"Làng chài tỷ phú" xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) một thời nổi tiếng nhất, nhì cả nước nhưng giờ đây, hàng trăm hộ ngư dân ở mảnh đất này lâm cảnh nợ nần. Theo thống kê, 800 tỷ đồng là số tiền người dân Nghĩa An chưa thể trả ngân hàng. |
Thống kê sơ bộ, xã Nghĩa An có hơn 1.000 hộ ngư dân không còn khả năng trả nợ. Hết vốn, nhiều người từ bỏ nghề đánh cá. Nhiều tàu thuyền chìm, mắc cạn sau nhiều tháng bỏ không. |
Năm 2013, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Vạn vay vốn đóng 2 tàu công suất lớn. Thời điểm ấy, sau khi trừ chi phí, mỗi năm vợ chồng chị Vạn kiếm được hơn 1 tỷ đồng. Nhưng vài năm gần đây, nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt, gia đình làm ăn thất bại, liên tục tuột dốc. |
Nợ nần chồng chất hơn 7 tỷ đồng, vợ chồng chị Vạn đưa tàu về neo bờ rao bán mãi mà chưa ai mua. "Từ vai trò chủ tàu, chồng tôi đành đi làm thuê cho tàu cá khác trong thôn. Còn tôi thì sáng đi bán bánh mì ngoài chợ, chiều theo bà con lối xóm chèo ghe thả lưới bắt cá ven sông chạy ăn từng bữa", người phụ nữ mếu máo. |
Tròn 62 tuổi, bà Trương Thị Phấn (mẹ chồng chị Vạn) nhiều lần muốn lên TP làm osin để kiếm tiền giúp con cháu trả bớt nợ. Nhưng hai cháu nội còn nhỏ, bà Phấn đành quanh quẩn ở nhà. "Cuộc sống bế tắc, nhiều lúc tôi nghĩ quẩn ý định tự tử chết đi cho xong nhưng nghĩ thương con cháu nên cố gắng gượng", bà Phấn xót xa. |
Bao nhiêu vốn liếng dồn đầu tư hết vào hai chiếc tàu công suất lớn, nhiều năm qua vợ chồng chị Vạn vẫn chưa thể sửa lại căn nhà cấp 4 đang xuống cấp từng ngày. |
Bến cá Nghĩa An đìu hiu trong nắng chiều hoàng hôn. "Không ngờ làng chài tỷ phú nhất, nhì miền Trung giờ đây chìm trong biển nợ nần", lão ngư Trần Thành ngậm ngùi nói. |
Một chiếc tàu công suất lớn được chủ tàu đưa lên bờ ở làng chài Nghĩa An rao bán trả nợ ngân hàng nhưng nhiều tháng qua chưa có ai hỏi mua. Ông Trần Văn Sinh, cán bộ phụ trách thủy sản xã Nghĩa An, cho hay toàn xã có hơn 4.700 hộ dân, trong đó có 95% gia đình làm nghề biển. |
Ngân hàng nhiều lần gửi văn bản siết nợ nhà cửa, một số gia đình dựng lều ven biển tìm kế sinh nhai kiếm sống qua ngày. "Nghề giã cào lâm cảnh bế tắc khiến hàng loạt chủ tàu nợ không thở nổi. Từng kiếm bạc tỷ mỗi năm, giờ đây làm ăn thất bại, họ chạy ăn từng bữa còn chưa xong, làm sao có thể trả nổi nợ cho ngân hàng", ông Sinh nói. |
Vợ chồng bà Võ Thị Đào (ngụ thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An) sở hữu đôi tàu với tổng công suất hơn 1.000 CV trị giá 8 tỷ đồng. Do liên tục làm ăn thua lỗ, gia đình đành đưa tàu về neo bờ, dựng lều trên tuyến đường ven biển để mưu sinh. |
"Sáng tôi bán bún, chiều đẩy xe bánh bèo đi bán khắp đầu đường, ngõ xóm. Chồng tôi từng là chủ tàu ngang dọc trên biển giờ quanh quẩn ở nhà phụ vợ làm bánh bèo, rửa chén kiếm sống qua ngày. Lãi mẹ đẻ lãi con, nghĩ đến khoản nợ 8 tỷ đồng mà vợ chồng tôi không còn thiết tha gì nữa", bà Đào giàn giụa nước mắt. |
Tròn 16 tuổi, Dương Minh Triều (con trai chị Đào) ở nhà phụ giúp mẹ bán bánh bèo kiếm sống qua ngày. "Hết hè này là vào lớp 8 nhưng cuộc sống khốn khó quá, em đã xin ba má cho nghỉ học sớm để chuẩn bị vào TP.HCM giúp việc cho người thân kiếm tiền gửi về trả nợ", Triều thổ lộ. |
Từng ăn nên, làm ra với nghề giã cào xa bờ nhưng nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt khiến nhiều chủ tàu phải sửa chữa lại tàu để đánh bắt gần bờ mong vừa kiếm sống vừa trả lãi cho ngân hàng. |
Nhiều người từng là chủ tàu đi làm thuê cho các tàu nơi khác hoặc làm công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. |
Nhiều năm theo cha hành nghề câu cá hố xa bờ nhưng anh Dương Thanh Tiến đành trở về thả lưới, đánh cá ven sông kiếm sống qua ngày. "Nếu như những năm trước sau mỗi chuyến biển trở về tôi được chia 10 triệu đồng thì hai năm gần đây, mỗi chuyến biển trở về chủ tàu chỉ chia 2-3 triệu đồng. Ngần đó không đủ trang trải", Tiến thổ lộ. |
Trên các tuyến đường dẫn vào làng chài, nhiều dãy nhà khóa chặt cửa, không bóng người. Cảnh sầm uất, trù phú như 10 năm trước đã không còn. |
Trước tình hình này, xã Nghĩa An đã báo cáo thực trạng ngư dân nợ nần đến cơ quan chức năng, đồng thời kiến nghị ngân hàng khoanh nợ lãi, giãn nợ gốc nhằm chia sẻ khó khăn trước mắt cùng bà con ngư dân. |