ý xây cầu từ thiện. 

“Tôi thấy việc xây cầu sẽ giúp ích cho học sinh, người dân nên vận động kinh phí làm. Tôi cứ nghĩ Công ty Thiện Tâm làm từ thiện nên để họ thiết kế, thi công cầu” - ông Phát nói.

Ông Phát kể ban đầu công ty này nói kinh phí xây là 800 triệu đồng nhưng sau đó chốt con số cuối cùng là hơn 1,3 tỷ đồng

“Ai ngờ họ làm không đúng hợp đồng. Chẳng hạn, họ cắt sắt quá ngắn rồi hàn nối lại, phần vỉ sắt yêu cầu to nhưng lại dùng sắt nhỏ. Ngoài ra, hợp đồng ghi công trình có bốn trụ chống va song sau khi nhận đủ tiền xây cầu thì đơn vị thi công không làm. Nhà chùa đã nhiều lần liên lạc, yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng nhưng không được… 

Lúc thi công, nhiều cơ quan nhà nước yêu cầu đình chỉ rồi cho thi công tiếp. Nhưng tóm lại công trình này có phép” - ông Phát khẳng định.

Được biết do cầu liên tục xuống cấp nên UBND huyện Vĩnh Hưng đã chi tiền để gia cố cầu. Hiện cầu này do UBND xã Tuyên Bình quản lý. 

Ông Tô Văn Đẹp, Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình, nói xã biết việc Công ty Thiện Tâm “biến mất” khi chưa hoàn thành hợp đồng nhưng không rõ công ty này ở đâu, cầu xây có phép hay không. Liên hệ với một lãnh đạo huyện Vĩnh Hưng thì vị này nói “tưởng đâu cầu đó đã được cấp phép”.

Các sự cố cầu dây văng ở Long An

Cầu Bình Phong Thạnh dài khoảng 130 m, bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (huyện Mộc Hóa) là cầu dây văng lớn nhất tỉnh Long An. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Xây dựng VBR (TP HCM) tư vấn thiết kế. Công trình đang thi công thì bị sụt mố nên phải tạm dừng. Công ty VBR cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố là do vốn ít nên chỉ khoan một lỗ thăm dò địa chất.

Trước đó, ngày 27/5, cây cầu dây văng bắc ngang qua kênh 28 thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng (vốn đầu tư 2,4 tỷ đồng) đưa vào sử dụng chưa đầy nửa tháng cũng bị sụp móng và đổ sập phân nửa. Nguyên do ở công trình này không thực hiện khoan thăm dò địa chất.

Ông Lê Minh Đức, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An, cho biết UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương kiểm tra lại toàn bộ các công trình cầu đang thi công trên địa bàn để hạn chế những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Sở GTVT: Bị đình chỉ, cầu vẫn xây xong

Qua kiểm tra hồ sơ, cầu Chùa Nổi hoàn toàn không được cấp phép xây dựng. Lúc đó UBND tỉnh đồng ý chủ trương xây cầu. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn thiết kế chỉ đưa ra một bản vẽ sơ sài không đúng quy trình thủ tục nên chúng tôi chưa cho xây cầu.

Dù vậy, việc xây cầu vẫn diễn ra. Sau đó Sở GTVT đã đình chỉ thi công và yêu cầu công ty bổ sung hồ sơ bản vẽ, thiết kế… theo đúng quy định. Không hiểu sao cầu này vẫn được xây xong. Chúng tôi sẽ bàn bạc với các đơn vị liên quan và địa phương tìm biện pháp gia cố cầu để đảm bảo an toàn.

Bài liên quan

http://phapluattp.vn/thoi-su/xa-hoi/cau-day-vang-khong-phep-cho-sap-586588.html

Theo Hoàng Nam/Pháp Luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm