Nhà báo Hòa Bình và Cỏ (Nguyên Thảo) đã cùng chấp bút viết Cát hay là ngọc. Cuốn sách kể về câu chuyện của cô bé Sandy (Bích Ngọc) mang trong mình vết thương tâm hồn rất lớn, nhưng nhờ vào sự nỗ lực hết mình của bản thân, cô đã vượt qua được.
Sách mở đầu bằng những ngày thơ ấu của bé Út đầy cơ cực. Sống trong tủi nhục, đòn roi, bố mất sớm, mẹ bỏ đi làm ăn xa, bỏ cô bé lại với những người thân khác nuôi giùm, nhưng suốt từ thuở ấu thơ cho mãi tới khi đã trưởng thành, cô bé không hề nhận được chút hơi ấm tình thương nào từ cái gọi là người thân. Suốt cả tuổi thơ của một đứa trẻ luôn luôn bị gọi là “con hoang” chỉ có hắt hủi, nhục mạ và đòn roi. Trong những tháng ngày đen tối, cô bé bị xâm hại từ khi mới có 8 tuổi và bị lạm dụng trong suốt một quá trình kéo dài tới 10 năm.
Trải qua nhiều cú sốc tinh thần, từng đi đến tận cùng của tuyệt vọng, nhiều lần muốn tự tử, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim, cô gái trẻ luôn hướng thiện đã tìm được niềm vui cuộc sống qua công việc và những hoạt động thiện nguyện. Tự học, tự tìm cho mình một lối đi giữa cuộc đời đầy cạm bẫy và chông gai. Từ đây cuộc đời Sandy “hồi sinh” như cây xương rồng héo khô được tưới nước, cho dù là những giọt nước ít ỏi, khó khăn, tựa như con đường của khách bộ hành vượt qua nắng nóng hoang mạc.
Cuốn sách Cát hay là ngọc vừa được phát hành. |
Không người thân, không nhà, không tiền, không vị thế xã hội, không được học hành… Sandy từng ao ước đến cháy bỏng được bước đến những “thánh đường” học tập sang trọng – những ngôi trường đại học với kiến thức và trải nghiệm cuộc sống, như các bạn khác trong cùng lứa tuổi. Nhưng hầu như những gì em học được đều ở trên vỉa hè cuộc đời.
“Không đêm nào em có thể ngủ yên. Ban ngày với đủ thứ bận rộn bộn bề, lao ra phố, đi tìm việc, kiếm sống… thì có thể những ám ảnh tạm lắng xuống, nhưng cứ đêm xuống là em không thể nào ngủ được. Cho dù không nói ra, không ai biết về câu chuyện này, một mình em vẫn cảm thấy nhục, và không thể quên được. Điều tệ hại là mỗi khi tiếp xúc với đàn ông, cho dù là những người tử tế và họ không hề làm gì mình, nhưng trong lòng em vẫn cứ cồn cào cảm giác bất an, khinh bỉ. Em biết như vậy là không phải, nhưng không vượt qua được. Thà là nói ra hết, để tự “giết chết” chính mình, hay con người cũ của mình, và chấp nhận sóng gió của hiện tại, học hỏi nhiều hơn, thay đổi bản thân và nhìn về tương lai, có thể sẽ tốt hơn”.
Dẫu mỗi trang sách là câu chuyện đẫm nước mắt của Sandy nhưng khi khép cuốn sách lại, bạn đọc sẽ nhận ra đằng sau những câu chuyện ấy là một thông điệp đầy tính nhân văn. “Em biết trong cuộc sống có rất nhiều người đã từng bị lạm dụng, đặc biệt bị lạm dụng từ lúc còn nhỏ và hậu quả cực kỳ nặng nề, nhân sinh quan cuộc sống của những người đó thường rất u tối, chán nản, trầm cảm, nhiều người đã tự kết thúc cuộc sống và không ai muốn nhìn thẳng hay đối diện với sự thật đó vì nó quá đau buồn. Em muốn gửi một thông điệp đến những người kém may mắn khác không may bị gặp phải hoàn cảnh như em, hoặc bị dụ dỗ, bị lừa bán qua biên giới do thiếu hiểu biết, các bạn hãy mạnh mẽ lên, ai cũng có thể đi qua nó, chỉ cần tin vào chính mình và hãy học hỏi nhiều hơn, nếu không được học trong nhà trường thì học từ cuộc sống”.
Cát hay là ngọc ra mắt vào tháng 6/2016. Qua trang sách, độc giả có thể hình dung được rõ nét cuộc sống của nhân vật, đồng cảm, xót xa với những bất hạnh mà em phải chịu đựng, và giật mình trước những thông điệp cảnh tỉnh mà câu chuyện đưa ra về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, tệ nạn mại dâm, và ẩn giấu đâu đó là những đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới.