Lực lượng an ninh đã dựng chốt chặn các cây cầu bắc qua sông Nile, nối thủ đô Khartoum với các vùng lân cận, để ngăn chặn người biểu tình tràn ra đường.
Những người biểu tình yêu cầu khôi phục quá trình chuyển tiếp sang chế độ dân sự đã được đưa ra sau cuộc đảo chính năm 2019, thời điểm lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir.
Chính quyền quân sự do ông Burhan dẫn đầu được cho là đi ngược quá trình chuyển tiếp, đồng thời đã ký hiệp ước năm 2020 với các điều khoản phục vụ lợi ích riêng, khiến căng thẳng sắc tộc tại Sudan ngày càng tăng.
Hôm 4/7, ông Burhan đã cam kết sẽ nhường chỗ cho một chính phủ dân sự, nhưng nhóm bảo trợ dân sự cho rằng đây là "mưu mẹo" của lãnh đạo chính quyền quân sự. Người biểu tình liên tục kêu gọi ông Burhan từ chức.
Hàng trăm người biểu tình tại thủ đô Khartoum kêu gọi ông Burhan từ chức. Ảnh: Al Jazeera. |
Bên cạnh biểu tình ở thủ đô, những tranh chấp về đất đai, nguồn nước và lương thực đã khiến nhiều cuộc đụng độ giữa các bộ tộc nổ ra, mới nhất là giữa bộ tộc Berti và Hawsa ở bang Nile Xanh, miền Nam Sudan, khiến ít nhất 60 người chết kể từ hôm 11/7 và vẫn chưa kết thúc.
Bạo lực diễn ra sau khi bộ tộc Berti từ chối yêu cầu từ phía Hawsa về việc lập "cơ quan dân sự giám sát đất đai", một thành viên Hawsa nói. Trong khi đó, một thành viên thuộc bộ tộc Berti cho biết họ đang đáp trả việc vùng đất của mình bị người Hawsa "xâm phạm".
Binh lính đã được điều đến bang Nile Xanh để kiềm chế xung đột. Giới chức bang này đã áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm kể từ ngày 16/7. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Sudan Volker Perthes đã kêu gọi các bên kiềm chế.