Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh sát quốc tế không cản trở tác nghiệp hiện trường vụ án

Cảnh sát các nước Anh và Mỹ khẳng định không thể ngăn cản mà phải tạo điều kiện tối đa để báo chí được đưa tin chính xác, đầy đủ và đa chiều tại hiện trường.

Điểm chung trong bộ quy tắc ứng xử của cảnh sát Los Angeles (LAPD) ở Mỹ và một số vùng tại nước Anh với báo chí khi tác nghiệp tại hiện trường là các phóng viên cần xuất trình giấy tờ hợp pháp; tạo điều kiện tối đa để báo chí tác nghiệp; nếu cần phong tỏa hiện trường thì chỉ nhằm phục vụ điều tra và phải bố trí phương án để phóng viên tác nghiệp.

Cảnh sát Los Angeles: Tạo điều kiện để báo chí tiếp cận

Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD) nêu rõ "truyền thông là kênh để giao tiếp và truyền tải thông tin đến công chúng về những vấn đề quan trọng. Do vậy, báo chí phải được tạo điều kiện tối đa tiếp cận hiện trường, và được hỗ trợ trong việc tác nghiệp, thu thập thông tin".

quy dinh tac nghiep bao chi o hien truong tai nan anh 1
Cảnh sát Mỹ có trách nhiệm tạo điều kiện để phóng viên tiếp cận hiện trường và cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí. Ảnh: seatlepi.

Quy tắc về hợp tác với báo chí của LAPD khẳng định không được thiết lập những rào cản không cần thiết, chẳng hạn như giữ khoảng cách của đoàn báo chí quá xa với hiện trường trong khi người dân thì được thoải mái đến gần. Chỉ cách ly nếu cần bảo vệ các bằng chứng tại hiện trường, hoặc khi báo chí cản trở quá trình điều tra của cảnh sát.

Cảnh sát cũng không được ngăn cản phóng viên chụp ảnh hoặc phỏng vấn nhân chứng. Tài liệu khẳng định phóng viên có quyền tiếp cận và tường thuật bất kỳ những đối tượng xuất hiện hợp pháp ở hiện trường, như cảnh sát, nạn nhân, nhân chứng.

Phần lớn hiện trường các vụ tai nạn hoặc án mạng sẽ được phong tỏa kể cả với giới truyền thông để bảo đảm quá trình điều tra và để phối hợp hành động với các cơ quan hành pháp, khẩn cấp khác. Tuy nhiên, việc hạn chế báo chí tác nghiệp phải được xin chỉ thị từ sĩ quan có thẩm quyền.

Khi đã thiết lập phong tỏa thì cảnh sát cần phải nhanh chóng thiết lập song song một khu vực tác nghiệp của báo chí (media area) và tạo điều kiện tối đa để phóng viên vào đây. Sau đó, cảnh sát cần cử ra một sĩ quan thông tin để liên tục cập nhật tình hình kịp thời cho báo chí.

Nếu số lượng phóng viên tại hiện trường quá đông, cảnh sát cần thành lập "tổ tác nghiệp" (pool), lựa chọn 1 quay phim, 1 phóng viên, 1 phóng viên ảnh, 1 phóng viên phát thanh... Nhóm này sau quá trình tác nghiệp sẽ có trách nhiệm chia sẻ thông tin, hình ảnh lại cho đồng nghiệp.

Cảnh sát Anh: Không được cản trở báo chí

Bộ quy tắc chỉ dẫn về ứng xử với truyền thông của Sở Cảnh sát London quy định nếu các phóng viên muốn tiếp cận hiện trường thì phải xuất trình thẻ hoạt động báo chí do chính phủ Anh cấp. "Sở hữu thẻ này không có nghĩa phóng viên ngay lập tức được quyền vào hiện trường hay được đi qua khu vực giới nghiêm của cảnh sát. Tuy nhiên, cảnh sát có trách nhiệm hỗ trợ phóng viên mọi lúc có thể".

Bộ quy tắc khẳng định các phóng viên, phóng viên ảnh và quay phim được quyền tác nghiệp tại các sự việc xảy ra trên những đại lộ công khai. Khi phóng viên đến hiện trường một tai nạn hoặc vụ án, cảnh sát có trách nhiệm "lịch sự hướng dẫn" họ đến vị trí thích hợp, đồng thời xin chỉ đạo của cấp trên. Cảnh sát không có chức năng yêu cầu hoặc đề nghị, kiểm duyệt các phóng viên được quay phim hoặc chụp ảnh như thế nào.

quy dinh tac nghiep bao chi o hien truong tai nan anh 2
Cảnh sát không thể ngăn cản báo chí tác nghiệp. Ảnh: media.jrn.

Trong phần lớn trường hợp, cảnh sát London được yêu cầu cố gắng hỗ trợ và trả lời các thắc mắc, câu hỏi của báo chí. Việc trả lời đơn giản như "không bình luận" hoặc tỏ ra chưa chuẩn bị để trả lời báo chí là hành động thể hiện mặt bất lợi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp để phục vụ quá trình điều tra hoặc vì lý do tư pháp, cảnh sát được quyền không công bố một số thông tin nhất định.

"Tỏ ra không hợp tác hoặc yêu cầu phóng viên rời khỏi hiện trường không tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa cảnh sát và báo giới", quy định viết.

Trong khi đó, cảnh sát hạt Nottinghamshire (Anh) quy định thủ tục đầu tiên là các phóng viên cần xuất trình giấy tờ tác nghiệp cần thiết. Miễn là các phóng viên không vi phạm quy tắc hoặc can thiệp quá trình điều tra, vượt qua khu vực cấm, thì cảnh sát không có quyền cản trở tác nghiệp.

Chẳng hạn, phóng viên không được đậu xe ở những nơi có thể cản trở lưu thông, hoặc thậm chí là xe của cảnh sát hoặc các đơn vị khẩn cấp khi đến hiện trường.

Việc hạn chế khu vực hiện trường với báo chí là để phục vụ thu thập bằng chứng và khám nghiệm hiện trường. Trước đó, cảnh sát phải giải thích rõ với phóng viên về lý do phong tỏa; đồng thời phải sớm kết thúc phong tỏa nhưng trước hết phải có sự chấp thuận của sĩ quan phụ trách.

Cơ quan Cảnh sát Nottinghamshire khẳng định họ không có quyền ngăn cản chụp ảnh hay thu giữ dụng cụ tác nghiệp của phóng viên. Nếu hành động này xảy ra có thể dẫn đến án kỷ luật dân sự hoặc hình sự. 

Minh Anh (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm