Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Câu chuyện đằng sau điệu nhảy của ông Trump trong chiến dịch tranh cử

Việc ông Trump nhún nhảy trên nền nhạc ca khúc nói về cộng đồng LGBTQ+ được truyền thông nước ngoài gọi là chiêu bài chính trị trong chiến dịch tranh cử.

bau cu tong thong My anh 1

Đến thời điểm này, ông Joe Biden đã là người tuyên bố đắc cử, nhưng những câu chuyện đằng sau chiến dịch tranh cử đầy màu sắc của ông D. Trump vẫn thu hút sự chú ý của dư luận.

"Trump đã thay đổi?"

Câu hỏi này được truyền thông đặt ra khi hình ảnh Tổng thống D.Trump nhiệt tình nhún nhảy trên nền nhạc disco trong những buổi vận động tranh cử.

Điều đáng nói, ca khúc được Trump sử dụng là Y.M.C.A - ca khúc nổi tiếng về cộng đồng LGBTQ+ từ những năm 1970.

Trước đây, ông Trump từng từ chối visa cho đôi đồng tính trong phái đoàn Liên Hợp Quốc. Trump cũng từng lên tiếng cấm người chuyển giới tham gia quân đội. Nói đúng hơn, ông Trump là "kẻ thù" của cộng đồng LGBTQ+ bởi những phát ngôn và quyết sách trước đây.

Nhưng Trump đã khác trong chiến dịch tranh cử giành quyền ở lại Nhà Trắng. Truyền thông đặt câu hỏi, phải chăng ông Donald Trump có sự thay đổi trong tư tưởng, hay đó là chiêu bài chính trị trong kỳ bầu cử?

Y.M.C.A là ca khúc đại diện của LGBTQ+?

"Rất vui khi bạn ở lại Y.M.C.A. Họ có đàn ông để bạn tận hưởng. Bạn có thể hẹn hò với mọi chàng trai"... lời bài hát Y.M.C.A - sáng tác của nhóm Village People ra mắt năm 1978 - thể hiện cái tôi của các chàng trai đồng tính, theo Rolling Stones.

Y.M.C.A không tôn vinh cái tôi cá nhân như I Will Survive của Gloria Gaynor và có những vũ điệu đặc trưng của đồng tính nam như Vogue của Madonna. Ca khúc cũng không thể hiện thông điệp "Bạn sinh ra vốn đã như thế" như trong Born This Way của Lady Gaga.

"Đó là ca khúc đầy hư hỏng, thậm chí đề cập vấn đề tình dục một cách trực tiếp. Song, ca khúc lại nói lên sự thiếu hiểu biết, định kiến của xã hội, qua đó nói lên thông điệp: Bạn hoàn toàn có thể làm những gì mình muốn", Sfgate viết.

"Bạn không cần phải thất vọng. Bạn có nghe tôi nói không? Bạn có thể vươn lên. Này chàng trai trẻ? Bạn muốn trở thành ai? Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn", một đoạn trong ca khúc viết.

Ca khúc đề cập về vấn đề tình dục chỉ là cách ví von để nói lên định kiến của xã hội. Các chuyên gia cho rằng ca khúc của nhóm Village People thay đồng tính nam nói riêng, LGBTQ+ nói chung nói lên thông điệp: Tôi có quyền trở thành bất cứ ai và làm những gì mình muốn.

Truyền thông nhiều lần cho rằng Y.M.C.A đại diện cho người đồng tính. Khi phân tích ca từ bài hát, giới chuyên môn cũng cho rằng ca khúc của Village People viết riêng cho cộng đồng LGBTQ+. Tuy nhiên Victor Willis - chủ nhân ca khúc - cho biết bài hát này không hoàn toàn miêu tả thông điệp tình dục, càng không gói gọn trong cộng đồng LGBTQ+.

"Tôi có thể kiện bất cứ ai khi một mực khẳng định đây là ca khúc nói về tình dục của những người đàn ông. Thông điệp chúng tôi cao cả hơn đó là, chúng ta hoàn toàn có thể làm những gì mình muốn", Willis nói với BBC.

Vì sao Trump chọn ca khúc được cộng đồng LGBTQ+ yêu thích?

Hình ảnh ông Trump nhảy trên nền nhạc disco Y.M.C.A viral trên các nền tảng mạng xã hội suốt những ngày tranh cử. Vốn được xem là người "bài xích cộng đồng LGBTQ+", truyền thông đặt câu hỏi liệu ông Trump chọn ca khúc này có phải là chiêu bài chính trị?

Theo TMZ, Y.M.C.A từng là ca khúc làm mưa làm gió những năm 1980. Tuy nhiên, ca khúc disco trở nên tụt hậu với sự xâm lăng của văn hóa pop đương đại.

bau cu tong thong My anh 4

Điệu nhún nhảy của Donald Trump gây bão mạng trong những ngày bầu cử. Ảnh: Cắt từ clip.

Việc Trump sử dụng bài hát này trong chiến dịch vận động bầu cử gần đây đưa ca khúc trở lại với iTunes, Billboard. "Nhờ Trump mà ca khúc của chúng tôi trở lại các bảng xếp hạng. Cảm ơn Trump nhiều", Victor Willis viết trên trang cá nhân.

Điều này đồng nghĩa với việc nam ca sĩ đồng ý để D.Trump sử dụng ca khúc. "Tôi đã bỏ phiếu cho Biden nhưng sẽ không kiện hay có ý kiến gì về việc Trump dùng Y.M.C.A trong chiến dịch tranh cử", Willis nói với TMZ.

Trước đây, Willis từng phẫn nộ khi ông Trump sử dụng ca khúc trong các cuộc vận động: "Đừng làm vậy thưa tổng thống. Tôi yêu cầu không sử dụng bản nhạc của tôi, nhất là Y.M.C.AMacho Man".

Theo RTE, việc sử dụng ca khúc Y.M.C.A trong chiến dịch tranh cử không phải sự tình cờ. Thư viện Quốc hội thừa nhận ca khúc của Village People có tác động lớn đến người dân Mỹ, thậm chí tổ chức đã đưa ca khúc vào kho lưu trữ của thư viện.

Bài viết trên RTE của Tiến sĩ Jamie Saris, ĐH Maynooth cho rằng Trump và đội ngũ muốn nhắc lại nước Mỹ những năm 1980. Thông qua đó, đội ngũ Trump muốn gợi về thời kỳ lịch sử đen tối, phần muốn nhắc lại sai lầm của "người da trắng, dị tính", phần là chiêu bài chính trị ngầm ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ trong đợt tranh cử.

Tuy nhiên, phía Nhà Trắng chưa từng đưa ra tuyên bố về nguyên nhân ông Trump chọn ca khúc Y.M.C.A. Mọi chuyện đều là dự đoán của truyền thông và phản ứng của dân Mỹ với ông Trump và đội ngũ hỗ trợ ông trong chiến dịch tranh cử.

Từ cuộc vận động ở Florida giữa tháng 10 cho đến những cuộc gặp gỡ với cử tri, ông Trump ở thời điểm đó thường thể hiện hình ảnh tổng thống hài hước, năng động với những màn nhún nhảy trên nền nhạc Y.M.C.A.

Điệu nhảy của D.Trump trở thành trào lưu trên các mạng xã hội. Không ít người thực hiện vũ đạo của ông và đăng lên mạng.

Nhân viên trong chiến dịch tranh cử và thành viên trong gia đình Trump cũng nhiệt tình quảng cáo điệu nhảy Y.M.C.A với cử tri ở nhiều bang chiến trường.

"Tôi yêu nó", Ivanka Trump - cố vấn cấp cao đồng thời là con gái ông Trump - bày tỏ cảm xúc khi chia sẻ lại video người hâm mộ nhún nhảy giống D.Trump.

Theo AP, nỗ lực "nhún nhảy" còn là lời khẳng định của ông Trump về việc ông đã hồi phục, hoàn toàn khỏe mạnh sau 3 ngày nhập viện vì dương tính với Covid-19.

Tuy nhiên, không ít người tỏ ra khó chịu với hình ảnh này của ông Trump. Cây bút Don Lemon của CNN chỉ trích "vui mừng quá mức" trước đại dịch chết người.

"Cho dù ông cố gắng vận động tranh cử bằng những điệu nhảy, nhiều dân Mỹ vẫn đối mặt với dịch bệnh. Ông đang nhảy trên mộ của 215.000 người Mỹ kém may mắn", Lemon viết.

Y.M.C.A được thay thế trong các cuộc vận động sau khi The Rolling Stones dọa kiện nếu ông Trump không ngừng sử dụng ca khúc You Can't Always Get What You Want do nhóm nhạc này nắm quyền sở hữu bản quyền.

Nhóm Village People cho rằng ông Trump hay bất kỳ ai đều có quyền thể hiện niềm yêu thích với ca khúc Y.M.C.A. Tuy nhiên, họ vẫn "không vui lắm" khi chiến dịch tranh cử của Trump đã sử dụng ca khúc vào mục đích chính trị.

Cho đến ngày bỏ phiếu cuối cùng được thông qua, vẫn không ai biết ý tưởng sử dụng Y.M.C.A do ai khởi xướng. Khi được phóng viên của AP đặt vấn đề, ông Jason Miller - cố vấn của Trump - nói sẽ tiết lộ bí mật nếu "tôi nhận được đoạn clip bạn nhảy theo điệu Y.M.C.A".

"Tôi từ chối", Jill Colvin của AP viết, đồng ý để "Trump và điệu nhảy Y.M.C.A" luôn là bí mật thú vị của kỳ tranh cử đáng nhớ.

Hình tượng Tổng thống Trump và Obama trên phim ảnh

Nhân dịp Nhà Trắng sắp đón chủ nhân mới, Insider tổng hợp hình ảnh năm đời tổng thống Mỹ gần nhất được tái hiện trên phim ảnh.

Nhiều sao Hollywood lại dọa rời Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử

Năm 2016, nhiều ngôi sao từng đòi ra nước ngoài sinh sống nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trạch Dương

Bạn có thể quan tâm