Tại hội thảo về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ tổ chức sáng nay tại Hà Nội, ông Vương Toàn, Phó tổng giám đốc Habeco, đã có một số chia sẻ. Ông Toàn cho biết liên quan tới hoạt động thoái vốn Nhà nước tại Habeco, bên cạnh những thuận lợi về mặt chính sách, đơn vị đang gặp khó khăn trong việc đàm phán với cổ đông chiến lược là hãng bia đến từ Đan Mạch Carlsberg.
"Habeco trước đó đã có những văn bản từ năm 2007-2008 về việc hợp tác chiếc lược, cũng như sau này khi Habeco IPO lần đầu cũng đã có văn bản thỏa thuận về hợp đồng mua bán cổ phần với cổ đông chiến lược. Hai văn bản này so với văn bản hiện tại có nhiều vướng mắc với nhà đầu tư, trước hết là đàm phán quyền ưu tiên mua với nhà đầu tư chiến lược", ông Toàn cho biết.
Biểu đồ: Quang Thắng. |
Theo ông Toàn, khi đàm phán, thống nhất xong được quyền ưu tiên mua của cổ đông chiến lược mới có thể tiến tới thỏa thuận các nội dung khác. Mục đích là để đảm bảo công khai, minh bạch, thu lại giá trị lớn nhất cho Nhà nước lớn nhất và phải giữ lại thương hiệu của Habeco.
Vị Phó tổng giám đốc này cũng thông tin thêm theo yêu cầu của Bộ Tài chính và Thủ tướng, Habeco sẽ sớm trình văn bản đàm phán với Carlsberg.
Đến nay, Habeco đã trao đổi với hãng bia đến từ Đan Mạch 9 phiên nhưng ngoài việc đặt quyền ưu tiên mua mà Carlsberg đã mua thêm cổ phần từ năm 2012, hãng bia này còn đang muốn trở thành cổ đông chi phối tại Habeco.
"Hiện nay, trong lộ trình thoái vốn, Nhà nước muốn thoái sâu tại những doanh nghiệp không mang tính chất chi phối nền kinh tế vì vậy, Carlsberg đang muốn nắm giữ ít nhất 51% cổ phần Habeco. Carlsberg muốn mua thêm, nhưng Habeco còn vướng vào điều kiện cổ đông nước ngoài không được sở hữu quá 49% vốn cổ phần tại doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện", ông Toàn nói.
Biểu đồ: Quang Thắng. |
Hiện nay, ngoài hoạt động sản xuất bia với thương hiệu Bia Hà Nội nổi tiếng, Habeco còn đang sở hữu các thành viên kinh doanh trong các lĩnh vực như lương thực, bất động sản, rượu và đồ uống có ga...
Ông Toàn cho biết những vướng mắc liên quan tới quá trình đàn phán với Carlsberg, Habeco sẽ đề nghị lên các cấp có thẩm quyền để sớm đưa ra phương án cụ thể.
Hiện tại, trong cơ cấu cổ phần của Habeco, Bộ Công thương vẫn là cổ đông nắm đa số phần vốn tại đây với tỷ lệ lên tới 81,79%, hãng bia đến từ Đan Mạch là cổ đông chiến lược sở hữu 17,45% vốn ngoài ra bao gồm các cổ đông cá nhân.
Nếu như Carlsberg có thể nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco lên tối thiểu 51%, hãng bia tới từ Đan Mạch sẽ trở thành cổ đông chi phối hoạt động tại doanh nghiệp sở hữu hơn 18% thị phần tiêu thụ bia trong nước của Việt Nam.
Thành lập năm 1847 và có trụ sở tại thành phố Copenhagen, Carlsberg là một trong những công ty đa quốc gia của Đan Mạch đầu tiên tiến vào thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện là hãng bia lớn thứ 5 thế giới, với sản phẩm xuất hiện tại thị trường của 60 quốc gia.
Biểu đồ: Quang Thắng. |
Năm 2009, Carlsberg mua lại khoảng 17% cổ phần của Habeco và trở thành một trong những nhà đầu tư chiến lược tại đây. Trong khi Bộ Công thương có ý định thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này, hãng bia tới từ Đan Mạch luôn bày tỏ mong muốn sở hữu thêm cổ phần của bia Hà Nội.
Cuối năm 2016, Habeco đã thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán theo chỉ đạo của Bộ Công thương nhằm đảm bảo tính minh bạch trong quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp này. Hiện tại, cổ phiếu BHN của Habeco đang được giao dịch trên sàn HOSE với giá 85.700 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa đạt hơn 19.355 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn cổ phần của Nhà nước nắm giữ theo giá thị trường hiện đạt khoảng 15.800 tỷ đồng.