Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện rợn tóc gáy về khu đồi bí ẩn

Tiểu thuyết đồ họa "Đồi gai" khơi gợi trí tưởng tượng nơi độc giả, để rồi mang tới câu chuyện ám ảnh, bí ẩn nhưng đầy sức lay động.

Đồi gai (tên gốc: Thornhill) của tác giả Pam Smy là một trong số ít ỏi những cuốn tiểu thuyết đồ hoạ được xuất bản ở Việt Nam. Cuốn sách nằm trong danh sách đề cử của giải thưởng Leeds Book kể về câu chuyện của những cô gái nhỏ, sống ở hai mốc thời gian khác nhau, trong những môi trường khác nhau, nhưng bằng cách nào đó, đã chia sẻ với nhau cùng một cảnh đời.

Review Doi gai anh 1
Tiểu thuyết đồ họa Đồi gai mới xuất bản bản tiếng Việt.

Vào năm 1982, ở tầng mái của cô nhi viện Đồi Gai, cô gái với chứng câm chọn lọc Mary lặng lẽ quan sát cuộc sống của mình trôi đi, và ghi lại chúng trong cuốn nhật ký bí mật. Mary là cô bé mồ côi với đôi bàn tay vàng, kiên nhẫn và tỉ mỉ thổi hồn vào từng mẩu đất sét, từng sợi len hay mảnh vải, để biến chúng thành những con búp bê với sự tinh tế đủ sức khiến người nhìn thấy phải trầm trồ.

Nhưng bên ngoài thế giới của những người bạn câm lặng ấy, bên ngoài căn phòng nhỏ trên gác mái, là cơn ác mộng với những trò chơi khăm, bắt nạt của những người bạn sống cùng cô nhi viện. Thế giới ấy, tất nhiên, vẫn còn những điều thật nhỏ xinh và dịu dàng dành cho cô bé. Nhưng dường như, chừng ấy vẫn là chưa đủ để Mary cảm thấy an toàn.

Ở một cột mốc xa hơn trên tia thời gian, ở năm 2017, cô bé Ella vừa chuyển đến một nơi ở mới cùng bố mình. Từ cửa sổ căn phòng gác mái, cô có thể thấy được khu nhà cũ nát của Đồi Gai nằm lọt thỏm giữa vườn hoang rậm rạp. Ella không phải trẻ mồ côi, cô chỉ đang dần bị lãng quên bởi chính người thân yêu nhất còn lại bên mình.

Xa lạ với nơi ở mới, xa lạ với cuộc sống mới không còn mẹ, và dần trở nên xa lạ với nhịp sống của gia đình mình, Ella khám phá Đồi Gai, như thể đang bắt đầu cuộc tìm kiếm một thứ gì đó, mà chính cô bé cũng chưa thể gọi tên được.

Review Doi gai anh 2
Tác phẩm vận dụng tối đa thế mạnh của thể loại tiểu thuyết đồ họa.

Trong Đồi gai, những thế mạnh của thể loại tiểu thuyết đồ họa đã được vận dụng trên nền tảng của thể loại tiểu thuyết truyền thống. Độc giả sẽ được thấy câu chuyện của Mary và Ella đã được tái hiện theo lối kể song song, trong hai mạch truyện độc lập.

Không chỉ là hai mốc thời gian, không chỉ là hai câu chuyện, mà là sự phân cách bởi hai hình thức thể hiện: Mary hiện ra bằng câu chữ, còn Ella được mô tả bằng đường nét, hình khối và sắc độ.

Nếu như sự bế tắc của Mary chậm rãi thấm vào người đọc qua từng câu chữ của cuốn nhật ký bí mật, thì độc giả ngay lập tức có thể đọc được nỗi buồn trên khuôn mặt Ella, có thể cảm nhận nỗi cô đơn và tĩnh lặng đang chậm chạp bủa vây cô bé trong những khung tranh câm lặng...

Đồi gai khiến những độc giả của nó phải vận dụng trí tưởng tượng của mình để có thể cảm nhận được tận cùng của câu chuyện - họ phải tưởng tượng ra khuôn mặt của Mary, tưởng tượng ra dáng hình của những con búp bê mà cô bé chế tác. Ngược lại, trong câu chuyện của Ella, độc giả phải làm một điều ngược lại, tự soạn ra trong đầu những câu chữ tương ứng với phần hình ảnh ấy.

Ở cả hai phía, của Mary và của Ella, của câu chữ và của hình ảnh, độc giả đều có thể cảm nhận được sự chỉn chu và tài năng của Pam Smy. Nữ tác giả đã hoá thân vào nhân vật Mary để viết ra những trang nhật ký, dù u uẩn những nỗi buồn và ngập tràn bế tắc, nhưng vẫn toát lên được sự nhân hậu ẩn sâu trong tâm hồn nhút nhát.

Rồi cũng chính Pam Smy, bằng nét vẽ của mình, đã dựng lên khung cảnh Đồi Gai hoang tàn nằm giữa thành phố u ám với trùng điệp những mái nhà dốc đứng... giữa thành phố ấy, là cô bé Ella, với khuôn mặt lầm lì, với trái tim đã từng chịu tổn thương, đang chịu tổn thương, nhưng chưa từng từ bỏ hy vọng tìm ra lối thoát.

Review Doi gai anh 3
Những khung tranh câm lặng biểu thị trái tim tổn thương của hai cô bé, nhưng đằng sau đó là câu chuyện lay động.

Đồi Gai là cuốn sách khơi gợi nơi độc giả của nó tối đa sức sáng tạo, nhưng cũng đồng thời trao vào tay họ một bức thông điệp mạnh mẽ. Đó đây trong cả câu chuyện, giữa những đêm không ngủ của Mary, giữa những chuyến thám hiểm của Ella vào thế giới đã mất nơi Đồi Gai, người đọc có lẽ sẽ vội nghĩ, những gì hai cô bé ấy cần, chỉ là sự lãng quên của thế giới này. Đó là sự bình yên dành cho họ.

Sẽ không còn ai quấy rầy Mary, làm cho cô bé đau khổ. Cũng sẽ chẳng còn những mẩu giấy nhớ của người cha càng khoét sâu vào lòng Ella nỗi đau bị bỏ lại trong mất mát... Nhưng sự quên lãng ấy liệu có phải điều cuối cùng mà hai cô gái nhỏ tìm kiếm?

Hãy để cuốn tiểu thuyết đồ hoạ đầy ám ảnh, bí ẩn nhưng đầy sức lay động này dẫn dắt bạn đến với câu trả lời.

Anh Phan

Bạn có thể quan tâm