Đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết tuyến cáp quang biển APG đã gặp sự cố đứt sợi trên phân đoạn S1.7, cách khu vực Đông Nam Á khoảng 910 km. Hiện tại đơn vị quản lý tuyến cáp chưa thông tin đến các nhà mạng về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố.
Tuyến cáp APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016, có chiều dài khoảng 10.400 km, với nhiều điểm kết nối các khu vực tại châu Á. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cáp quang biển APG được đánh giá có tốc độ đường truyền lớn và ổn định cho người dùng Internet tại Việt Nam. Ảnh: CDV. |
Cáp APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom. Tuyến cáp này được đánh giá có tốc độ đường truyền lớn và ổn định cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Trong năm 2021, tuyến APG đã 4 lần gặp sự cố, trong đó lần gần nhất xảy ra vào tháng 12/2021. Cụ thể, ở lần gặp sự cố thứ tư trong năm ngoái, lần lượt vào các ngày 5/12 và 13/12, cáp APG gặp sự cố trên 2 hướng cáp kết nối đi Nhật và Hong Kong. Vào ngày 14/1/2022, sự cố trên nhánh kết nối đi Nhật đã được sửa xong.
Đến ngày 27/2/2022, sau gần 3 tháng gián đoạn dịch vụ do gặp sự cố, tuyến cáp biển APG hướng đi Hong Kong đã được sửa chữa, khắc phục xong và khôi phục hoạt động bình thường.
Tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2021, vấn đề độ ổn định và chất lượng cáp quang cũng được đưa ra bàn luận. Theo đại diện của Viettel Networks, trong 5 năm gần đây, các tuyến cáp quang biển Việt Nam ra khu vực bị đứt trung bình 10 lần mỗi năm, mỗi lần trục trặc kéo dài một tháng. Do vậy, các doanh nghiệp chỉ sử dụng được khoảng 3/4 các tuyến cáp.
Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) nhận định lưu lượng truy cập Internet nước ngoài hiện lớn hơn nhiều so với trong nước. Các tuyết cáp biển gặp sự cố sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ Internet. Các nhà mạng, một mặt đã tìm cách đầu tư xây dựng các tuyến cáp mới, mặt khác cũng tìm cách tăng lưu lượng Internet trong nước.
Các khách mời tại phiên tọa đàm cho rằng ngoài việc mở rộng số lượng tuyến cáp, các doanh nghiệp trong nước cần đặt dung lượng dự phòng lớn hơn, đẩy mạnh sử dụng sản phẩm công nghệ trong nước.