Liệu pháp cạo gió dùng bờ trơn láng của các công cụ như tấm cạo gió, đồ sứ, muỗng nhỏ, đồng xu xát mạnh vào một vùng nào đó trên cơ thể người bệnh, lặp lại nhiều lần từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, để kích thích tuần hoàn máu dưới da nhằm chữa một số chứng bệnh thường gặp.
Để giảm sức cản khi cạo, tránh tổn thương làn da, tăng hiệu quả điều trị, trước khi thao tác cần thoa lên bộ phận cần cạo một lớp chất xúc tác như dầu vừng, dầu gió, rượu trắng, nước…
Tư thế người bệnh khi cạo gió
Nằm ngửa. Người bệnh mặt hướng lên trên, nằm duỗi thẳng trên giường, để lộ phần bụng và cạnh trong của chi trên. Thích hợp dùng cho lấy huyệt và cạo các huyệt hay các vị trí ở mặt, đầu, bụng, cạnh trong, cạnh trước của chi trên, cạnh trước và cạnh ngoài của chi dưới.
Nằm úp. Người bệnh nằm sấp, duỗi thẳng chân trên giường. Tư thế này thích hợp dùng cho lấy huyệt và cạo vị trí hay huyệt vị ở phần lưng, mông, sau chi dưới gần bàn chân.
Nằm nghiêng. Người bệnh mặt hướng sang một bên, hai đầu gối hơi co, cơ thể ở tư thế nằm nghiêng. Thích hợp lấy huyệt và cạo gió huyệt vị ở một bên mặt, bả vai, cạnh ngoài của tứ chi, khe lườn ở phần ngực và lưng, mặt bên của cơ thể.
Ngồi cúi. Người bệnh ngồi cúi trên ghế, để lộ lưng sau và cổ, thích hợp dùng cho lấy huyệt và cạo vị trí hoặc huyệt vị hai bên xương sống, sau đầu, cổ, bả vai, lưng, mông hoặc tiến hành kiểm tra hai bên xương sống.
Ngồi tựa. Người bệnh ngồi tựa lưng vào ghế, để lộ phần dưới cằm, cổ họng. Thích hợp dùng cho lấy huyệt và cạo gió vị trí hay huyệt vị ở mặt, trước cổ, hai bên xương cổ họng, khe giữa lườn ở ngực.
Các phương pháp cạo gió
Phương pháp cạo trực tiếp: Sau khi bôi chất xúc tác lên trên chỗ cần cạo gió, dùng dụng cụ cạo trực tiếp cạo lên da người bệnh, tiến hành lặp lại thao tác cho đến khi da hằn lên vết bệnh thì dừng lại. Người bệnh nên ở tư thế ngồi hoặc ngồi hơi cúi. Người cạo dùng khăn ấm lau vùng da ở chỗ cạo gió của người bệnh, bôi đều chất xúc tác, sau đó cầm dụng cụ cạo, tiến hành cạo, cạo đến lúc vùng da đỏ ửng thì dừng lại.
Phương pháp bổ (bổ cạo): Lực ấn nhỏ, tốc độ chậm, có thể kích phát chính khí của cơ thể làm cho chức năng cơ thể hồi phục nhanh. Lâm sàng phần lớn dùng cho người già, cơ thể yếu, bệnh kéo dài, bệnh nặng hoặc cơ thể gầy yếu.
Phương pháp tả (tả cạo): Lực ấn lớn, tốc độ nhanh, có thể giảm độc ở phần bệnh, làm cho chức năng cơ thể khôi phục bình thường. Lâm sàng phần lớn dùng cho người bệnh là thanh niên cường tráng, người mới mắc bệnh, bệnh gấp hoặc người có hình thể rắn chắc.
Phương pháp bình bổ, bình tả (bình cạo): Còn gọi là phương pháp cạo cân bằng, có 3 loại phương pháp tay: thứ nhất là lực ấn lớn, tốc độ chậm. Thứ hai là lực ấn nhỏ, tốc độ nhanh. Thứ ba là lực ấn vừa phải, tốc độ vừa phải. Khi ứng dụng cụ thể có thể căn cứ vào bệnh tình và thể chất của người bệnh để linh hoạt sử dụng. Trong đó lực ấn vừa, tốc độ vừa dễ được người bệnh tiếp nhận. Phương pháp này cân bằng giữa phương pháp bổ và phương pháp tả, thường dùng cho người khỏe mạnh bình thường.
Cạo gió các vị trí trên cơ thể người
Vùng đầu:
Cạo hai bên đầu: Từ huyệt Thái dương (hai bên đầu) bắt đầu cạo đến huyệt Phong trì, cạo qua các huyệt vị: Đầu duy, Hàm phục, Huyền lư, Huyền li, Luật cốc, Thiên xung, Phù bạch, Não không.
Phần đầu trước: Từ huyệt Bách hội bắt đầu cạo đến viền tóc đầu trước, qua các huyệt: Tiền đỉnh, Thông thiên, Tín hội, Thượng tinh, Thần đình, Thừa quang, Ngũ xứ, Khúc sai, Chính doanh, Đương dương, Đầu lâm khấp.
Phần đầu sau: Từ huyệt Bách hội bắt đầu cạo đến viền tóc ở đầu sau, qua các huyệt: Hậu đỉnh, Lạc khước, Cường gian, Não hộ, Ngọc chẩm, Não không, Phong phủ, Á môn, Thiên trụ.
Phần toàn bộ đầu: Dùng huyệt Bách hội làm trung tâm theo phương hướng tỏa ra xung quanh cạo toàn bộ đầu. Qua toàn bộ huyệt vị và trung khu cảm giác, trung khu vận động, trung khu nghe, trung khu nhìn, trung khu dạ dày, trung khu khoang não, trung khu sinh sản.
Vùng mặt:
Cạo phần trán: Trán bắt đầu từ chính giữa phía trước phân tách ra, hai bên lần lượt cạo từ trong ra ngoài. Vùng trán bao gồm da giữa viền tóc trước và lông mày. Qua các huyệt: Ấn đường, Toán trúc, Ngư yêu, Ty trúc không.
Cạo phần hai gò má: Từ huyệt Thừa khấp đến Cự liêu, Nghênh hương đến khu vực Nhĩ môn, Nhĩ cung, lần lượt cạo từ trong ra ngoài, qua các huyệt vị: Thừa khấp, Tứ bạch, Quyền liêu, Hạ quan, Cự liêu, Thính cung, Thính hội, Nhĩ môn.
Cạo phần cằm dưới: Lấy Thừa tương làm trung tâm lần lượt cạo từ trong ra ngoài. Qua các huyệt vị Thừa tương, Địa thương, Đại nghênh, Giáp xa.
Vùng lưng:
Phương pháp cạo phần lưng bao gồm phương pháp cạo phần đốt sống ngực, đốt sống lưng và đốt sống đuôi.
Đường chính giữa phần lưng (đốt sống ngực, đốt sống lưng, đốt sống đuôi): từ huyệt Đại chùy đến huyệt Trường cường.
Cạo hai bên lưng (bao gồm đốt sống ngực, đốt sống lưng, hai bên đốt sống đuôi): chủ yếu cạo các đường Túc thái dương bàng quang kinh ở phần lưng, tức 1,5 tấc và 3 tấc bên cạnh xương sống.
Hướng cạo vùng ngực. Ảnh: SKĐS. |
Vùng ngực:
Cạo phần ngực bao gồm cạo đường chính giữa và hai bên ngực.
Cạo đường chính giữa (quan sát ngực để tiến hành): Từ huyệt Thiên đột qua Kinh thiện đến Cưu vỹ, cạo từ trên xuống dưới.
Cạo hai bên ngực: Từ đường chính giữa cạo từ trong ra ngoài.
Vùng cổ:
Phương pháp cạo phần cổ bao gồm phương pháp cạo đường chính giữa, và hai cạnh cổ.
Cạo đường chính giữa cổ (tuần tự tiến hành các mạch ở cổ): Từ huyệt Á môn đến huyệt Đại chùy.
Cạo từ hai bên cổ đến trên vai: Từ huyệt Phong trì đến Kiên tỉnh, Cự cốt. Qua các huyệt Kiên trung du, Thiên liêu, Bỉnh phong.
Hướng cạo vùng cổ. Ảnh: SKĐS. |
Vùng bụng:
Phương pháp cạo bụng bao gồm cạo đường chính giữa và cạo hai bên bụng.
Cạo đường chính giữa (quan sát phần bụng để tiến hành): Từ huyệt Cưu vỹ đến huyệt Thủy phân, từ huyệt Âm giao đến huyệt Khúc cốt.
Cạo hai bên bụng: Từ huyệt U môn, Bất dung, Nhật nguyệt hướng xuống dưới, qua Thiên khu, Hoang du đến Khí xung, Hoành cốt.
Tứ chi:
Cạo cạnh trong chi trên: Từ trên xuống dưới qua Thủ tam âm kinh tức Thủ thái âm phế kinh, Thủ quyết âm tâm bào kinh, Thủ thiếu âm tâm kinh.
Cạo gió cạnh ngoài của chi trên: từ trên xuống dưới qua Thủ tam dương kinh tức Thủ dương minh đại trành kinh, Thủ thiếu dương tam tiêu kinh, Thủ thái dương tiểu tràng kinh.
Cạo cạnh trong của chi dưới: Từ trên xuống dưới qua Túc tam âm kinh tức Túc thái âm tỳ kinh, Túc quyết âm can kinh, Túc thiếu âm thận kinh.
Cạo phần mặt trước, cạnh ngoài, mặt sau của chi dưới: Từ trên xuống dưới qua Túc dương minh vị kinh, Túc thiếu dương kinh, Túc thái dương bàng quang kinh.
Những điều cần lưu ý
- Khi cạo gió người bệnh cần bộc lộ làn da, nên lưu ý giữ ấm trong phòng, nhất là vào mùa lạnh cần tránh hàn lạnh và ngọn gió. Khi cạo gió vào mùa nóng, cần tránh quạt máy thổi trực tiếp vào làn da bộc lộ.
- Sau khi cạo gió trong vòng một giờ không tắm nước lạnh.
- Không nên cạo gió lần thứ hai khi vết bệnh của lần trước chưa biến mất, thời gian cách nhau giữa hai lần cạo 4-7 ngày, với vết bệnh biến mất để làm chuẩn.
- Khi cạo gió, không ngừng hỏi thăm người bệnh có đau hay không, theo dõi phản ứng của người bệnh để điều chỉnh sức cạo nặng nhẹ, không gây tổn thương da. Khi cạo vùng lưng nên thuận từ trên xuống dưới, thường không cạo ngược từ dưới lên trên.
- Trong quá trình cạo gió, người bệnh xảy ra hiện tượng chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, vã mồ hôi lạnh, sắc mặt trắng nhạt, tay chân lạnh, tức ngực buồn nôn hoặc hôn mê, tạm ngừng cạo gió kịp thời, nhanh chóng cho người bệnh nằm thẳng, bằng tư thế đầu thấp chân cao. Cho người bệnh dùng một ly nước đường ấm, lưu ý giữ ấm. Kịp thời xoa nắn huyệt Bách hội, Nhân trung, Nội quan, Túc tam lý, Dũng tuyền. Nằm nghỉ giây lát người bệnh sẽ hồi phục.
Chống chỉ định trong cạo gió
- Vùng bụng, vùng thắt lưng của phụ nữ mang thai, đầu vú của phái nữa cấm