James Joyce (1882-1941) - nhà văn được tán dương là người hiếm hoi nhất trong các tác giả chỉ viết nên kiệt tác. Khác với sự nghiệp sáng chói, quanh đời tư của ông có nhiều giai thoại, nó cho chúng ta thấy một cái nhìn khác về tác giả của Ulysses.
Sách Bí mật cuộc đời các văn hào phát hành tại VN. Ảnh: Phong Linh. |
Một số giai thoại ấy được viết trong cuốn Bí mật cuộc đời các đại văn hào (tác giả Robert Schnakenberg). Được sự đồng ý của đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt cuốn sách - Zing.vn trích đăng một phần các giai thâu chuyện về James Joyce.
Những bức thư tình lộ liễu về tình dục
Nói rằng Joyce có một trí tưởng tượng tính dục mạnh mẽ sẽ là một lời nói quá sức giảm nhẹ.
“Hai bộ phận cơ thể vốn làm những điều xấu xa kia của em là những thứ đáng yêu nhất đối với anh”, Joyce viết ở một trong số nhiều lá thư đậm sắc thái nhục dục mà ông gửi cho người tình lâu năm của mình, Nora Barnacle.
“Anh còn ước gì em tát hay quất anh”, ông thổ lộ trong một bức thư khác. “Anh sẽ hạnh phúc biết nhường nào nếu em quất anh, Nora tình yêu của anh!”. Và đó chỉ là một trong mấy đoạn văn “dạy thú” của ông.
Những bức thư tình của Joyce nhan nhản những mô tả lộ liễu về hoạt động tình dục mà ông chia sẻ hay mong muốn được chia sẻ với cô. Trong số những câu văn với những mô tả sống động về giải phẫu học mà Joyce sử dụng như là một cách hỗ trợ “tự sướng” là những lời tán tụng tục tĩu lặp đi lặp lại.
Thật vậy, Joyce dường như có một chỗ đặc biệt trong… chà, ừm… trái tim ông dành cho mùi hương của những phát “xì hơi” từ phụ nữ, và hình ảnh về những chiếc quần lót bẩn của cô ta.
Từ trái qua: Nora, James Joyce sau đám cưới của họ ở London năm 1931. Ảnh: indipendent |
Những lá thư Nora viết cho ông giờ không còn nữa, mặc dù một số ghi chép của ông cho thấy là bà cũng có “đầu óc đen tối” giống y như ông - có lẽ còn hơn thế nữa ấy chứ. “Có vẻ như em đã biến anh thành một con thú”, Joyce viết trong một bức thư khêu gợi khác nữa. “Chính là em đấy, cô gái không biết xấu hổ hư hỏng ạ, em mới là người dẫn dắt”.
Giống với ngài Mix-a-lot, Joyce bị hấp dẫn bởi một bộ phận trên cơ thể nữ giới, hơn bất kỳ bộ phận nào khác. Khi được kể cho nghe về một vị vua của tộc ăn thịt người lựa chọn hoàng hậu dựa vào kích cỡ của vòng ba, Joyce đáp: “Tôi thực lòng hy vọng rằng, nếu có ngày càn quét hết thế giới này, thì họ sẽ chừa lại vị vua anh minh ấy”.
Thói hợm hĩnh
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Joyce với một biểu tượng văn chương khác - William Butler Yeats - là buổi gặp thảm họa. Nhà thơ Ireland được tôn kính này đã cố gắng để làm cho đối phương trẻ tuổi hơn kia thích mình, nhưng những nỗ lực của ông toàn đổ sông đổ bể.
Văn hào James Joyce. |
Yeats thậm chí còn đề nghị được đọc một vài bài thơ tệ hại của Joyce, nhưng Joyce lại miễn cưỡng đáp ứng với lời trả miếng thô lỗ: “Tôi làm thế vì ông yêu cầu, nhưng tôi không coi trọng ý kiến của ông hơn bất kỳ người nào khác tôi gặp ngoài đường đâu”. Sau đó là một cuộc trao đổi chung chung về văn chương.
Khi Yeats đề cập đến Honoré de Balzac, Joyce chế nhạo ông. “Ngày nay ai mà còn đọc Balzac nữa chứ?”, ông cười khằng khặc. Cuối cùng buổi nói chuyện chuyển sang bàn về tác phẩm của chính Yeats. Yeats nói rằng tác phẩm của ông đang bước vào một giai đoạn có tính thử nghiệm hơn. “A”, Joyce đáp, “điều đó cho thấy ông đang bị tha hóa đi nhanh đến thế nào”. Khi cuộc hội thoại kết thúc, Joyce nói một cách khinh khi.
“Chúng ta đã gặp nhau quá trễ”, ông nói với Yeats. “Ông quá già để tôi có thể tác động gì vào ông”. Xuyên suốt chuỗi tấn công sỉ nhục này, Yeats luôn ngậm bồ hòn làm ngọt. Về sau ông thẳng thắn hơn, và viết về Joyce như sau: “Một kẻ tự phụ khủng khiếp với tài năng văn chương bé nhỏ đến vậy là điều tôi chưa từng thấy kết hợp ở trong cùng một con người”.
Một số người cũng chia sẻ về tính tự phụ của Joyce. Ngày nọ ở Zurich, một người đàn ông trẻ tiến đến gần Joyce ở trên đường. “Liệu tôi có thể hôn bàn tay đã viết nên Ulysses chăng?”, anh ta hỏi. “Không”, Joyce trả lời. “Nó còn làm nhiều thứ khác nữa”.
Sợ chết khiếp sấm và chó
Cả cuộc đời mình, Joyce sợ chết khiếp hai thứ: chó và sấm. Nỗi sợ thứ nhất hoàn toàn có thể hiểu được. Khi còn nhỏ, ông bị một con chó hoang cắn vào cằm khi đang chơi ném đá ngoài bờ biển.
Về nỗi sợ sấm, Joyce có thể cảm ơn người gia sư lúc nhỏ của mình. Là một người Công giáo mộ đạo, bà dạy cho ông rằng bão sấm là sự thể hiện cơn giận của Chúa trời, và buộc ông phải làm dấu thánh trên ngực, cầu nguyện mỗi lần ông nhìn thấy một tia chớp.
"Đòi hỏi duy nhất mà tôi dành cho độc giả của mình là anh phải dành trọn đời mình để đọc các tác phẩm của tôi".
Ngay cả khi đã trưởng thành, Joyce vẫn rùng mình khi nghe tiếng sấm đùng đùng. Khi có ai hỏi tại sao, ông đơn giản trả lời rằng, “Đó là vì anh không lớn lên ở đất nước Ireland Công giáo”.
Một tính cách khác lạ nữa của James Joyce là căm ghét các tượng đài, ông thấy chúng rởm rít vô cùng tận. Một lần ông đi taxi qua Khải Hoàn Môn ở Paris, một người bạn hỏi ông ngọn lửa vĩnh cửu nằm bên trong đó sẽ cháy bao lâu. “Cho đến khi người lính vô danh bên trong đó thấy kinh tởm quá mà phải đứng dậy và thổi tắt nó đi”, Joyce vặc lại.