Vài trăm người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đã tụ tập bên ngoài Điện Capitol ở Washington, Mỹ vào ngày 18/9. Cuộc biểu tình nhằm "đòi công lý" cho hàng trăm người tham gia vào cuộc bạo động ở Điện Capitol vào ngày 6/1. Nhiều người trong số họ bị bắt giam nhiều tháng và đang chờ xét xử. Ảnh: Reuters. |
Lo sợ một cuộc bạo loạn khác giống vụ tấn công ngày 6/1 vào Điện Capitol, cảnh sát Điện Capitol đã hợp tác cùng với các cơ quan thực thi pháp luật liên bang và địa phương để tạo thành một bộ máy an ninh khổng lồ xung quanh khu vực. Các tuyến đường bị chặn lại, hàng trăm sĩ quan cảnh sát, một quân đoàn Vệ binh Quốc gia túc trực, một nhóm kỵ binh đứng chờ và trực thăng bay vòng vòng trên không. Ảnh: Reuters. |
Hàng trăm sĩ quan tuần tra trong khuôn viên của Điện Capitol và hàng rào đen cao gần 2,5 m bao quanh tòa nhà. Ảnh: Reuters. |
Cảnh sát bao vây một người đàn ông tham gia biểu tình (đeo kính ở giữa). Cảnh sát Điện Capitol thông báo họ đã bắt giữ 4 người trong đám đông, trong đó có một người đàn ông trang bị súng ngắn. Cảnh sát nói rằng "không rõ lý do người đàn ông này lại có mặt tại cuộc biểu tình". Ảnh: AP. |
Những người ủng hộ các bị cáo bị truy tố trong vụ tấn công ngày 6/1 vào Điện Capitol đang cầu nguyện. Nhiều người trong đám đông đã lập luận hàng trăm người bị bắt trong cuộc bạo loạn ngày 6/1 là “tù nhân chính trị” và họ đã không sử dụng bạo lực. Ảnh: Reuters. |
Matt Braynard, người đứng đằng sau cuộc biểu tình ngày 18/9 và là cựu nhân viên trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, phát biểu. Ông bác bỏ ý kiến cho rằng cuộc biểu tình ủng hộ những người thực hiện hành vi bạo lực vào ngày 6/1. Những người đó, theo ông, nên bị xét xử và bỏ tù. Ngược lại, ông nhiệt thành tranh luận về quyền của những người không tham gia bạo động vẫn đang bị giam giữ, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho họ. Ảnh: AP. |
Ông Braynard cũng kêu gọi đám đông tôn trọng các nhân viên thực thi pháp luật tuần tra trong khu vực: "Hãy tôn trọng, tử tế và nghe theo lệnh của những sĩ quan mặc đồng phục ở đây. Họ là những người giữ an toàn cho chúng ta". Ảnh: AP. |
Mặc dù một số nghị sĩ Cộng hòa đã bày tỏ quan ngại về việc đối xử với những người bị bắt liên quan tới ngày 6/1, không có nhà lập pháp nào tham gia cuộc biểu tình ngày 18/9. Động thái này khiến một số người trong đám đông khó chịu và thất vọng. Ảnh: Reuters. |
Truyền thông vây quanh những người biểu tình. Dù có sự hiện diện đông đảo của bộ phận an ninh, những người biểu tình không hề nản lòng. Họ cho rằng điều này chỉ khiến cuộc biểu tình thu hút thêm nhiều sự chú ý. Ảnh: AP. |
Mọi người đứng lại khi quốc ca vang lên trong cuộc biểu tình. Joe Kent, một thành viên đảng Cộng hòa, phát biểu: "Chúng tôi đưa ra thông điệp của mình rằng có những người bị giam giữ mà không được trao quyền hiến định. Chúng tôi làm điều này trong hòa bình, và ngày hôm nay có vẻ đã thành công". Ảnh: AP. |