Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện về bà mẹ dũng cảm bỏ phố về quê để con học cách tự lập

Không có trường lớp nào dạy chúng ta cách làm cha mẹ. Khi mang một đứa trẻ đến với thế giới này, các bậc phụ huynh phải tự trau dồi bản thân để trưởng thành cùng con.


Làm cha mẹ là trọng trách lớn lao, ngoài nụ cười và niềm hạnh phúc, việc nuôi dưỡng một thiên thần nhỏ luôn đem tới bao vất vả, cực nhọc. Nhất là với những ông bố, bà mẹ lần đầu nuôi con. Trẻ nhỏ cần lớn lên trong tình yêu thương, nhưng thương yêu bao nhiêu là đủ để con cưng của bạn không biến thành một đứa trẻ ủy mị, nhút nhát?

Chẳng mấy ai có thể làm tốt ngay từ lần đầu tiên, nhất là với một “công việc” đặc biệt và khó khăn như làm cha mẹ . Điều quan trọng là khi nhận ra sai lầm, bố mẹ và con cái phải cùng nhau nỗ lực để sửa chữa và hoàn thiện bản thân. Đó là bài học đáng quý mà bố mẹ của cô bé Thiên Thiên đã có được khi có một quyết định ngược đời: Bỏ phố về quê để con có cơ hội thay đổi bản thân. Hãy cùng lắng nghe câu chuyện cảm động và bổ ích của họ qua cuốn sách Về quê nuôi con của tác giả Phùng Lệ Lệ.

Bố mẹ trẻ đau đầu vì con không thích đến trường

Vợ chồng biên tập viên Phùng Lệ Lệ đã trải qua một quãng thời gian vô cùng khó khăn khi cô con gái đầu lòng Thiên Thiên không thích tới trường. Thiên Thiên đã đến tuổi vào lớp 1, nhưng cô bé rất sợ đi học. Mỗi lần đi học về, cô con gái nhỏ lại nói với bố mẹ rằng không thích đến lớp. Mỗi sáng, khi chuẩn bị đến trường, “tiểu công chúa” luôn làm phụ huynh phải đau đầu vì một cơn mưa nước mắt.

Cau chuyen ve ba me dung cam bo pho ve que de con hoc cach tu lap anh 1
Cuộc sống yên bình ở vùng quê, hòa mình cùng thiên nhiên giúp con trẻ tự tin hơn. 

Chuyện này bắt đầu từ khi Thiên Thiên học mẫu giáo, lần nào đi học cũng khóc lóc, khi chia tay bố mẹ. Do nghĩ rằng trường mầm non đó không hợp với Thiên Thiên, nên mẹ Lệ Lệ đã năm lần, bảy lượt chuyển trường, nhưng tình hình không khả quan hơn chút nào. Đến khi vào tiểu học, mọi thứ càng tệ hơn. Thiên Thiên thường gặp ác mộng mỗi tối và nói rằng cô bé sợ đến trường.

Không còn cách nào khác, Lệ Lệ và chồng phải để con gái nghỉ học. Tới đây, một vấn đề mới lại nảy sinh. Hai vợ chồng cô cảm thấy mệt mỏi vì phải chơi với con cả ngày. Vì không phải đến trường, nên buổi tối Thiên Thiên thường chơi rất khuya, mãi đến sáng mới chịu ngủ. Đã vậy, cô con gái nhỏ của Lệ Lệ không thích hơi một mình, cô bé luôn bắt bố mẹ dậy để chơi cùng.

Từ khi Thiên Thiên nghỉ học, hai vợ chồng Lệ Lệ đã phải nghỉ làm, họ đành nhận bản thảo về sửa bản in tại nhà, để có nhiều thời gian cho con gái, nhưng xem ra tình hình của Thiên Thiên không mấy tiến bộ. Được cô Kiều, một người bạn là giáo viên của bố Thiên Thiên gợi ý, họ đã đưa ra một quyết định táo bạo, rời khỏi Bắc Kinh, về sống ở vùng quê để cô công chúa nhỏ có điều kiện thay đổi bản thân.

Lớn lên như con gái người nông dân

Cuộc sống ở vùng quê đúng là có sức hấp dẫn lớn với một cô bé quen sống ở thành phố lớn như Thiên Thiên. Những việc làm quen thuộc của nhà nông như: Trồng trau, thu hoạch hoa màu, chăm sóc chó và dê con… đều khiến cho cô bé tò mò, thích thú. Không chỉ có vậy, “tiểu thư thành phố” đã kết bạn với Đông Đông, một cậu bé lém lỉnh và hoạt bát. Ngay cả bà chủ nhà cũng đem lòng yêu quý cô nhóc như cháu gái.

Cau chuyen ve ba me dung cam bo pho ve que de con hoc cach tu lap anh 2
Sách Về quê nuôi con của tác giả Phùng Lệ Lệ. 

Hàng ngày, cô giáo Kiều tới nhà Thiên Thiên vào buổi trưa để nấu ăn cùng em. Cô Kiều tin rằng khi cùng nhau làm việc, hai cô cháu sẽ hiểu nhau hơn. Từ đó, điểm yếu của Thiên Thiên sẽ lộ ra. Nhờ đó, người lớn sẽ tìm ra cách để giúp cô bé tự tin hơn và không sợ đi học nữa.

Bằng sự khéo léo của mình, cô Kiều đã giúp Thiên Thiên tìm thấy niềm vui khi nấu nướng. Nhưng hễ nghe thấy ai đó chê bai mình làm không tốt, Thiên Thiên liền phản ứng một cách rất gay gắt và tỏ vẻ khó chịu. Ngay cả khi làm vườn, nếu bà chủ nhà có ý phê bình Thiên Thiên, cô bé liền tỏ vẻ bất mãn và bỏ dở công việc giữa chừng.

Hóa ra, “cô tiểu thư mong manh” ấy không chịu nổi áp lực của những lời chỉ trích. Đó là lý do tại sao em không thích đến trường. Khi đi học, đôi lúc Thiên Thiên sẽ bị cô giáo phê bình khi chưa ngoan, việc đó khiến cô bé không vui và cảm thấy nặng nề. Dần dần, cô bé hình thành tâm lý tự ti và không muốn tới lớp.

Cau chuyen ve ba me dung cam bo pho ve que de con hoc cach tu lap anh 3
Nấu ăn có thể giúp bé học cách tổ chức và sắp xếp công việc hiệu quả. 

Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này? Phải chăng các cô giáo trước kia mắng mỏ Thiên Thiên quá nặng lời? Hoàn toàn không phải như vậy! Trong quá trình tiếp xúc với Thiên Thiên, cô giáo Kiều nhận ra bố mẹ em chỉ động viên và khích lệ con gái, họ chưa bao giờ phê bình Thiên Thiên. Thế nên, cô bé mới hình thành tâm lý tiêu cực, tự ti khi bị phê bình.

Trẻ nhỏ cần được lớn lên trong tình yêu thương, nhưng đôi khi “tình thương quá liều” lại đem đến những kết quả không như mong đợi. Thế nên, người xưa mới có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Sự nghiêm khắc và thẳng thắn của cha mẹ là điều rất cần thiết, để con trẻ có thể trưởng thành một cách toàn diện.

Về quê nuôi con của tác giả Phùng Lệ Lệ là một câu chuyện gần gũi và thiết thực cho những ông bố bà mẹ thời hiện đại. Trong xã hội phát triển, các bậc phụ huynh luôn nghĩ rằng phải dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng nó không đồng nghĩ với việc che chở một cách thái quá, để con trẻ mất đi khả năng tự bảo vệ chính mình.

Mỗi đứa bé cũng giống như một mầm cây non, để nuôi dưỡng chúng, đôi khi cần thuận theo tự nhiên. Đừng quyết định giùm con mọi thứ, chỉ nên đưa ra những lời khuyên và trao cho con quyền lựa chọn. Có như vậy, con yêu của các bạn mới có đủ bản lĩnh để đối mặt với mưa sa, bão táp của cuộc đời. Bởi, yêu con đúng cách mới là mẹ hiền.


Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm