Dịch bùng phát ở Chí Linh (Hải Dương), trường THCS Sao Đỏ trở thành điểm cách ly của 138 học sinh khối lớp 6 cùng 46 cán bộ, giáo viên và một số phụ huynh trong diện F1.
Hơn một tuần ở đây, họ đã dần quen với nếp sống mới. Gạt bỏ tâm lý lo lắng, những người trong diện cách lý đang chuẩn bị đón một cái Tết đặc biệt.
Gửi đào vào cho con đón Tết
Những ngày cuối năm âm lịch, chị Dung (35 tuổi, phường Sao Đỏ) được nghỉ việc. Dịch Covid-19 khiến Tết năm nay khác lạ. Đường phố ở Chí Linh vắng vẻ, hàng quán ít người mua bán. Nhiều trường học thành nơi cách ly.
Hàng loạt gia đình không được sum họp đón Tết. Nhà chị Dung cũng không ngoại lệ. Dịch bệnh khiến chồng và con gái của chị phải cách ly.
Chị Dung gửi đào vào khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Chiều 30/1, vợ chồng chị Dung nhận tin một giáo viên trường THCS Sao Đỏ dương tính với SARS-CoV-2. Nơi đó, con gái chị - bé Nguyễn Thanh Thùy - đang học lớp 6. Chồng chị trở thành F1 vì đi họp phụ huynh. Sau khi khai báo y tế, chồng chị được hướng dẫn cách ly tại Trung đoàn 2, Sư đoàn 395, Quân khu 3.
“Ổ dịch được phát hiện ở Công ty POYUN từ ngày 27/1, chúng tôi theo dõi và biết được điều đó. Sau đó, dịch lại lan đến nơi con mình theo học. Ban đầu, chúng tôi có chút hoảng hốt nhưng ngay lập tức phải trấn tĩnh để phối hợp với chính quyền”, chị Dung kể.
Người phụ nữ liền động viên Thùy và 2 em (học lớp 3 và mẫu giáo) rằng Tết này cả nhà sẽ không ở cùng nhau. Thùy và bố đi cách ly để nâng cao trách nhiệm với cộng đồng.
Chị đến trường của con để hỗ trợ thầy cô dọn dẹp, chuẩn bị đón toàn bộ học sinh khối lớp 6 cùng 46 thầy cô trong diện cách ly. “Con vào đó với các bạn, phải nghe lời thầy cô, nhớ ăn uống đầy đủ và đảm bảo giãn cách. Con thích ăn gì cứ gọi, mẹ sẽ mang đến”, chị Dung nói với con khi chia tay.
Bé gái hồn nhiên tỏ ra thích thú khi được gặp lại bạn. Nhưng đến ngày thứ ba, Thùy gọi điện cho mẹ rồi bật khóc: “Con nhớ bố mẹ và các em”.
Học sinh ở khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Nghe vậy, chị Dung lòng nặng trĩu nhưng vẫn động viên con phải mạnh mẽ. Và Tết Nguyên đán chỉ còn cách ít ngày, chị chưa sắm sửa được nhiều.
Chiều 25 tháng Chạp, người phụ nữ này mua cành đào để gửi vào nơi con đang cách ly. “Tôi gửi để con và các cháu vẫn cảm nhận được không khí Tết”, chị nói.
"Chúng con ăn Tết ở Chí Linh, không về"
- Chị gửi cho ai?
- Lớp 6C nhé
- Cành đào đẹp quá!
Phạm Văn Hoàng (sinh viên tình nguyện viên tại khu cách ly THCS Sao Đỏ) nói khi nhận cành đào từ tay chị Dung.
Chàng sinh viên trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương có mặt ở tâm dịch sau một quyết định chóng vánh. Đang tham gia chuyến thực tế ở Hà Nội, Hoàng biết nhà trường kêu gọi sinh viên năm cuối chi viện cho Chí Linh.
Không nghĩ ngợi nhiều, Hoàng đăng ký và bắt xe về Hải Dương mà quên hỏi ý kiến gia đình.
Nhóm sinh viên tình nguyện phát cơm tại khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Hoàng được tập huấn, làm thủ tục xét nghiệm Covid-19 trước khi lên đường. “Đây cũng là dịp để chúng em thực hành và góp phần công sức nhỏ của mình cho Chí Linh”, nam sinh nói.
Khi đến tâm dịch, Hoàng và 3 bạn thân cùng lớp gồm Nguyễn Thị Vân Anh, Phạm Thị Thanh và Vũ Thị Nguyệt Hà được phân về trường THCS Sao Đỏ.
Trong số này, Vân Anh từng bị gia đình phản đối. “Em thông báo việc đăng ký tình nguyện phòng chống dịch ở Chí Linh với gia đình trong bữa cơm trưa. Nghe xong ai cũng hoảng hốt”, Vân Anh kể.
Tại điểm cách ly, các sinh viên tình nguyện được bố trí sinh hoạt tại phòng riêng. Công việc của nhóm bắt đầu từ 6h. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, găng tay dán thêm băng dính, họ phát cơm, đo thân nhiệt cho người cách ly ngày 2 lần và nhận chuyển đồ vào phía trong.
- Em ở phòng nào?
- Các em xếp hàng, đứng giãn cách nhau ra
- Ngoan không chị cho về luôn bây giờ
Vân Anh nhắc nhở và chủ động pha trò khi phát cơm cho các học sinh lớp 6. Ở điểm cách ly ngày sát Tết, tranh thủ lúc rảnh rỗi, nhóm sinh viên tình nguyện gọi điện về cho gia đình. Họ hỏi han người thân về việc sắm Tết và thông báo tình hình để cả nhà yên tâm.
Nhóm sinh viên cùng trò chuyện với người thân. Ảnh: Nguyễn Dương. |
- Mọi người ăn Tết vui vẻ nhá
- Chúng con ở đây với các em nhỏ vui lắm
- Chúng con ăn Tết ở Chí Linh luôn, không về
3 nữ sinh viên năm cuối tíu tít nói chuyện với người thân của Hoàng.
Phía ngoài hành lang trường, một học sinh tự giặt đồ, nhóm khác đi bộ, một số khác cùng nhau đánh cầu lông. Thầy trò, phụ huynh và các em đã thích nghi với cuộc sống ở đây.
Tết đặc biệt
Trong căn phòng rộng chừng 40 m2 trên tầng 2, ông Nguyễn Duy Long (44 tuổi, trú phố Trần Bình Trọng, phường Sao Đỏ) cùng 2 con trai là Nguyễn Hải Đăng (lớp 6) và Nguyễn Hoàng Hải (lớp 8) dọn dẹp lại căn phòng để đón Tết.
Căn phòng trở nên đặc biệt hơn vì chỉ có 3 bố con ông Long, còn những phòng khác có 8-9 học sinh cùng cô giáo hoặc phụ huynh.
Để đón Tết, ông Long nhờ người thân mua cành đào. Thấy trên bục giảng có phấn đỏ, người cha viết dòng chữ: “Chúc mừng năm mới 2021”.
Hai đứa nhỏ thấy chữ trên bảng liền khen: “Bố viết đẹp quá, Tết về rồi!". Ba cha con cùng nở nụ cười thích thú.
Ông Long cùng 2 con trai chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Ông Long cho biết trước đó, gia đình ông dự định đi sắm Tết, nấu bánh chưng rồi thăm họ hàng 2 bên nội ngoại. Nhưng dịch Covid-19 khiến các thành viên phải xa nhau. Cô giáo chủ nhiệm con trai mắc Covid-19, cả nhà ông Long là F1.
Vợ ông làm trong quân đội, từng đi họp phụ huynh nên cách ly ở một nơi khác. Còn ông Long và con trai lớn trước đó đã đến đám cưới nhà cô giáo.
“Hay tin, tôi dùng ôtô chở 2 con đến trường cách ly luôn. Đáng ra tôi cách ly nơi khác nhưng xin vào đây. Ngoài quần áo và những đồ sinh hoạt cần thiết, tôi vội ôm luôn chậu cây phát lộc. Chậu cây này tôi mua để chơi Tết”, ông Long kể.
Ngoài hoa đào, cây phát lộc, ông Long còn nhờ bạn mua hộ bánh chưng, nem, giò chả để các con cảm nhận được không khí Tết.
Không khí Tết ở khu cách ly THCS Sao Đỏ. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Ở các phòng cách ly khác, không khí Tết cũng xuất hiện. Một số phụ huynh gửi cành đào, mứt Tết vào cho con. Nhiều nhà hảo tâm cũng gửi quất, bóng nháy vào cho nhà trường trang trí.
Ông Bùi Đình Thắng (Hiệu trưởng THCS Sao Đỏ) cho biết để chuẩn bị cho các em đón một cái Tết tại đây, nhà trường phát động phong trào viết thư, tranh tri ân các lực lượng tham gia chống dịch. Nhà trường sẽ chọn các bức thư và tranh hay, đẹp nhất để trao thưởng.
Trường cũng đã lên kế hoạch lắp một màn hình lớn để thầy cô, phụ huynh và các em cùng xem Táo quân đêm 30. Sáng mùng 1 Tết, nhà trường chúc Tết và lì xì cho các em để tạo không khí ấm cúng, vui xuân.
"Đây sẽ là một kỳ nghỉ Tết đặc biệt và đáng nhớ nhất của thầy trò, phụ huynh và học sinh", ông Thắng nói.