Tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Internet vạn vật (IoT) và Bảo mật thông tin 2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức sáng 13/11, đại diện Bộ TTTT, Sở TTTT TP.HCM cùng các chuyên gia đã thảo luận về những chính sách nhằm đảm bảo an toàn thông tin trong phát triển công nghiệp IoT.
Trao đổi với Zing.vn bên lề hội thảo, các chuyên gia đưa ra cảnh báo cho TP.HCM về an toàn thông tin với hệ thống camera trong đề án Xây dựng đô thị thông minh. Theo đó, đến năm 2025, toàn TP được lắp đặt thêm hơn 10.000 camera giám sát với hơn 60 camera sở hữu tính năng nhận diện khuôn mặt.
65% hệ thống camera tồn tại lỗ hổng an ninh
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT, tính đến hết tháng 12/2017, Việt Nam có trên 316.000 camera giám sát được kết nối online và công khai trên mạng Internet, trong đó khoảng 147.000 thiết bị (chiếm 65%) đang tồn tại những lỗ hổng đã biết có nguy cơ bị tấn công mạng hoặc đã bị chiếm quyền điều khiển.
Thêm vào đó, trong 7.000 dòng mã độc hiện có, 63% được thiết kế để tấn công camera giám sát, còn lại là mã độc tấn công các thiết bị liên kết mạng hay thiết bị thường xuyên sử dụng như thiết bị gia dụng, thiết bị cá nhân...
Ông Nguyễn Khắc Lịch. Ảnh: Thu Hằng. |
Từ thực trạng này, ông Lịch đưa ra cảnh báo riêng cho TP.HCM. Theo đó, TP cần xây dựng hành lang pháp lý riêng và tập huấn cho các đối tượng sử dụng dữ liệu dùng chung từ đô thị thông minh, đặc biệt là camera giám sát.
“Đối với các camera được đưa vào sử dụng cần được kiểm định kỹ càng về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, đặt mật khẩu có độ an toàn cao và liên tục cập nhật thiết bị để tránh rủi ro. Quan trọng hơn cả, TP cần xây dựng kế hoạch ứng cứu khi có tấn công mạng xảy ra”, ông Lịch khuyến nghị.
Trao đổi với Zing.vn, ông Marc Hoelmer, Giám đốc Tư vấn Quản trị Rủi ro Không gian mạng, Deloitte Việt Nam, cho rằng TP.HCM cần rút ra bài học từ những sai lầm trong triển khai hệ thống camera giám sát ở Trung Quốc, Hong Kong để có phương án tốt nhất đảm bảo an ninh thông tin.
"Nếu không chuẩn bị đủ tốt, thiệt hại từ sự mất an toàn thông tin còn lớn hơn nhiều so với lợi ích kinh tế mang lại, đặc biệt là an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dân", chuyên gia nhận định.
Chậm tiến độ thành lập Trung tâm An toàn thông tin
Trong đề án Xây dựng đô thị thông minh của TP.HCM, Trung tâm An toàn thông tin có nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin mạng, ngăn chặn kịp thời và ứng cứu các sự cố liên quan đến an toàn thông tin của thành phố. Theo kế hoạch, trung tâm này phải được hoàn thành trong quý I/2019 nhưng đến nay vẫn chưa thành lập.
Trả lời Zing.vn về tiến độ, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TTTT, cho biết đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin được UBND thành phố phê duyệt từ tháng 12/2018 và vẫn đang trong quá trình triển khai.
Trung tâm An toàn Thông tin trong đề án Xây dựng đô thị thông minh của TP.HCM chậm triển khai so với kế hoạch ban đầu. Ảnh minh họa: Thu Hằng. |
"Chúng tôi đang thương thảo với các đối tác nhằm phát huy tối đa nguồn lực, vượt qua rào cản liên quan đến hạn chế về tài chính và cơ chế để đảm bảo an toàn thông tin cho người dân, dự kiến việc thành lập trung tâm sẽ hoàn thành trong năm nay", ông Đức thông tin.
Đại diện Sở TTTT nói thêm rằng tất cả hệ thống của đô thị thông minh được xây dựng song song với cơ chế bảo mật. Trung tâm An toàn thông tin chỉ có chức năng đồng bộ hóa hệ thống bảo mật này khi xây dựng đô thị thông minh. Do đó, việc thành lập Trung tâm An toàn thông tin trễ hẹn không ảnh hưởng đến an ninh thông tin của cả TP.