Andreas Steinhöfel là một cái tên quen thuộc của văn học Đức đương đại. Cuốn Paul Vier và những người họ Schröders của ông nằm trong danh mục những tác phẩm phải đọc trong nhà trường Đức. Một tiểu thuyết khác với tựa đề Trung tâm của thế giới được giới tuổi teen biết đến một cách rộng rãi.
Cuốn Rico, Oskar và hòn đá bị đánh cắp của ông, với những bức tranh minh họa đáng yêu của họa sĩ Peter Schoessow là một truyện trong loạt truyện về Rico và Oskar được dịch giả Tạ Quang Hiệp chuyển ngữ sang tiếng Việt và NXB Kim Đồng ấn hành.
Một ngày thứ hai bình thường như hàng vạn ngày thứ hai khác đã trở nên bất thường khi Rico và Oskar tình cờ phát hiện ra xác bác Fitzke ở trước cửa căn hộ của bác trong ngôi nhà chung. Và như Rico thú nhận: “Fitkze là người chết đầu tiên chúng tôi thấy. Vì thế hai đứa hồi hộp đôi chút!”
Series truyện về 2 nhân vật Rico và Oskar. |
Hai đứa trẻ và một cái xác. Một tình huống không mấy dễ chịu. Rico đã xem đủ phim kinh dị để hình dung ra những cảnh tượng đáng sợ. Song thật bất ngờ, điều rõ ràng nhất mà cậu bé nhận thấy trong tình huống này lại là: “Chắc chắn là bác ấy ngủm rồi. Những khi bác ấy còn sống một tẹo thì chưa bao giờ được thấy bác ấy có vẻ bình yên như thế.”
Sau đám tang bác Fitzke, Rico và Oskar phát hiện ra hòn đá vách băng trong bộ sưu tập đá (mà bác Fitzke đã viết di chúc ủy thác cho Rico trông nom) đã bị đánh cắp. Hai cậu bé quyết định lên đường săn lùng tên ăn trộm để tìm lại hòn đá quý giá kia, đến tận biển Đông (của nước Đức)…
Từ tình huống bất thường đó, tác giả Andreas Steinhöfel dẫn chúng ta vào một cuộc phiêu lưu kỳ lạ, nơi chúng ta dần dần khám phá ra cái thế giới bên trong những nhân vật “còn sống” (hay là “còn sống một tẹo”).
Ba nhân vật được nhắc đến trong nhan đề truyện là Rico, Oskar và hòn đá bị đánh cắp. Tạm thời bỏ qua hòn đá (vì đó không phải là một người), hai nhân vật chính của chúng ta là những đứa trẻ bị coi là không bình thường, những kẻ mà như Rico tự nhận xét trong tập Rico, Oskar và những bóng đen bí ẩn là “bị mọi người chế nhạo chỉ vì mình không được như họ”.
Rico được miêu tả là một cậu bé thiểu năng trí tuệ không thể tự tìm được phương hướng trên bất cứ con đường nào có ngã rẽ. Còn Oskar là một cậu bé sống cùng một ông bố trầm cảm không có khả năng chăm sóc bản thân mình, chứ đừng nói đến chuyện chăm sóc con.
Mỗi khi thấy không dễ chịu, Oskar lại “ngụy trang” bằng cái gì đó. Ở các tập truyện trước, đó là mũ bảo hiểm, kính râm, còn lần này là cái mũ len chỏm tròn sặc sỡ. Suốt câu chuyện, hình như cậu không bỏ cái mũ đó ra một lần nào, kể cả khi đang ở trên bãi tắm khỏa thân dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ.
Song cậu bé Rico “kém thông minh” đó lại có khả năng đọc tâm trạng của người khác, cũng như khả năng xoay xở trong những tình huống oái ăm nhất. Còn Oskar thì rất thật thà và am hiểu nhiều đến nỗi tiếp xúc với cậu cứ như bắt gặp một cuốn từ điển sống.
Rico và Oskar cũng như mọi nhân vật trong cuốn truyện đều là những kẻ bất thường tuyệt diệu. |
Và quan trọng hơn cả, giữa hai cậu bé có một tình bạn hết sức đặc biệt. Thứ tình cảm đó giống như chất keo kỳ diệu, đã gắn những con người, những câu chuyện tưởng chẳng có gì liên quan đến nhau lại với nhau.
Tuy nhiên, Rico và Oskar không phải là những kẻ không bình thường (hay đúng hơn, bị nghĩ là không bình thường) duy nhất trong câu chuyện. Nếu làm một thống kê nho nhỏ, ta sẽ phát hiện ra rằng, dưới sự quan sát của Rico, rất nhiều nhân vật trong cuốn sách đều có một hay một vài điểm không bình thường.
Chú Lars (bố Oskar) là “một ông đầu óc có vấn đề”, “một người chập mạch”. Bác Fitzke là “một ông già vớ vẩn”, “một ông dở người” sở hữu một “bộ sưu tập đá dở hơi”. Bác Mommsen triền miên trong những cơn say bí tỉ đến nỗi hình như chẳng bao giờ tỉnh táo.
Mẹ Rico và chú Buehl cứ yêu nhau mãi mà chẳng chịu lấy nhau, tới mức Rico cảm thấy lo ngại cho cái viễn cảnh hai người phải chứng kiến cậu lập gia đình trước cả họ. Cô Irina thì cứ bị stress suốt, stress khiến cho cô có cảm giác mình đã 30 tuổi lúc soi gương, mặc dù như Rico nhắc nhở, năm nay cô đã 32 tuổi rồi…
Qua cái nhìn “thiểu năng trí tuệ” của Rico, thế giới xung quanh hiện ra với những góc cạnh mà chúng ta không ngờ tới. Chẳng hạn, Rico đặc biệt nhạy cảm với màu sắc và mùi vị. Cậu dùng chúng để định vị cảm xúc. Nỗi nhớ bác Fitzke của cậu bé gắn liền với mùi hôi của bác. Cảm giác u ám với cậu là một làn nước đen với “những vòng sóng buồn bã”. Sự giận dữ của người khác được cậu nhìn như “cảm giác màu đen sôi sục”.
Ngoài ra, nếu bạn đang cảm thấy khó khăn với thủ pháp so sánh trong môn tập làm văn ở trường, thì cuốn sách là một tham khảo rất tốt. Rico, trong vai trò người thuật chuyện, rất có năng khiếu về việc so sánh mọi thứ với nhau, nhất là những thứ tưởng chừng chẳng có một chút liên quan nào.
Thời gian được cậu hình dung như kẹo cao su, có thể giãn ra và dài hàng bao nhiêu cây số, âm thanh rất khẽ được cậu tưởng tượng như thứ bé tí có thể đút vào túi quần. Còn cảm giác “hạnh phúc” được cậu hình dung như thứ đè nặng lên một ai đó, khiến “người ấy sẽ vỡ ra trên nền nhà và sẽ đi tiếp theo hướng tâm quả đất”.
Trên từng dòng chữ của cuốn truyện này, đầu óc thực tế, trí tưởng tượng và óc hài hước pha trộn với nhau trong một giọng điệu kể chuyện thản nhiên đến mức bất cần. Đồng thời, bản thân câu chuyện cũng như cách kể lại không khỏi khiến ta nghĩ rằng đằng sau năng khiếu nhìn thấy nét hài hước trong mọi sự kia là một trái tim cô đơn và buồn bã, một trái tim nhạy cảm và khao khát được chia sẻ với thế giới xung quanh biết chừng nào.
Giờ chúng ta hãy quay trở lại với cái xác của bác Fitzke, nguồn cơn của toàn bộ câu chuyện mà ta đang nhắc đến. Fitzke là một người đã sống trong cô độc và chết trong cô đơn. Một người mà “khi đến thiên đường thì có thể mọi người cũng không thương nổi bác, vì trên đấy đảm bảo là bác lại bắt đầu cằn nhằn về chuyện gì đó”, theo đúng cái cách mà bác đã sống dưới mặt đất này.
Rico không ảo tưởng về con người. Andreas Steinhöfel cũng không. Chỉ là, phía sau, bên trong những con người cô đơn, lạnh lùng, cộc cằn, ác độc, vớ vẩn, lập dị, điên khùng… vẫn luôn có một câu chuyện nào đó đáng được kể ra. Và chỉ là, chúng ta có muốn lắng nghe hay không mà thôi.