Cảnh xác xơ, tang tóc sau cơn lũ quét lịch sử ở Yên Bái
Thứ hai, 16/10/2017 06:30 (GMT+7)
06:30 16/10/2017
Các xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, xã Phúc Sơn thuộc huyện Văn Chấn là hai trong số nhiều nơi ở Yên Bái bị hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi lũ quét hôm 11/10.
Sáng 16/10, người dân ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu (Yên Bái) hối hả dọn dẹp sau những ngày bị lũ quét ập tới.
Tính đến hết ngày 14/10, mưa lũ tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La khiến 60 người thiệt mạng, 39 người mất tích và 31 người bị thương.
Thiệt hại về người, nhà bị sập hoàn toàn, mất trắng gia súc, thóc gạo, không có nước sạch để sử dụng là những thực trạng mà những người dân xã Phúc Sơn đang phải trải qua những ngày này.
Những hình ảnh đau lòng vẫn còn tràn ngập khắp các bản làng. Trong ảnh là khu vực chỉ mới mấy ngày trước còn có một căn nhà của gia đình em Hoàng Văn Vinh (bản Thón, xã Phúc Sơn) nay đã bị san bằng khi cơn lũ quét qua, bị thiệt hại cả về người lẫn của.
Bốn nạn nhân trong gia đình em Vinh được thờ tạm trên chiếc bàn nhỏ mà không có nổi một bức di ảnh. Bởi tất cả những gì có trong nhà đều đã bị cuốn theo dòng nước. Hiện tại, người ta mới chỉ tìm được thi thể của một người là anh Hoàng Văn Quân (bố của Vinh).
Vinh (ảnh) cho biết em may mắn thoát nạn bởi khi đó đang đi làm phụ xây ở Bắc Giang. Theo lời hàng xóm, mẹ Vinh là chị Đồng Thị Sơ khi ấy còn đang mang bầu đứa con thứ tư, chỉ còn một tháng nữa là sinh nhưng cơn lũ dữ đã cướp đi tất cả thành viên trong gia đình em. Giờ đây Vinh rất mong mỏi được tìm thấy mẹ và hai em của mình.
Căn nhà của anh Đồng Văn Hoan ở bản Thón sau khi nước lũ rút.
Cũng tại bản Thón, một căn nhà khác xây bằng gạch không chịu được sức nước đã bị đổ nghiêng.
Chị Hà Thị Ứt (bản Ngoa, xã Phúc Sơn) mất hết gà, đồ dùng, quần áo, chỉ còn lại chiếc đệm đang phơi ngoài xa là giữ được.
Căn nhà sàn của anh Đồng Văn Cù ở bản Ngoa, xã Phúc Sơn bị sập hoàn toàn.
"Khi lũ đến, nhà có mỗi hai mẹ con nên tôi chỉ kịp đưa mẹ chạy thoát thân. Đồ đạc đắt tiền trong nhà như tivi, nồi cơm điện đều phải bỏ lại hết", Đồng Văn Cù kể lại.
"Tôi chưa thấy cơn lũ nào to như thế cả. Tôi vẫn sợ lắm" – bà Đồng Thị Dạ (69 tuổi), mẹ anh Đồng Văn Cù nói. Gần đó, chiếc xe máy còn lại của gia đình anh Hoàng Văn Păn vẫn đang bị ngập trong lớp bùn dày hơn 50 cm.
Chị Đồng Thị Lột từ Trạm Tấu bật khóc khi xuống thăm nhà anh trai sau cơn lũ. "Anh trai tôi tích cóp mãi, vừa xây được cái nhà thì bây giờ lại mất hết", chị Lột nức nở.
Trong hai ngày 14 và 15/10, các gia đình may mắn bị ảnh hưởng nhẹ thì tấp nập dọn dẹp. Có những nhà bị nhiều lớp bùn đất dày bao phủ khiến họ cào bới rất khó khăn.
Bên trong một căn nhà ở bản Ngoa sau lũ. Trong ký ức của ông Đồng Văn Chà, ông chưa từng gặp cơn lũ nào lớn như thế. Gia đình ông bị thiệt hại ước tính khoảng 40 triệu đồng khi mất trắng 6 tạ thóc và 4 con lợn cùng nhiều tài sản khác bị cuốn trôi theo dòng nước.
Phía ngoài đường thuộc địa phận huyện Trạm Tấu do bị sạt lở, người dân đi lại vẫn gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Họ phải chờ máy xúc dọn dẹp xong đống đất đá từ trên núi sạt xuống mới lưu thông qua được. Trong ảnh là khu vực bị sụt lún hàm ếch trên đoạn đường lên xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu. Hiện chỉ có xe máy là đi lại được qua đây.
Những công nhân sửa đường của Công ty Xây dựng số 2 Yên Bái do anh Lò Văn Xuân làm đội trưởng đang miệt mài kè lại khu vực sụt lún hoàn toàn bằng sức người. Máy móc, thiết bị không thể đưa lên đây được vì giao thông đang bị chia cắt ở nhiều điểm.
Nước lũ đã rút nhưng dòng chảy vẫn mạnh, tràn qua con đường nối thị xã Nghĩa Lộ với xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn.
Trước đó, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái cho biết mưa lũ tại tỉnh này đã làm 22 người chết và mất tích, 7 người bị thương, thiệt hại vật chất ước tính trên 500 tỷ đồng.
Sáng 13/10, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ những mất mát, khó khăn với thân nhân gia đình anh Hoàng Văn Quân (bố của em Vinh trong bài) ở bản Thón, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn có cả 4 người chết và mất tích do lũ quét.
Nhiều tiểu thương chợ Vinh (Nghệ An) chịu cảnh trắng tay, thiệt hại nặng nề sau trận lũ lịch sử vừa qua. Họ cho rằng nguyên nhân là do ban quản lý chợ không thông báo kịp thời.
Ngồi ăn cơm trên bàn bi-a, làm thuyền bè tự chế… là những cách người dân vùng ngập lụt thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tìm cách đối phó với làn nước lũ vài ngày qua.