7h30 sáng, gia đình bà Lê Hằng ở phường Bưởi, quận Tây Hồ (Hà Nội) bắt tay vào vo gạo, đãi đỗ để gói bánh chưng. Đây là một gia đình có truyền thống tự tay làm bánh chưng vào mỗi dịp Tết đã hàng chục năm. |
Gạo nếp được ngâm từ hôm trước, hôm sau mới vo lại cho hạt được trắng tinh. Bà Hằng cho biết sở dĩ làm như vậy để bánh không bị chua, bên trong trắng đẹp. |
Lá được bà nhờ con gái về rửa từ hôm trước. Mỗi công đoạn đều được gia đình làm rất kỹ và có chọn lọc. Bà Hằng cho biết không chỉ gói bánh cho nhà mình mà còn nhân tiện gói cho cả anh chị em trong họ cùng dùng. |
Vốn là người gốc Hà thành nhiều đời, chục năm trước khi mẹ chồng của bà còn sống, cụ là người đảm nhiệm chính với việc gói bánh bằng tay. Nhưng nay cả nhà chuyển sang khuôn để vừa vuông vắn vừa nhanh, lại chặt tay hơn. |
Hôm nay, các con, cháu của gia đình chưa được nghỉ nên những người lớn tuổi là anh chị em ruột trong nhà cùng xắn tay vào gói bánh để đảm bảo tiến độ. |
Để làm bánh cho tổng cộng ba gia đình anh chị em trong họ, bà Hằng chuẩn bị 20 kg gạo, ước tính được 60 chiếc bánh. Thời gian gói mất gần nửa ngày. |
Đến 12h trưa, các loạt bánh với 58 chiếc đã được gói xong thành từng cặp và cho vào một nồi tôn to. |
Ông Trung, anh rể của bà Hằng bắc bếp than tổ ong to với 3 viên xếp với nhau để bắt đầu nấu. |
Vào lúc 12h đêm, ông Khoa - chồng bà Hằng bắt đầu làm thủ tục vớt bánh. "Những chiếc bánh này đảm bảo ngon hơn mua ở hàng do thịt đỗ được lựa chọn kỹ, nhân bánh cũng nhiều hơn so với bánh khi được mua ở hàng", ông Khoa khẳng định. |
Những chiếc bánh chưng truyền thống sau khi vớt ra vẫn có màu xanh trông khá ngon mắt. Việc tiếp theo là dùng ván ép để đảm bảo độ chắc của bánh. |
Sau khi đặt bánh lên bàn thờ thắp hương, bà cho biết số còn lại phân phát cho anh em và con cháu trong họ. Dự kiến, các gia đình sẽ dùng đến rằm tháng Giêng. |