Tối 19/8, công an dựng rào chắn phong tỏa Bệnh viện E ở Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là nơi đã khám, chữa bệnh cho ông L.B.N. (87 tuổi, bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 994). |
Từ 20h ngày 19/8, bệnh viện tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân để đánh giá tình hình, triển khai chống dịch. |
Chỉ cán bộ, nhân viên y tế hoặc người có nhiệm vụ được vào Bệnh viện E. Lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ người ra - vào. |
Một phụ nữ chăm sóc bệnh nhân muốn ra ngoài mua đồ. Tuy nhiên, bà phải quay lại khi đi đến cổng chính. |
Cổng phụ Bệnh viện E đóng cửa, được gắn biển cảnh báo. Người và phương tiện vào cơ sở y tế này sẽ đi theo cổng chính - nơi có sự giám sát của lực lượng chức năng. |
Việc phun khử khuẩn cũng lập tức được thực hiện. |
Người gửi đồ tiếp tế không được tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân trong bệnh viện. Họ được hướng dẫn để đảm bảo giãn cách. Nhân viên y tế có thể hỗ trợ tiếp nhận để chuyển vào bên trong. |
Căn nhà ở ngõ 117 Trần Cung (nơi bệnh nhân 994 từng ở) cũng được phong tỏa, phun khử khuẩn. Ở đầu ngõ, lực lượng chức năng bố trí chốt kiểm soát. |
Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Tổ trưởng Tổ cơ động phản ứng nhanh của Bộ Y tế là PGS.TS Lương Ngọc Khuê (ngoài cùng bên phải) tới Bệnh viện E. Ông đề nghị phải coi cơ sở y tế này là ổ dịch, cần dừng tiếp nhận khám, chữa bệnh để phòng ngừa lây lan. |
Theo ông Khuê, các ca tử vong ở Đà Nẵng do mắc bệnh lý mạn tính và Covid-19. Vì thế, Bệnh viện E phải rà soát toàn bộ bệnh nhân ở các khoa bệnh nặng, không để người nhà vào chăm sóc. Khu bệnh nhân nặng phải tuyệt đối cách ly, phân luồng để giữ an toàn. |
Hôm nay (20/8), toàn bộ cán bộ, nhân viên và bệnh nhân của Bệnh viện E sẽ được xét nghiệm Covid-19. Nếu không đủ kit test, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ để làm xét nghiệm nhanh nhất. Nếu thiếu khẩu trang, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị, bệnh viện có thể đề xuất Bộ Y tế để có phương án hỗ trợ kịp thời. |