Hơn 8h, chị Võ Thị Hoa Quỳnh (nhân viên ngân hàng) khẩn trương gửi xe vào điểm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính tại số 2/304, Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức (khu vực 2). Mới đầu giờ làm việc nhưng khi chị vào lấy số thì đã lên đến thứ tự 59.
Với kinh nghiệm hơn 5 năm làm thủ tục hành chính tại TP.HCM, chị xác định sẽ mất cả ngày để chờ làm thủ tục ở đây.
Nơi đông nghịt, nơi thưa thớt
Đợi đến hơn 11h, chị Quỳnh mới được gọi tên để làm hồ sơ. Chị thở phào và chia sẻ như thế vẫn may vì có những hôm quá đông, sẽ phải chờ cả ngày.
Trung bình mỗi tháng một lần, chị Quỳnh đều đến UBND quận 9 cũ để làm các thủ tục liên quan đến tín dụng cho khách. Với tần suất đó, chị tự coi mình là người làm thủ tục hành chính "chuyên nghiệp". Có kinh nghiệm thực hiện thủ tục tại nhiều nơi trong thành phố như quận Thủ Đức cũ, quận 12, huyện Nhà Bè... chị nhận định quận 9 cũ là một trong những nơi giải quyết thủ tục hành chính chậm nhất vì lúc nào cũng trong tình trạng đông đúc.
"Giao dịch bảo đảm của quận 9 (cũ) từ hồi đó đến giờ làm toàn mất 1,5 ngày, so với những quận khác là chậm. Ví dụ như quận Tân Phú nộp có khi ngồi chờ lấy luôn, quận 12 thì nộp trước 9h là sáng hôm sau lấy", chị Quỳnh chia sẻ.
Cảnh đông đúc tại điểm giải quyết thủ tục hành chính khu vực 2 (ảnh trái) trái ngược với khung cảnh vắng vẻ ở khu vực 3. Ảnh: Phạm Ngôn - Thu Hằng. |
Cách đó chừng 600 m, cũng làm thủ tục tương tự chị Quỳnh nhưng anh Lê Hùng Kiệt (nhân viên ngân hàng) chỉ mất chừng 15 phút từ lúc lấy số đến khi hoàn tất việc nộp giấy tờ tại điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính ở số 46, đường Thống Nhất, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức (khu vực 3).
Khác với khung cảnh đông đúc ở khu vực 2, số lượng người đến làm thủ tục ở khu vực 1 và 3 ít hơn nhiều. Cụ thể, trong ngày 26/1, điểm tiếp nhận tại khu vực 2 xử lý tổng cộng 405 hồ sơ (nhận 197, trả 208), còn khu vực 3 giải quyết 317 hồ sơ (nhận 186, trả 131). Trong khi đó, tại điểm tiếp nhận khu vực 1, trong ngày 25/1, đơn vị đã tiếp nhận 13 hồ sơ mới và trả kết quả hành chính cho 95 hồ sơ.
Kiến nghị của người dân với thành phố mới
Khi được giới thiệu thông tin người dân có thể làm thủ tục hành chính tại cả 3 điểm tiếp nhận của TP Thủ Đức thay vì chỉ một nơi như trước đây, chị Quỳnh tỏ ra ngạc nhiên.
"Mình không biết có thể sang khu vực khác để làm thủ tục. Nếu biết mình sẽ qua khu vực 3 (quận Thủ Đức cũ) để làm vì bên đó quầy rộng, làm nhanh hơn. Vừa để giảm áp lực cho cán bộ ở đây, vừa để thuận tiện cho người dân", chị cho hay.
Chị Quỳnh đề xuất với những thông tin mới về TP Thủ Đức như số điện thoại đường dây nóng, thông báo về các điểm tiếp nhận hồ sơ..., chính quyền TP nên niêm yết thông tin tại trụ sở làm việc để người dân có thể cập nhật.
"Đọc trên mạng thì thông tin thay đổi liên tục nên nếu các trụ sở chính quyền thông báo, mình sẽ biết đâu là thông tin đúng, chính thống và chủ động hơn trong lựa chọn", chị Quỳnh kiến nghị.
Chị Lê Thị Sen chia sẻ rằng chị không biết thông tin về việc người dân có thể làm thủ tục hành chính ở cả 3 khu vực. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tương tự chị Quỳnh, chị Lê Thị Sen (nhân viên pháp chế) thường đi làm thủ tục 5-6 lần/tháng nên khá sành sỏi về các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Từ khi TP Thủ Đức đi vào vận hành, chị Sen đã nộp hồ sơ ở cả khu vực 3 (quận Thủ Đức cũ) và khu vực 2 (quận 9 cũ).
"Mình cũng không biết là công dân TP Thủ Đức có thể làm thủ tục ở cả 3 khu vực. Nếu biết trước, mình đã không mất công đi 2 nơi", chị Sen cho hay.
Chị đánh giá cách làm này khá linh hoạt và tốt cho người dân vì đỡ mất công đi lại nhiều nơi. Chị giả sử nếu người dân thường trú ở khu vực 3 (quận Thủ Đức cũ) nhưng mua nhà ở khu vực 2 (quận 9 cũ) thì có thể hộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng hoặc sang tên ở một nơi thay vì 2 nơi như trước đây.
Tuy nhiên, điều chị Sen và nhiều người dân khác quan tâm nhất là thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với trước đây. Nếu khi còn là quận, việc nộp hồ sơ, ký, đóng dấu đều diễn ra ở một nơi thì giờ đây, các hồ sơ phải được chuyển về một trụ sở chính của thành phố để ký, đóng dấu. Chị Sen lo lắng rằng việc này có thể làm chậm quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Bà Nguyễn Thị Thúy cho biết nhiều người dân tập trung đến giải quyết hồ sơ khi biết tin sáp nhập 3 quận thành TP Thủ Đức. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nói về những thay đổi từ khi TP Thủ Đức chính thức vận hành, bà Nguyễn Thị Thúy, nguyên Phó chánh văn phòng UBND quận 9 cũ, cho biết giai đoạn đầu, người dân sợ thủ tục thay đổi nên có xu hướng đổ dồn đến UBND quận 9 cũ làm thủ tục. Cao điểm là ngày 21-22/1, số lượng người đến giải quyết hồ sơ gấp 3-4 lần thường ngày.
"Bộ phận một cửa gần như không có thời gian nghỉ, thậm chí phải tăng ca đến 18h30-19h mới xong hết việc. Quan điểm là giải quyết hết hồ sơ chứ không hết số và không để người dân lo lắng", bà Thúy cho hay.
Theo bà Thúy, việc hỗ trợ để người dân có thể làm thủ tục ở cả 3 khu vực là giải pháp phù hợp để giảm áp lực cho những nơi có số lượng hồ sơ lớn như khu vực 2 (quận 9 cũ), giúp đơn vị không bị quá tải. Những ngày qua, bà Thúy và các cán bộ tại khu vực 2 đang tích cực tuyên truyền về việc người dân có thể làm thủ tục ở cả 3 khu vực thay vì một nơi như trước kia.
Ông Võ Tấn Quan, Chánh văn phòng UBND TP Thủ Đức, thừa nhận thực tế nhiều người dân chưa biết việc có thể nộp hồ sơ tại nơi làm việc của cả 3 khu vực, thậm chí, một số người dân từ khu vực 2, 3 vẫn đổ về khu vực 1 để nộp hồ sơ.
"Chúng tôi đã yêu cầu bộ phận tiếp nhận vẫn xử lý hết, ngay cả những hồ sơ vượt thẩm quyền cũng tiếp nhận và báo cáo với lãnh đạo để giải quyết. Trong mọi trường hợp, hồ sơ của người dân cần được tiếp nhận và tìm hướng xử lý, không được trả hồ sơ của người dân", ông Quan cho hay.