Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TP.HCM, trong cao điểm mùa mưa, bão mà đỉnh điểm là trong 3 ngày 26, 27 và 28/9 Cảnh sát PCCC TP đã điều động 85 lượt xe, 90 lượt máy bơm cùng 500 lượt cán bộ chiến sĩ tổ chức cứu hộ, hút nước chống ngập tại 69 điểm trên địa bàn 15 quận, huyện.
Trong đó, có 34 điểm ngập tại khu dân cư, 24 điểm tại tầng hầm các tòa nhà, cao ốc. Cảnh sát PCCC đã kịp thời ứng cứu được 114 xe ôtô các loại và 1.228 xe máy của nhân dân trên toàn TP.
Xe máy bị nhấn chìm trong hầm chung cư trên đường Phan Xích Long. Ảnh: Hải An. |
Ông Nguyễn Quang Nhật, Trường phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết riêng ngày 26/9, là trận ngập lớn 40 năm mới có với 66 điểm ngập nặng.
“Qua trận ngập này Cảnh sát PCCC TP.HCM đã triển khai thêm một số kế hoạch như thành lập 1 tổ chống ngập; tham mưu cho TP xây dựng đề án tiến tới ký qui chế chung giữa Cảnh sát PCCC TP với trung tâm chống ngập TP để nắm rõ tình hình và xử lý khi có sự cố xảy ra và ký qui chế với điện lực để cắt điện kịp thời tại những điểm ngập”, ông Nhật nói.
Trong khi đó, Đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, khẳng định trong những ngày xảy ra mưa ngập, cán bộ và chiến sĩ thuộc lực lượng PCCC phải sẵn sàng chiến đấu với đầy đủ quân số. Luôn túc trực 24/24, khi có sự cố xảy ra Cảnh sát PCCC phải ứng cứu kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân.
Cảnh sát PCCC đang hút nước từ các hầm xe sau trận mưa lớn vào tối 26/9. Ảnh: Hải Hiêu. |
Cũng theo báo cáo của Cảnh sát PCCC, từ ngày 16/6 đến ngày 11/10, TP.HCM đã xảy ra 76 vụ cháy. Cảnh sát PCCC đã trực tiếp cứu chữa 62/76 vụ, cứu thoát 15 người.
Các vụ cháy đã làm chết 3 người, bị thương 2 người, thiệt hại tài sản ước tính 7,13 tỷ đồng; địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất là quận Tân Bình. Đối tượng xảy ra cháy chủ yếu là nhà dân, nguyên nhân xảy ra cháy là do sự cố tại các hệ thống, thiết bị điện (chiếm tỷ lệ 57,90%)
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố cón xảy ra 7 vụ tự đốt, làm bị thương 5 người.