Trưa 4/5, một xe tải chở dầu nhớt bất ngờ bốc cháy trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, làm tê liệt cả 2 chiều giao thông. Trong tình huống cao tốc ùn tắc dài, hệ thống làn dừng khẩn cấp được đầu tư dọc tuyến cao tốc đã phát huy hiệu quả trong việc giúp xe cứu hỏa tiếp cận hiện trường.
Việc đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Trung Lương ứng dụng thành công làn dừng khẩn cấp trong tình huống hỏa hoạn khiến chuyên gia liên tưởng đến viễn cảnh hỏa hoạn xảy ra trên các tuyến cao tốc không được thiết kế làn khẩn cấp.
"Làn khẩn cấp phát huy tốt công năng"
Trao đổi với Zing, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ) cho biết hệ thống làn dừng khẩn cấp của cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã phát huy tốt công năng trong tình huống có hỏa hoạn.
Cụ thể, các xe cứu hỏa từ hướng TP.HCM và Tiền Giang đã sử dụng làn khẩn cấp để nhanh chóng tiếp cận đám cháy, dập lửa thành công.
Phương tiện chuyên dụng có thể tiếp cận hiện trường hỏa hoạn trên cao tốc thông qua làn khẩn cấp. Ảnh: Chí Hùng. |
Sau khi đám cháy được khống chế, mặt đường cao tốc vẫn chưa thể sử dụng được do còn dầu bám gây trơn trượt. Giải pháp của lực lượng CSGT là cho các phương tiện lách sang làn dừng khẩn cấp để thoát dần khỏi đoạn ùn tắc.
Như vậy, trong tình xuống đám cháy án ngữ cao tốc gây ùn tắc, làn dừng khẩn cấp đã đáp ứng cả 2 vai trò: Làm hành lang để các phương tiện cứu hỏa, cứu hộ tiếp cận hiện trường và làm lối thoát tạm thời cho xe cộ bị ùn tắc.
Trung tá Nguyễn Tuấn Anh (Trưởng khoa Chữa cháy, Đại học PCCC) đánh giá trong bối cảnh ở Việt Nam chưa có trực thăng chữa cháy, làn dừng khẩn cấp vẫn là giải pháp tối ưu nhất để lực lượng cứu hỏa tiếp cận đám cháy trên đường cao tốc.
Ông Tuấn Anh khẳng định việc nhiều tuyến cao tốc hiện nay không thiết kế làn dừng khẩn cấp sẽ là trở ngại lớn, không chỉ cho việc cứu hỏa mà còn cả hoạt động cấp cứu người bị thương, cứu hộ, cứu nạn nói chung.
Trường hợp không có làn khẩn cấp, xe cứu hỏa có thể đi ngược chiều để tiếp cận hiện trường hỏa hoạn. Tuy nhiên, giảng viên PCCC nhận định giải pháp này có nhiều rủi ro hơn việc sử dụng làn khẩn cấp. Trên thực tế, một xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ năm 2018 đã va chạm trực diện với xe khách, gây thương vong nghiêm trọng.
Giải pháp tình thế với "cao tốc 17 m"
Hai đường cao tốc được khánh thành gần đây nhất là tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) và Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) đều không có làn dừng khẩn cấp liền mạch trên toàn tuyến.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Các tuyến cao tốc nhỏ hẹp, khuyết làn khẩn cấp tại Việt Nam được gọi tắt là "cao tốc 17 m" - mặt đường chỉ đủ rộng để bố trí dải phân cách giữa, 2 làn xe cơ giới mỗi chiều và hộ lan 2 bên.
Trao đổi với Zing, ông Lê Châu Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Đèo Cả, đơn vị phụ trách vận hành tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết việc thiết kế cao tốc không có làn dừng khẩn cấp là một vấn đề với đơn vị vận hành.
Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn gây ùn tắc trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Thắng cho biết giải pháp khả dĩ nhất là đóng cửa chiều đường đó, chờ cho phương tiện thoát hết khỏi cao tốc rồi cho xe cứu hỏa đi ngược chiều để tiếp cận hiện trường.
Ông Thắng cho biết việc cho xe cứu hỏa đi ngược chiều vào cao tốc phải rất cẩn trọng, cần làm tốt công tác điều tiết thông qua camera, bởi đã từng có trường hợp xe cứu hỏa gây tai nạn khi đi ngược điều trên cao tốc.
Ngoài ra, dọc tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận cũng bố trí dải phân cách giữa mềm, có thể tháo dỡ cho phương tiện quay đầu trong tình huống ùn tắc.
"Về lâu dài, các tuyến cao tốc 17 m như Trung Lương - Mỹ Thuận cần được đầu tư hoàn chỉnh, mở rộng thêm làn xe và làm làn dừng khẩn cấp liền mạch dọc tuyến", lãnh đạo doanh nghiệp vận hành cao tốc chia sẻ.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng Công trình giao thông, Sở GTVT Ninh Bình, cho biết tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đi qua địa bàn tỉnh cũng phải chấp nhận thiết kế thiếu làn dừng khẩn cấp. Trên toàn tuyến chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp đứt đoạn, không giải quyết được vấn đề lưu thông cho xe cứu hộ.
Thay vào đó, trên tuyến sẽ có các đoạn quay đầu xe khẩn cấp (dải phân cách mềm có thể tháo dỡ) để xe cứu hỏa nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Ngoài ra, hệ thống đường gom 2 bên cao tốc cũng là giải pháp để các phương tiện cứu hộ tiếp cận.
Theo phương án phân kỳ đầu tư của Bộ GTVT, không riêng tuyến Cao Bồ - Mai Sơn hay Trung Lương - Mỹ Thuận mà toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025 có quy mô mặt đường 17 m. Trên tuyến chỉ có các điểm dừng xe cục bộ, không có làn dừng khẩn cấp liền mạch.
Bộ GTVT đã cân nhắc 4 phương án: (1) đầu tư hoàn chỉnh ngay theo quy mô được duyệt (quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8-10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau 4 làn xe); (2) phân kỳ đầu tư theo quy mô 2 làn xe; (3) quy mô 4 làn xe (có làn dừng khẩn cấp) và (4) quy mô 4 làn xe (17 m - không làn dừng khẩn cấp).
Sau cùng, phương án quy mô 4 làn xe (không có làn dừng khẩn cấp) được lựa chọn để đảm bảo cân đối nguồn vốn, hiệu quả đầu tư.