Trưa 12/10, khu vực thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra sạt lở làm 17 người mất tích. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, cùng đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lên đường tìm kiếm, cứu nạn. |
Sau khi băng rừng, đoàn công tác 21 người đến trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67. 0h ngày 13/10, lũ ống quét qua khu vực đoàn dừng chân. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và 12 cán bộ, chiến sĩ khác mất liên lạc. |
Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã huy động hàng chục xe cơ giới và xe đặc chủng để mở đường vào điểm sạt lở. Đến 12h30 ngày 14/10, lực lượng tìm kiếm đã tiếp cận được hiện trường điểm sạt lở tại trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67. |
Đất đá từ ngọn đồi gần đó sạt xuống khiến khu vực này trở nên tan hoang. Lúc 16h, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân đang được triển khai để đưa các nạn nhân ra khỏi vùng sạt lở một cách nhanh nhất. |
Theo phương án cứu nạn đã đề ra, hôm nay, tổ công tác sử dụng thuyền máy, ca nô đã tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4 để tiếp tục di chuyển đến thủy điện Rào Trăng 3. Lực lượng cứu hộ phát hiện, đưa 1 thi thể ra ngoài. 19 công nhân, chuyên gia nước ngoài cũng được giải cứu. |
Hôm nay, Sư đoàn 372 điều động 2 máy bay trực thăng ra sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) để tìm kiếm, tiếp tế nhu yếu phẩm cho nạn nhân. Bộ Quốc phòng đã yêu cầu lực lượng không quân chuẩn bị 2 máy bay CASA C-295, 9 trực thăng (trong đó có 3 chiếc dự bị) để thực hiện cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
- Trưa 12/10, công trình thủy điện Rào Trăng 3 sạt lở, khiến 3 người chết, 17 người mất liên lạc.
- Chiều 12/10, đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quân khu 4 lên đường cứu hộ, cứu nạn.
- Rạng sáng 13/10, khu vực đoàn cứu hộ dừng chân nghỉ ở tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ bị sạt lở khiến 13 người mất liên lạc.
- Sáng 14/10, chuyến bay đầu tiên của Sư đoàn 372 vào khu vực Rào Trăng 3.
- Chiều 14/10, một thi thể công nhân được đưa ra ngoài.