Hầu như cả ngày, cô chỉ ngồi và ngắm số lượng khách ít ỏi đi qua. Ít người hỏi về các loại mỹ phẩm của cô.
“Bây giờ ai cũng đeo khẩu trang, không ai cần sản phẩm chăm sóc da, vì vậy tôi không bán được gì”, Nancy nói. Cô từ chối tiết lộ họ của mình.
Cách tiệm của Nancy không xa, ở khu ẩm thực, một nhân viên cho biết trung tâm thương mại Grand Century, được cho là siêu thị người Việt lớn nhất tại San Jose, California đã mất đi 80% lượng khách.
“Khô héo và tê liệt”, một nhân viên làm việc tại tiệm Cháo Vịt Thanh Đa cho biết. “Có những ngày, chúng tôi chỉ bán được lượng đồ ăn có giá 10 USD”.
Cô nhân viên này chỉ tay về tiệm Bánh Xèo Đinh Công Tráng đã đóng cửa, nơi khách từng phải xếp hàng dài. Chủ tiệm đã dán giấy lên tường, đề nghị các bên khác tiếp quản lại hợp đồng thuê mặt bằng.
Khu ẩm thực của Grand Century phải đóng cửa vì phục vụ ăn uống trong nhà bị cấm. Ảnh: Sheila Tran/San José Spotlight. |
Những ngày khó khăn của các tiệm Việt Nam
Grand Century, trung tâm thương mại Việt Nam ở Little Saigon tại San Jose, có khoảng 100 tiệm: các nhà hàng phục vụ đồ ăn Việt Nam, các tiệm làm tóc, làm nail, dịch vụ thuế hay pháp lý, cùng nhiều tiệm bán lẻ đủ loại, từ quần áo, trang sức, thảo dược, đồ gia dụng, hoa, hay đĩa hát của các ca sĩ Việt Nam.
“Trung tâm thương mại này là nơi để người Việt gặp gỡ, được nghe tiếng Việt, và tìm sản phẩm của riêng mình như đồ ăn, quần áo Việt Nam”, Michelle Vu, cư dân sống cả đời ở San Jose, cho biết. “Đây là trung tâm văn hóa, và rất quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng”.
Nhưng Grand Century đang trải qua cuộc chiến khó khăn nhất trong lịch sử nơi này, vì lượng khách sụt giảm, các rào cản về công nghệ, ngôn ngữ trong việc thích ứng với thực tế mới thời dịch bệnh, cũng như các trắc trở trong việc xin hỗ trợ từ chính quyền, theo trang San José Spotlight.
Đối với những người gặp trở ngại về ngôn ngữ, hoặc gặp trở ngại khi mở tiệm, hay làm việc ở tiệm nói tiếng Anh, thì những nơi như Grand Century thực sự là sinh kế.
“Các tiệm (ở đây) là sinh kế của những người muốn kinh doanh. Đối với những người không đủ tiền kinh doanh, đây là cơ hội để làm việc trong các tiệm và lấy kinh nghiệm”, James Lai, giáo sư dân tộc học tại Đại học Santa Clara, nói.
Bên ngoài trung tâm thương mại Grand Century. Ảnh: Sanjose.org. |
Nhưng vì thời đại dịch đòi hỏi chuyển đổi mô hình kinh doanh, đòi hỏi thông thạo công nghệ số, nên các tiệm Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thích ứng.
“Họ không có đầy đủ công nghệ để ứng phó với việc kinh doanh trong thế giới đại dịch”, Atkinson Tran, trưởng một nhóm cộng đồng người Việt ở San Jose, cho biết.
Cụ thể, đó là những công nghệ và kiến thức cần thiết để nhận đơn hàng online, đăng ký các ứng dụng giao hàng, lập ra chương trình tích điểm thưởng, hoặc triển khai hệ thống giao dịch “không tiếp xúc”.
Vì lượng khách đi lại giảm mạnh, nhiều tiệm ở San Jose chuyển sang bán hàng online và tận dụng mạng xã hội để tăng tương tác.
Nhưng đối với đa số tiệm nằm trong Grand Century, vốn thiếu vắng sự hiện diện trên mạng, cũng như không có kiến thức và nguồn lực để bắt đầu chuyển sang online, đó không phải lựa chọn khả thi.
Cần hỗ trợ từ chính quyền
Nhiều cơ sở kinh doanh buộc phải tìm đến hỗ trợ của chính quyền, nhưng gặp nhiều trở ngại.
Chẳng hạn, tiệm Cháo Vịt Thanh Đa bị chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của San José từ chối. Khi nghe về vòng hai của chương trình hỗ trợ này, chủ tiệm cố gọi điện hỏi nhưng không gặp được tổng đài, để rồi bị quá hạn chót.
Nancy, chủ tiệm mỹ phẩm ở Grand Century, cho biết cô chỉ nhận được 2.000 USD từ thành phố, chỉ đủ để trả lương cho nhân viên. Cô không đủ điều kiện được hỗ trợ liên bang, vì chỉ có một nhân viên.
“(Các tiệm nhỏ) rất cần trợ giúp, nhưng mỗi khi làm hồ sơ, chúng tôi lại phát hiện là không đủ điều kiện”, cô nói. “Nhiều tiệm rơi vào tình trạng này, nhưng chúng tôi không có lựa chọn”.
Tiệm Lac’s Skincare & Cosmetics của cô Nancy. Ảnh: Sheila Tran/San José Spotlight. |
Theo David Duong, chủ tịch Hội Kinh doanh người Mỹ gốc Việt, nói các tài liệu thông báo về chương trình hỗ trợ chưa đến được những người cần hỗ trợ nhất.
“Chúng tôi biết nhiều người Mỹ gốc Việt vẫn gặp khó khăn, không biết xin hỗ trợ ở đâu, từ ai, bằng cách nào”, người này nói.
Nhưng thời gian đang cạn dần đối với các tiệm Việt Nam, nhất là trong trung tâm thương mại Grand Century, đang đối mặt với các khoản nợ tiền thuê nhà, cũng như sự bất trắc chưa biết khi nào sẽ quay trở lại bình thường.
Ron Kwok là quản lý tiệm Nước Mía Ninh Kiều do cha của anh mở từ cách đây 20 năm trước. Anh bán nước ở đây từ khi còn nhỏ, và chưa bao giờ thấy nhiều tiệm bị đóng cửa như hiện nay.
“Phần lớn cộng đồng của chúng tôi là các tiệm nhỏ, là các nhà hàng, quầy bán đồ ăn thức uống”, anh nói. “Và các tiệm kinh doanh nhỏ cần giúp đỡ, nhất là trong thời gian khó khăn hiện nay”.
Ron Kwok quản lý tiệm Nước Mía Ninh Kiều. Ảnh: Sheila Tran/San José Spotlight. |