Một sáng tháng 11 lạnh giá ở Connecticut, bà Candy, 49 tuổi, vào phòng ngủ sau khi kết thúc ca trực đêm. Yên vị trên giường, bà mở điện thoại và dạo quanh các trang mạng xã hội.
Nhưng đêm 3/11 đặc biệt hơn vì đó là ngày bầu cử mà kết quả vẫn chưa rõ ràng. Cuộn mình trong chăn, bà Candy chăm chú theo dõi tin tức trong khi chờ ứng viên yêu thích lên tiếng.
Khi đồng hồ chỉ vừa qua nửa đêm, ứng viên mà bà Candy ủng hộ đăng trên mạng xã hội. “Chúng ta đang thắng lớn, nhưng họ đang cố đánh cắp chiến thắng này. Chúng ta sẽ không bao giờ để họ làm điều đó. Không thể bỏ phiếu sau khi thùng phiếu đã đóng!”.
Nội dung trên được Tổng thống Donald Trump đăng lên Twitter vào nửa đêm 4/11.
Bà Candy chụp ảnh với tấm bìa có hình ông Trump. Ảnh: Facebook. |
Bà Candy đồng ý với bài tweet. Bà thất vọng với kết quả của đêm hôm đó. Vì vậy, khi một bạn thân mời bà tham gia nhóm Facebook có tên Stop the Steal (tạm dich: Ngăn việc cướp chiến thắng), bà nhận lời ngay.
"Đảng Dân chủ nói ra rả họ sẽ làm bất cứ điều gì để loại ông Trump. Họ thành công rồi", bà Candy nói với BBC.
Bà Candy thực sự tin gian lận xảy ra, bởi thông tin này tràn ngập Facebook của bà trong nhiều tháng. Và rất nhiều người cũng tiếp cận nội dung tương tự như của bà Candy suốt một thời gian dài cho đến ngày bầu cử.
Tweet và dân chủ
Nhóm chống thông tin sai lệch của BBC phát hiện những tuyên bố gây hiểu lầm về gian lận bầu cử được các tài khoản có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội lan truyền liên tục trong nhiều tháng.
Và những thông tin đó đến từ người đứng đầu Nhà Trắng. Tổng thống Trump lần đầu đăng các cáo buộc lên Twitter vào tháng 4.
Từ thời điểm đó đến cuộc bầu cử, ông Trump nhắc đến vấn đề này hơn 70 lần.
Đây không phải là chủ đề mới. Ông Trump từng đưa ra các cáo buộc về hành vi gian lận bầu cử vào năm 2016, sau cuộc đua mà ông giành chiến thắng.
Ông Trump đã liên tục cáo buộc có gian lận bầu cử từ tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, lần này, bằng chứng cho thấy có nhiều người đọc được các tuyên bố nói cuộc bầu cử bị thao túng trên mạng xã hội hơn so với năm 2016. Bà Candy chỉ là một trong số đó. Hàng trăm nghìn người đã tham gia các nhóm trên Facebook, vốn được lập ra để "Stop the Steal".
Nghiên cứu của BBC cho thấy các tài khoản của những nhân vật bảo thủ nổi tiếng chính là công cụ khuếch đại cáo buộc gian lận.
Nguồn gốc của #StoptheSteal
Đêm bầu cử, từ khóa #StoptheSteal trở nên phổ biến trên Twitter sau khi nhiều video gây nhầm lẫn về cuộc bầu cử được lan truyền.
Trong một video, quan sát viên không được phép vào nơi bỏ phiếu ở Philadelphia. Video này đạt gần 2 triệu lượt xem trên Twitter và được nhiều người ủng hộ ông Trump chia sẻ.
Người đàn ông là nhân vật chính trong video được các quan chức yêu cầu đợi ở ngoài. Một phụ nữ nói giấy phép giám sát của ông không dùng được tại một số điểm bỏ phiếu.
Video này hoàn toàn có thật. Nhưng hóa ra người phụ nữ bị sai vì không rõ luật. Các quan sát viên thường chỉ được vào những trạm bỏ phiếu nhất định ở Philadelphia. Tuy nhiên, năm nay, họ có thể đi đến nhiều trạm khác nhau.
Sau đó, vấn đề được giải quyết và người đàn ông được phép vào trong. Các quan chức cũng gửi lời xin lỗi quan sát viên.
Tuy nhiên, việc nhận sai không được thể hiện trong đoạn video đang được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng.
Khẩu hiệu “Stop the Steal” sau đó được dùng trong nhiều nhóm lớn trên Facebook. Các nhóm này đã thu hút hơn một triệu thành viên kể từ đêm bầu cử.
Một trong những nhóm Facebook của những người ủng hộ ông Trump được lập ra sau ngày bỏ phiếu. Ảnh: BBC. |
Nhiều nhóm bị xóa sau khi thành viên đăng bài kêu gọi sử dụng bạo lực và “nội chiến”.
Những video gây hiểu nhầm và các cáo buộc về gian lận bầu cử được chia sẻ đầy rẫy trong các cộng đồng này. Chúng xuất hiện trên mạng xã hội của những người như bà Candy.
Bút lông, đốt phiếu bầu và người chết bỏ phiếu
“Người khác nói những nhóm này được lập ra để gây bạo loạn trên khắp cả nước. Điều này không hề đúng”, bà Candy giận dữ nói với BBC vì nhóm Facebook Stop the Steal của bà bị xóa.
Bà Candy nói mình và những thành viên khác không hề muốn dùng bạo lực. Họ chỉ muốn theo đuổi sự thật.
“Mọi người chỉ đang phơi bày những trò gian lận mà họ thấy trong cuộc bầu cử”, bà nói.
Mặc dù không phải lúc nào cũng tin những gì mình đọc được, Facebook là nơi bà Candy cập nhật thông tin bầu cử. Bà cũng thừa nhận dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội này.
Bà Candy cũng kể cho BBC những cáo buộc gian lận bà nghe được, như cử tri được phát một loạt bút đặc biệt để phiếu bầu của họ bị lỗi, hoặc nhiều lá phiếu bị vứt hay xé bỏ.
Những cáo buộc này đều là bịa đặt, không chính xác hoặc không có bằng chứng, BBC cho biết.
Trong bài đăng Facebook, một người đàn ông nói đã ném bỏ các phiếu bầu cho ông Trump ở bang Wisconsin. Hóa ra, ông sống ở Detroit, bang Michigan.
Sau đó, người dùng Facebook này nói với BBC rằng ông chỉ là một người bán thịt và không liên quan gì đến việc kiểm phiếu. Bài đăng đó chỉ là một trò đùa.
Thuyết âm mưu tràn lan
Trong cuộc bầu cử này, hàng loạt thuyết âm mưu nổi lên cho rằng mọi thứ đều bị thao túng, đáng ngờ và không như bề ngoài.
Giáo sư Whitney Phillips của Đại học Syracuse nói thuyết âm mưu của nhóm QAnon phần nào giải thích được vì sao những tin đồn về bầu cử lại lan nhanh như vậy.
Những người tin theo QAnon tin rằng ông Trump đang có cuộc chiến bí mật chống lại những kẻ ấu dâm thờ quỷ Satan.
Một lá cờ QAnon xuất hiện trong cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử. Ảnh: Getty. |
“Báo chí và các nhà bình luận thường tập trung vào yếu tố ấu dâm mà QAnon tung ra. Tuy nhiên, ẩn dưới đó là niềm tin về nhà nước ngầm”, khiến người ủng hộ ông Trump nghi ngờ mọi thứ, bà Phillips nói.
Và nỗi sợ lớn nhất của bà Phillips về hậu quả của những thuyết âm mưu không phải là bạo lực. Bà không nghĩ những người như Candy sẽ xuống đường bạo loạn vì tin giả trên mạng.
Thay vào đó, bà Phillips và các chuyên gia khác lo lắng niềm tin của người Mỹ vào nền dân chủ sẽ bị xói mòn.