Tôi tìm tới bãi tập kết “ve chai” của vợ chồng anh Đinh Thiên Tâm, chị Nguyễn Diệu Thúy vào xế chiều. Căn biệt thự cũ rộng hơn 100 m2 của người thân gần hồ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) được anh chị mượn tạm nhiều tháng nay làm chỗ chứa hàng ngàn vỏ chai thủy tinh các loại. Chỉ vào “núi” ve chai ngay cửa nhà, anh Tâm cho biết: “Đồ thiên hạ bỏ đi nhưng sau khi tái chế sẽ thành các sản phẩm hữu dụng, được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Nhiều bạn ở tỉnh xa cũng đã tìm tới cửa hàng nhà tôi để mua hàng và học cách đổi phận cho ve chai”.
Anh Tâm, chị Thúy cùng tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội. Sau khi ra trường, hai vợ chồng làm đồ họa, thực hiện các dự án quảng cáo cho nhiều công ty, có thu nhập khá. Bên cạnh công việc chính, anh Tâm đầu tư nhiều thời gian cho đam mê chế tác đồ mỹ nghệ từ đá. Trong dịp nói chuyện với vợ về chủ đề đồ tái chế sáng tạo, anh Tâm nảy ra ý thử tận dụng những vỏ chai vứt đi để chế tạo thành những đồ gia dụng hữu ích. Chiếc máy cắt, mài đá anh tậu về từ lâu được mang ra sử dụng để cắt vỏ chai rượu sau đó mài nhẵn dùng làm cốc uống nước.
Anh Đinh Thiên Tâm phát triển kinh doanh từ ý tưởng đổi phận cho những vỏ chai bị vứt đi. Ảnh: NVCC. |
Vốn có tài hội họa, chị Diệu Thúy giúp chồng trang trí cho chiếc cốc, đồng thời dùng nửa trên của chai để chế thành chụp đèn tặng bạn bè. “Lúc đầu mình chỉ xác định làm chơi, dùng trong nhà và tặng bạn bè nhưng không ngờ lại được nhiều người thích thú, gợi ý nên làm đồ bán, vừa không tốn vốn mà lại được giá. Chồng mình thấy ý tưởng kinh doanh từ vỏ chai tái chế cũng hay nhưng điều kích thích anh ấy hơn lại là việc đổi phận cho những vỏ chai vứt đi trở thành đồ gia dụng hữu ích, đẹp và được mọi người trân trọng”, chị Thúy chia sẻ.
Từ thú vui nhất thời, cặp vợ chồng 8X quyết định theo đuổi mục tiêu kinh doanh nghiêm túc. Được bạn bè bắt mối với nhiều quán bar, nhà hàng tặng miễn phí vỏ chai thủy tinh, chị Thúy nhờ mặt bằng không sử dụng của người nhà làm địa điểm tập kết và lấy chính vỏ chai sau khi tái chế làm quà tặng lại các địa chỉ trên. Những món quà hữu ích được vẽ trang trí theo nhiều phong cách hợp với concept nội thất của mỗi nhà hàng như cốc uống cỡ đại làm từ vỏ chai bia, chụp đèn, đế nến, bình cắm hoa nghệ thuật… không chỉ khiến các chủ quán hài lòng mà còn thu hút nhiều khách yêu thích sản phẩm, tìm tới đôi vợ chồng ve chai.
Tuy không phải bỏ vốn cho nguồn nguyên liệu chính song hai vợ chồng mất khá nhiều công của cho việc đầu tư máy móc và tìm nguồn nhập ngoại chất liệu màu vẽ tốt, chuyên dụng trên bề mặt thủy tinh. Một bộ máy cắt, mài và mài bóng thủy tinh bao gồm máy cắt cầm tay và các đầu cắt, mài, dũa, cắt mềm theo mọi hình thiết kế do tự tay anh Tâm chế tạo từ máy cắt, mài đá.
Anh Tâm tự hào chia sẻ: “Nếu như mua mới một bộ máy như vậy ở nước ngoài thì rẻ nhất cũng phải vài chục triệu nhưng tôi tự chế chỉ mất gần 10 triệu đồng. Chưa kể máy cắt ngoại chỉ cắt kính trên mặt phẳng còn đầu cắt tự chế của tôi có thể cắt hình kính theo mọi hình dáng, đường cong khác nhau. Tuy nhiên, để chế được một bộ máy như thế mất cũng không ít phí thử nghiệm và chất xám!”. Hiện anh Tâm đã có 3 - 4 bộ máy tự chế tiện lợi dùng được trong nửa năm sẽ bảo dưỡng, thay lưỡi cắt hoặc mài sắc một lần.
Các sản phẩm gia dụng, trang trí nội thất từ vỏ chai tái chế có giá từ vài chục tới vài trăm ngàn đồng đắt khách. Ảnh: NVCC. |
Vốn là chuyên gia quảng cáo, chị Diệu Thúy đặt tên công việc của mình là “hành trình giải cứu những chiếc chai”. Theo chị, những vỏ chai bị vứt đi tưởng như không còn giá trị dưới bàn tay người thợ, trải qua nhiều công đoạn chế tác lại trở thành những sản phẩm mang tính nghệ thuật, được trưng bày trân trọng trong những công trình kiến trúc đẹp, không gian sang trọng- Đó là cả một hành trình “đổi phận” ấn tượng. Và vợ chồng chị tự hào vì công việc không chỉ đem lại lợi nhuận kinh doanh mà còn là việc có lợi cho môi trường, tiết kiệm nguồn nguyên liệu và “đẩy lùi tệ nạn làm rượu giả”.
Tiếng lành đồn xa, đam mê ra tiền của đôi vợ chồng trẻ đã được nhiều báo, đài trong nước và quốc tế biết tới. Một tạp chí tiêu dùng của Nhật đã giới thiệu về quán ve chai này với những sản phẩm tái chế nghệ thuật, hút khách trong và ngoài nước. Du khách Adrean (Madrid, Tây Ban Nha) và bạn gái trong dịp tới quán ngắm đèn lồng vỏ chai đã để lại những dòng chia sẻ thú vị: “Tôi đã thấy nhiều sản phẩm tái chế đẹp ở nhiều nước nhưng vẫn cảm thấy thật sự ấn tượng với những đồ nội thất được làm từ vỏ chai bỏ đi. Nếu có thể mang theo tôi sẽ chi tiền cho rất nhiều thứ đẹp đẽ tại đây. Có lẽ khi trở lại Tây Ban Nha, tôi cũng sẽ nghiên cứu cách làm vỏ chai tái chế nghệ thuật như vậy”.
Một khách hàng nữ từ thành phố Hồ Chí Minh sau khi ngắm những mặt hàng ve chai trên facebook đã viết hẳn một lá thư dài hỏi chủ shop cách làm những mẫu cốc và đèn ngủ đẹp từ vỏ chai, địa chỉ mua màu vẽ và cách vẽ. Chị Diệu Thúy cũng sẵn sàng tư vấn nhiệt tình cho mỗi câu hỏi của khách. “Đây là việc làm thiết thực, hữu ích, thúc đẩy hành vi tích cực trong xã hội nên tôi rất muốn được chia sẻ cho những người cùng đam mê”, chị cho biết.
Các sản phẩm được bán với giá từ vài chục tới vài trăm ngàn đồng, theo chủ quán chia sẻ, đem lại nguồn thu nhập đủ để nuôi đam mê và ấp ủ kế hoạch tìm đối tác, mở rộng kinh doanh lâu dài. Anh Đinh Thiên Tâm cho biết, tham vọng lớn nhất của anh là có thể tìm được đối tác phù hợp để mở doanh nghiệp xã hội, nhận dạy nghề cho trẻ em, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đầu tư cho chất lượng sản phẩm, phát triển từ mô hình sản xuất đơn chiếc thành dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp và mở rộng thị trường.