Carlos Slim có nguy cơ mất ngôi giàu nhất thế giới
Chênh lệch tài sản giữa Carlos Slim và Bill Gates đã giảm còn 4,8 tỷ USD, thấp nhất trong gần một năm qua.
Tỷ phú giàu nhất thế giới người Mexico - Carlos Slim đang đối mặt với nguy cơ bị mất ngôi vị người giàu nhất thế giới, do Mỹ Latin đang tìm cách hạn chế địa vị thống trị ngành viễn thông khu vực này của tập đoàn America Movil.
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, tuần trước, chênh lệch giá trị tài sản ròng giữa “ông trùm viễn thông” Carlos Slim và tỷ phú Bill Gates đã rút ngắn xuống còn 4,8 tỷ USD, thấp nhất trong gần một năm qua. Căn cứ vào bảng xếp hạng chỉ số tỷ phú của Bloomberg, tài sản ròng của Slim đã hao hụt khoảng 1/10 trong tháng trước, còn 71 tỷ USD.
Tỷ phú người Mexico - Carlos Slim. |
Nguyên nhân chính khiến ngôi vị tỷ phú giàu nhất thế giới của Carlos Slim bị lung lay, là bởi tập đoàn America Movil SAB dưới tay ông, công ty viễn thông đang nắm quyền thống trị khu vực Mỹ Latin và đặc biệt là tại “quê nhà” Mexico, đang bị các nhà hoạch định chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn so với thời gian trước.
“Thách thức mà America Movil phải đối mặt xuất phát từ chính quê nhà Mexico, bởi quốc gia này đang tấn công vào thế độc quyền viễn thông của hãng”, Mark Mobius, Chủ tịch điều hành Templeton Emerging Markets Group cho biết. “Khi các đối thủ dễ thở hơn, tập đoàn America Movil sẽ gặp khó ở Mexico và lợi nhuận sẽ không được như trước”.
Hiện tại, theo hãng tin Bloomberg, ông Arturo Elias, người phát ngôn của tỷ phú Carlos Slim, đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, thực tế là, nhiều cổ đông bên ngoài của America Movil đang bán tháo cổ phiếu trong tay, do những nỗi lo lắng của họ đã trở thành hiện thực. Đó là việc tỷ phú Carlos Slim cũng không thể “miễn dịch” trước sự suy giảm tăng trưởng của khu vực Mỹ Latin. Sự tác động này đã khiến cho giá cổ phiếu của America Movil xuống thấp nhất trong 4 năm.
“Nếu họ không thể giữ vững được lợi nhuận, thì không ai thực sự còn cơ hội”, Christopher King, một chuyên gia phân tích thuộc hãng Stifel Nicolaus & Co. ở Baltimore, nhận định. King đã hạ đánh giá cổ phiếu America Movil xuống mức trung lập hồi tháng 10/2010, sau khi ông đã khuyến nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu này trong thời gian hơn 4 năm.
Kể từ đó cho tới nay, giá cổ phiếu của America Movil đã giảm 25%, so với mức tăng 25% của chỉ số chứng khoán IPC ở Mexico.
Tập đoàn America Movil đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại quê nhà, Mexico. |
Từ lâu, tập đoàn America Movil đã phải đương đầu với những cáo buộc từ các đối thủ cạnh tranh cũng như từ nhà chức trách về việc hãng giành thế độc quyền ở Mexico. America Movil hiện đang nắm giữ tới 70% thị phần di động và khoảng 80% thị phần điện thoại cố định ở Mexico.
Mặc dù tỷ phú Slim luôn nói rằng, sự tồn tại của các đối thủ cạnh tranh là bằng chứng cho thấy ông không hề độc quyền, song rõ ràng là các cổ đông của công ty đã đánh giá cao vị thế thống trị của America Movil, Pablo Vallejo, một nhà phân tích thuộc hãng Corporativo GBM SAB ở Mexico City, cho hay.
“Thị trường từng coi trọng cổ phiếu của America Movil bởi địa vị thống trị của tập đoàn này tại Mexico và Colombia”, Vallejo nói. Do đó, “tất cả những tình huống được dự tính sẽ mang đến sự thay đổi đều được xem là tin xấu đối với America Movil”.
Tuần trước, tờ Reforma cho biết, một dự thảo về việc cải tổ thị trường viễn thông ở Mexico đã viết rằng các công ty có thị phần từ 40% trở lên sẽ bị coi là độc quyền và buộc phải cho các hãng đối thủ thuê lại một phần mạng lưới của mình. Theo tờ báo này, các nhà làm luật cũng có thể thu hồi các giấy phép khai thác đối với những hành vi độc quyền.
Ngoài những vấn đề nội tại ở quê nhà, thì những khoản đầu tư của America Movil ở châu Âu cũng đang là một vấn đề lớn. Sau khi chi hơn 3 tỷ Euro (4 tỷ USD) để thu mua 28% cổ phần của hãng Royal KPN NV trong năm ngoái, hiện hãng viễn thông của tỷ phú Slim đang phải chứng kiến việc cổ phiếu của “đại gia” di động Hà Lan này giảm tới 65%.
Tháng trước, America Movil đã quyết định chi thêm 900 triệu Euro để giúp đỡ cho KPN. Trong khi đó, một khoản đầu tư khác của tỷ phú Slim cũng đang bộc lộ những dấu hiệu bất ổn. Đó là việc cổ phiếu của Telekom Austria AG cũng đã giảm tới 36%, kể từ sau khi America Movil chấp thuận mua 21% cổ phần trong công ty viễn thông này.
Slim từng nói rằng, ông xem việc đổ tiền vào những nhà mạng ở châu Âu là các khoản đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, sự thua lỗ của chúng, cùng với những thách thức mà America Movil đang phải đối mặt ở quê nhà, rõ ràng là đã khiến các cổ đông hoài nghi liệu đây có phải là cách sử dụng tiền tốt nhất, nhà phân tích Richard Dineen của HSBC Holdings nói.
Theo VnEconomy