Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cắt cụt cánh chim phóng sinh, nhặt về bán lại

Sau khi nghi lễ phóng sinh hoàn tất, những người bán chim lại bắt lại những con chim nhốt vào lồng để bán cho khách khác.

Tại một số chùa lớn trên địa bàn TP.HCM, tình trạng buôn bán chim phóng sinh vẫn còn tồn tại, thậm chí là chim được bày bán ngay trong khuôn viên chùa.

Giết chim phóng sinh ngay cửa chùa

Tại chùa Vĩnh Nghiêm (339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP.HCM), một trong những ngôi chùa lớn của TP, người dân bày bán chim phóng sinh ngay lối vào sảnh chính của chùa. “Chim phóng sinh được bán quanh năm tại đây, giá là 80.000 đồng/con chim én và 10.000 đồng/con với chim sẻ. Mua nhiều thì được bớt chút đỉnh”, người bán chim phóng sinh ở đây cho biết.

Mỗi ngày trung bình người phụ nữ này bán được 200-300 con. "Những dịp lễ lớn như Vu Lan này thì có hôm bán được cả ngàn con", người bán hàng cho biết thêm.

Chim phóng sinh giẫm đạp nhau trong lồng sắt chật hẹp.

Những con chim bị thương hoặc chết do giẫm đạp nhau trong lồng sắt, người bán hàng liền quăng vào góc chân cầu thang, đối diện với cửa vào sảnh chính, ngay trước mặt bàn tiếp lễ của chùa. Nhìn trực diện từ cổng chùa, đối xứng với gốc cây Bồ Đề là cảnh buôn bán, giam cầm, chết chóc các loại chim phóng sanh. Cảnh tượng phản cảm nơi cửa Phật.

Bên trong chùa Giác Lâm (118 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình), ngôi chùa nhiều tuổi nhất ở TP.HCM, cảnh buôn bán chim phóng sinh vẫn diễn ra hàng ngày. Người dân có nhu cầu làm lễ cầu siêu tại nhà cũng tìm đến đây để mua chim phóng sinh. “Mỗi lần nhà có việc cần đến chim phóng sinh, tôi đến chùa Giác Lâm để mua”, chị Nguyễn Ngọc Thu (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết.

Bà Phan Thị T., người chăm sóc nhang đèn lâu năm ở chùa Giác Lâm, cho biết: “Trước đây người bán chim phóng sinh tràn lan từ cổng chính vào sân chùa, nhưng hiện nay thì chỉ còn rải rác. Sư trụ trì chùa cũng không đồng tình với cảnh mua bán, giành giật phức tạp, nhốn nháo ngay trong sân chùa”.

Mua “phóng sinh”,  gieo tội lỗi

Tại chùa Giác Lâm, khi có người đến mua chim, sau khi hỏi số lượng cần mua, người phụ nữ bán chim đưa tay vào cái lồng đen đặc, hốt từng nắm bỏ vào chiếc lồng khác để bán. Ngồi bên cạnh người bán chim, một người phụ nữ khác bắt từng con chim cắt lông ở cánh.

Những con chim mới được "nhặt" về đang được bồi dưỡng để đem bán.

Một người bán vé số gần đó cho biết, người bán chim thường làm vậy để khi được phóng sinh, chim không thể bay xa, hoặc không cất nổi cánh. Sau khi nghi lễ phóng sinh hoàn tất, những người này lại bắt lại những con chim này nhốt vào lồng để... bán cho khách khác.

Cảnh buôn bán chim phóng sinh tại chùa Giác Lâm.

 

Buôn bán chim phóng sinh dọc đường vào chùa Hoằng Pháp.

Bà Đỗ Thanh Hương (quận 3, TP.HCM) cho rằng: “Việc phóng sinh là vô nghĩa, thậm chí trái với Phật pháp vì nghi thức này mà những con chim tội nghiệp bị giam cầm, bị mua đi bán lại. Nhu cầu phóng sinh của họ đã tạo ra cảnh người mang chim đến bán tấp nập ở cổng chùa. Những con chim được nhốt trong lồng chật hẹp như thế thì khi được giải thoát cũng chẳng còn sức để bay nữa, huống gì là “sinh””.

Nghi thức phóng sinh của chùa Hoằng Pháp.

Thầy Tâm Thiên (chùa Hoằng Pháp) cho biết, hiện việc phóng sanh ở chùa Hoằng Pháp được ban trị sự của Chùa tổ chức định kỳ một tháng 2-3 lần chứ không cho phép việc tổ chức phóng sanh một cách tùy tiện. Những năm gần đây, việc buôn bán trong chùa gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm của chùa cũng được nghiêm cấm. Hoạt động buôn bán động vật phóng sanh trong khuôn viên chùa vì vậy cũng không còn tái hiện nữa.

"Hơn nữa, quý Phật tử nên nhìn nhận một cách đầy đủ về nghi thức phóng sanh, tránh tiếp tay cho những người buôn bán chim làm điều trái với lời Phật dạy", thầy nói.  Tuy vậy, nhà chùa không thể nghiêm cấm các hoạt động mua bán bên ngoài khuôn viên chùa.

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm