Tuyến đường dành cho người đi bộ trên phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) được xây dựng từ đầu năm 2020. Tuyến đường có điểm đầu ở ngã 4 Yên Lãng, Hoàng Cầu kéo dài đến sát Trung tâm chiếu phim Quốc gia và có tổng chiều dài khoảng 400 m, rộng 3 m được chia làm 3 đoạn nhỏ, mỗi đoạn đều hàn cọc sắt rào chắn và lắp biển cấm ôtô, xe máy đi lại. |
Từ khi đưa vào hoạt động, con đường đi bộ tại phố Thái Hà trở thành địa điểm vui chơi, tập thể dục yêu thích của người dân sinh sống trong khu vực do được trồng nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều vị trí trên tuyến đường trở thành nơi tập kết rác thải bốc mùi hôi thối. |
Ông Trượng (người dân phố Thái Hà, quận Đống Đa) cho biết: "Rác thải vứt bừa bãi lâu ngày không có người thu dọn nên bốc mùi hôi thối rất khó chịu, không chỉ ảnh hưởng đến người dân đi bộ mà còn khiến hàng loạt hộ dân xung quanh phải đóng cửa kín mít cả ngày lẫn đêm". |
Nhiều cành cây chết khô nằm chắn một nửa chiều rộng mặt đường nhưng không được dẹp. |
Lối ra vào phần đường dành cho người đi bộ bị ôtô đỗ chắn ngang. |
Trước đây, con đường này là mương nước thải ô nhiễm. Sau khi có dự án cống hoá, nơi đây tiếp tục bị biến thành chỗ đổ phế thải, vật liệu xây dựng. |
Tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch được sở GTVT Hà Nội đầu tư xây dựng trong năm 2019 với kinh phí lên đến 64 tỷ đồng. Khi đưa vào khai thác, đường được nhiều người dân quanh khu vực ủng hộ và sử dụng. |
Tuy nhiên, nhiều tháng nay, tuyến đường này dừng khai thác để phục vụ thi công dự án cống gom Nhà máy nước thải Yên Xá. Chỉ trong thời gian ngắn, nơi đây trở nên xuống cấp. |
Do không còn được khai thác nên rác thải xuất hiện hàng loạt trên đoạn đường đi bộ ven sông. |
Bà Nguyễn Ninh (người dân quận Đống Đa) chia sẻ: “Tôi thường tập thể dục ở đây vào mỗi buổi chiều nhưng từ ngày có công trình xây dựng, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuyến đường đang sạch đẹp bỗng nhiên lại trở thành chỗ tập kết rác thải rất mất vệ sinh, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.". |
Nhiều vị trí trên tuyến đường được đào bới để phục vụ dự án. |
Nhiều người đi bộ muốn qua đây phải chui qua đoạn dây điện, dây cáp lơ lửng ngay trên đầu. |
Không còn lối, người dân buộc phải đi bộ dưới lòng đường. |
Một số lối ra vào phần đường dành cho người đi bộ bị người dân lấn chiếm để kinh doanh trà đá, bán xăng lẻ. |