Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh sát đã tạm giữ hơn 20 tấn cà phê trộn lõi pin

Công an tỉnh Đắk Nông thu giữ hơn 20 tấn cà phê thành phẩm tẩm hóa chất chuẩn bị xuất ra thị trường. Chủ cơ sở khai đã từng bán mặt hàng này về Bình Phước.

Chiều 18/4, UBND tỉnh Đắk Nông họp báo liên quan đến vụ Phòng cảnh sát Môi trường (CSMT) công an tỉnh này bắt quả tang cơ sở sản xuất cà phê trộn lõi pin vào ba ngày trước. Chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) khai đã dùng dung dịch màu đen (nước và lõi pin) để ngâm, tẩm, nhuộm cà phê.

Tang vật bị tạm giữ gồm hơn 21 tấn cà phê phế phẩm đã ngâm, tẩm hóa chất. 40 lít dung dịch, 35 kg pin đập dẹp, 192 kg lõi, nắp và vỏ pin cũng bị cảnh sát đưa về cơ quan điều tra.

Xuất bán đi Bình Phước

Theo bà Loan, cơ sở sản xuất cà phê bẩn từ năm 2016, cung cấp ra thị trường số lượng lớn theo công thức: Bột đá, vỏ cà phê và nước pha bột pin con ó. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, cơ sở này đã bán được hơn 3 tấn và 20 tấn cùng loại chuẩn bị xuất xưởng nếu không bị phát hiện.

San xuat ca phe tu loi pin anh 1
Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông thông tin về vụ việc. Ảnh: Minh Quý.

Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết các đơn vị nghiệp vụ đang làm rõ động cơ, mục đích nhuộm đen phế phẩm cà phê bằng pin. Cơ quan điều tra đang huy động toàn bộ lực lượng xác minh điều tra từ những người cung cấp phế phẩm, tài xế lái xe và người mua sản phẩm.

"Đơn vị phối hợp với công an các địa phương mà bà Loan bán tạp chất. Bà này khai án 3 tấn tạp chất như trên cho một người ở tỉnh Bình Phước. Đến nay vẫn chưa thể khẳng định mục đích của bà Loan sản xuất các phế phẩm này để bán ra thị trường làm thực phẩm cho con người hay không", ông Quy nói và cho biết công an vẫn đang tiếp tục đấu tranh, nếu đúng là sử dụng để làm thực phẩm thì đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Khai quanh co

Theo đại tá Quy, sau khi phát hiện sự việc, bà Loan quanh co, không chịu khai mục đích của việc làm sai trái.

"Hành vi đập pin lấy lõi than pha trộn vào nước để trộn với phế phẩm cà phê của cơ sở bà Loan đã rõ nhưng các đơn vị phải điều tra mục đích làm việc này của bà Loan là gì để có hướng xử lý", đại tá Quy chia sẻ.

San xuat ca phe tu loi pin anh 2
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở của bà Loan. Ảnh: Minh Quý.

Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông Ngô Xuân Lộc, tỉnh đã yêu cầu công an khẩn trương điều tra làm rõ các vấn đề liên quan.

"Công an vẫn chưa xác định được số lượng cà phê nhuộm chất độc hại có bán ra thị trường hay không. Nếu thực sự bán cà phê nhuộm chất trong pin ra thị trường làm thực phẩm cho con người thì phải xử lý hình sự. Đây là hành vi ghê gớm, coi thường sức khỏe và tính mạng con người quá rõ”, ông Lộc nói.

Liên quan đến cà phê kém chất lượng, trong năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã tiến hành lấy các mẫu cà phê để kiểm nghiệm.

Theo một cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Lâm Đồng, trong pin có chì, axit, mangan dioxit, các kim loại nặng. Việc dùng lõi pin nhuộm cà phê, nhất là khi người sử dụng trực tiếp (uống cà phê) thì các chất này sẽ đi vào cơ thể người sử dụng, tác động xấu đến sức khỏe.

Dù mỗi ngày chỉ sử dụng một lượng nhỏ cà phê, nhưng về lâu dài, các hóa chất tích tụ sẽ biểu hiện ra ngoài sức khỏe.

Vì sao xưởng chế cà phê với lõi pin qua mặt chính quyền 2 năm?

Chủ cơ sở sản xuất cà phê bằng lõi pin hoạt động 2 năm nay nhưng chính quyền địa phương không biết.



Tây Nguyên

Bạn có thể quan tâm